Thế nào là công bằng, bình đẳng? Một câu hỏi tưởng chừng trẻ em cũng trả lời được nhưng dường như là quá khó để trả lời chính xác, như qua những tranh cãi về những bất cập trong xét tuyển mùa thi đại học vừa qua.

Định mức công bằng…

04/08/2017, 05:37

Thế nào là công bằng, bình đẳng? Một câu hỏi tưởng chừng trẻ em cũng trả lời được nhưng dường như là quá khó để trả lời chính xác, như qua những tranh cãi về những bất cập trong xét tuyển mùa thi đại học vừa qua.

Nhiều người cho rằng mức cách biệt của điểm ưu tiên hiện nay là quá xa, không còn phù hợp với tình hình thực tế

Thật vậy, khó có thể nói là “công bằng” khi có những thí sinh đạt gần hoặc đạt tới điểm tuyệt đối của cuộc thi nhưng vẫn không đậu đại học theo đúng nguyện vọng của mình. Cụ thể như thí sinh Nguyễn Phùng Hưng ở Thạch Thất, Hà Nội, người đạt 29,25 điểm mà vẫn không đậu Đại học Y Hà Nội, trong khi có những thí sinh thiếu 2 - 3 điểm vẫn đậu. Đặc biệt hơn, có thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà vẫn rớt đại học nguyện vọng một vì có trường lấy điểm cao hơn cả điểm tuyệt đối!

Cũng thật khó nói “công bằng” là đối xử như nhau đối với mọi đối tượng dự thi đại học, vì “công bằng” có nghĩa là… phải có ưu tiên như chính sách giáo dục nước ta trong mấy chục năm qua. Công bằng là cộng điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách, những đối tượng thuộc các khu vực cư trú khác nhau, với mức ưu tiên từ 0,5 cho đến 6,5 điểm cộng dồn.

Vậy “công bằng” chính xác là gì? Nó không có tên là một diễn viên hài như Công Lý và được định nghĩa theo chủ nghĩa thực chứng như sau: “Công bằng là đối xử như nhau đối với những cái giống nhau và không như nhau đối với những cái không giống nhau”.

Theo định nghĩa trên mà hầu hết các xã hội “dân chủ, bình đẳng, bác ái” như xã hội ta đang áp dụng thì việc ưu tiên điểm số cho các đối tượng khác nhau như giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý. Vấn đề có lẽ chỉ là xem xét xem mức định lượng như thế nào của sự “phân biệt đối xử” ấy là hợp lý, khoa học.

Nhiều người cho rằng mức cách biệt của điểm ưu tiên hiện nay là quá xa, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Quả thật, với mức chênh lệch từ 0,5 – 6,5, có nghĩa trung bình là 3,5 điểm, cách biệt đó là quá xa bởi trình độ học sinh các loại đối tượng, vùng miền bây giờ có lẽ cũng không còn xa như trước. Điều đó có thể thấy rõ qua việc các em thí sinh ở nhóm đối tượng, khu vực không ưu tiên có thể đạt mức điểm gần tuyệt đối mà vẫn trượt đại học nguyện vọng một.

Chưa có một cuộc khảo sát, nghiên cứu nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét các mức ưu tiên đó có còn hợp lý hay không hay đã lỗi thời, những chính sách ưu tiên ấy có tác dụng xã hội như thế nào hoặc có phản tác dụng ra sao… Tất cả đều là những nhận định, phát biểu cảm tính, chung chung, mà chưa có một chứng cứ khoa học nào.

Lý do lớn nhất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cho chính sách ưu tiên trong những năm qua, đó là để phát triển xã hội các vùng miền chưa có điều kiện phát triển. Thế nhưng người ta có thể đặt câu hỏi là chính sách đó thật sự hiệu quả như thế nào? Các vùng miền đó đã phát triển về mặt nhân lực ra sao? Chỉ lấy ngành y của các tỉnh thành không trực thuộc trung ương, bao năm được ưu tiên về đào tạo, đã có nguồn nhân lực như thế nào mà hầu hết các bệnh nhân các tỉnh khi lâm các bệnh hơi khó chữa trị đều chạy lên các thành phố trung ương chữa trị? Giáo dục được đào tạo ưu tiên trong hàng chục năm qua cũng không thấy phát triển khiến cho việc cộng điểm ưu tiên theo khu vực vẫn kéo dài? Thật không khó để chỉ biết bao trường hợp sinh viên được hưởng các ưu tiên khi ra trường không về địa phương phục vụ mà tìm mọi cách ở lại các thành phố lớn để tiến thân.

Không nhất thiết phải áp dụng chính sách ưu tiên mà người ta vẫn có thể áp dụng chính sách tuyển dụng, đào tạo những người thực sự có tài để phát triển những vùng xa xôi hẻo lánh bằng những chính sách nghĩa vụ phục vụ hay trọng đãi, thu hút nhân tài cho các vùng miền này như nhiều nước đã làm.

Về phần các em thí sinh, chắc các em không thể chọn nơi để được sinh ra. Như em Hưng nếu được chọn lựa hẳn đã không chọn nơi sinh là một huyện ngoại thành Hà Nội để làm “đối tượng tuyển sinh”. Nhiều em khác có năng lực, yêu thích ngành công an, quân đội nhưng bị những rào cản “khó thể vượt qua” như lý lịch gia đình, nơi mà các em cũng không chọn được sinh ra. Đã hơn 40 năm ngày đất nước thống nhất, qua đến cả hai thế hệ học sinh rồi, nhưng những “rào cản” ấy dường như vẫn còn tồn tại, không mất đi.

Có lẽ, chỉ có những ai nằm trong hoàn cảnh của em Hưng mới cảm nhận được cảm giác đau đớn, thất vọng đến “không thể chịu đựng nỗi” như em khi nghĩ rằng mình xứng đáng được đậu nhưng lại trượt, trong khi người khác không xứng đáng lại đậu. Chỉ mới dọ dẫm bước chân vào đời nhưng hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người trẻ như em Hưng trong mấy chục năm qua đã phải va vào những nỗi thất vọng lớn đến vậy về lẽ công bằng của cuộc đời…

Do vậy, một “định mức công bằng” cần thiết trong tuyển sinh cho những mùa thi sau có lẽ nên là một cải cách cấp thiết của ngành giáo dục đào tạo…

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Định mức công bằng…