Khủng hoảng truyền thông gần đây của D&G tại thị trường châu Á mà Trung Quốc là đại diện đã mang đến một bài học đắt giá về việc sử dụng mạng xã hội cho các thương hiệu đa quốc gia.
Mọi chuyện bắt đầu từ 3 trailer có tên Eating with chopsticks(tạm dịch:Ăn bằng đũa) nhằm quảng cáo cho The Great Show - một chương trình thời trang của D&G tại thành phố Thượng Hải dự kiến diễn ra vào ngày 21.11.
Trong đó, một người mẫu nữ đã sử dụng đũa để thưởng thức những món ăn đến từ Ý gồm mìspaghetti, bánh pizza và bánh cannoli nhưng cực kỳ khó khăn do chúng quá to so với dụng cụ mà cô đang cầm trên tay. Thỉnh thoảng, cô còn dùng đũa như nĩa hay kéo để đưa thức ăn vào miệng.
Đáng tiếc, trái với dự tính của D&G, nhiều người dân Trung Quốc không hề cảm thấy những trailer này thú vị hay hài hước. Ngược lại, họ cho rằng đây là một hành động mang tính phỉ báng văn hóa Trung Quốc.
Mặc dù vậy, tình hình chỉ đặc biệt trở nên nghiêm trọng sau khi đoạn trao đổi khá dài giữa Stefano Gabbana - một trong hai nhà sáng lập của D&G - và Michele Tranovo – một người mẫu và là người đã tố cáo các trailer của thương hiệu thời trang đình đám này phân biệt chủng tộc – trên mạng xã hội Instagram bị tung ra ngoài.
Cụ thể, tài khoản được cho là của Stefano Gabbana viết rằng việc tháo những trailer ra khỏi các mạng xã hội của Trung Quốc là hành động của công ty chứ không phải của ông. Và nếu ông là người chịu trách nhiệm thì điều đó đã không xảy ra. Chưa hết, Stefano còn miệt thị “Tranovo ăn thịt chó”, là “thứ ngu ngốc bốc mùi” và miêu tả Trung Quốc là “quốc gia của những đống phân”.
Michele Tranovo công bố đoạn trao đổi với Stefano lên Instagram
Ngay lập tức, một làn sóng tẩy chay D&G xuất hiện và lan mạnh trên Weibo. Nó đã nhận được sự hưởng ứng của hàng triệu người dùng bao gồm nhiều ngôi sao nổi tiếng như Lý Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Trần Khôn, Phạm Thừa Thừa… Thậm chí, hai đại diện của D&G tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương là Vương Tuấn Khải và Địch Lệ Nhiệt Ba cũng đơn phương chấm dứt hợp đồng và công khai bày tỏ quan điểm bảo vệ văn hóa Trung Quốc.
Bên cạnh đó, công ty quản lý của 24 người mẫu trong danh sách biểu diễn cho The Great Show đã quyết định không tham gia. Hệ quả tất yếu là Cục Văn hóa của Thượng Hải tuyên bố hủy chương trình này vào giờ chót.
Stefano Gabbana sau đó đã xin lỗi trên Instagram. Ông khẳng định tài khoản của mình bị hack do đó những gì đã trao đổi với Tranovo không phải là suy nghĩ của ông. Đáng tiếc, câu “Tôi yêu Trung Quốc” ở cuối bài đăng của Stefano đã không nhận được sự cảm thông từ người dân Trung Quốc.
Một ngày sau, sản phẩm của D&G đã đồng loạt biến mất khỏi các trang thương mại điện tử trực tuyến lớn như Tmall, JD, Suning, Koala, VipShop, YHD, Secoo, NetEase… Chưa hết, các đoạn clip ghi nhận cảnh đốt trang phục của D&G xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều người còn cắt chúng ra nhiều mảnh hoặc dùng để chùi nhà vệ sinh.
“Thiệt hại cho D&G tại thị trường Trung Quốc đã quá rõ ràng”, Ben Cavender - một nhà phân tích kinh doanh cao cấp tại China Market Research ở Thượng Hải cho biết.
Trả lời phỏng vấn của CNN, Huang Huang – một phóng viên thời trang nổi tiếng tại Trung Quốc – cho biết phương thức quảng cáo truyền thống của D&G là sử dụng người nổi tiếng sẽ không hiệu quả nữa: “Chẳng ai dám hợp tác với họ đâu”.
Cửa hàng của D&G tại Thượng Hải
Cách đây vài giờ, Stefano Gabbana và Domenico Dolce đã đăng tải một đoạn clip lên trang Weibo chính thức của D&G. Theo đó, cả hai xin lỗi vì hành động của mình và cầu mong sự tha thứ. Mặc dù vậy, cư dân mạng cho rằng cặp đôi này chỉ cố gắng lấp liếm cho quan điểm sai lệch của mình và không hề có thành ý khi không đưa lời xin lỗi lên Instagram.
Đây chắc chắn là một bài học đắt giá cho D&G bởi vì thị trường Trung Quốc chiếm đến 30% tổng doanh thu của thương hiệu này vào năm ngoái. Ngoài ra, hiện đang là mùa mua sắm cuối năm cho nên việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của D&G trên toàn cầu.
Mai Thảo