Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được duyệt trước đây đã không còn phù hợp với thực tế, tình hình biến đổi khí hậu và quy hoạch phát triển chung. Vì vậy, TP.HCM sẽ rà soát tổng thể lại quy hoạch và đề xuất giải pháp mới.

Do quy hoạch lạc hậu, TP.HCM đang rà soát lại việc chống ngập

24/10/2019, 15:37

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được duyệt trước đây đã không còn phù hợp với thực tế, tình hình biến đổi khí hậu và quy hoạch phát triển chung. Vì vậy, TP.HCM sẽ rà soát tổng thể lại quy hoạch và đề xuất giải pháp mới.

Quy hoạch chống ngập của TP.HCM đã lạc hậu so với tình hình thực tế - Ảnh: Internet

Ngày 24.10, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.

Đồng thời, Ủy ban cũng đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình kết nối với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước nhằm khép kín toàn bộ hệ thống. Việc này nhằm phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho TP.HCM trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai.

Theo UBND TP.HCM, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được duyệt trước đây đã không còn phù hợp với thực tế, cũng như tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng và quy hoạch phát triển chung của thành phố.

Trong 3 năm gần đây, TP.HCM đã xuất hiện 21 đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp 3 (1,5m). Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại Trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401mm, làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10cm đến 70cm.

Được biết hiện tại TP.HCM đang thực hiện hai quy hoạch chống ngập, gồm quy hoạch tổng thể thoát nước đến năm 2020 (quy hoạch 752) và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (quy hoạch 1.547).

Nguồn lực để thực hiện hai quy hoạch này lên tới 96.329 tỉ đồng. Giai đoạn trước năm 2016 đã có ba dự án triển khai với tổng số vốn 22.948 tỉ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 cần 73.379 tỉ đồng. Tổng số vốn còn thiếu để thực hiện hoàn chỉnh hai quy hoạch nêu trên lên tới 46.527 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công trình giảm ngập trọng điểm trên địa bàn như giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khi hậu giai đoạn 1, cải tạo kênh Ba Bò, kênh Hiệp Tân, đường Kinh Dương Vương, đường An Dương Vương, đường Ngô Gia Tự, đường Gò Dầu…

Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa giải quyết được căn cơ bài toán chống ngập. Đáng chú ý, trận triều cường lịch sử cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua đã có tới 21 tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập sâu đến 0,3m.

Trước tình hình đó, mới đây HĐND TP.HCM cho rằng cần nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch chống ngập bởi quy hoạch hiện nay đã quá lạc hậu so với tình hình thực tiễn.

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng nguyên nhân của việc ngập nước là do lượng mưa những năm gần đây đạt vũ lượng cao, mức đỉnh triều cường cũng cao hơn các năm trước, mức độ lún và tốc độ đô thị hoá nhanh gây áp lực lớn cho hệ thống thoát nước vốn đã cũ; ngoài yếu tố tự nhiên ra còn do công tác quản lý chưa tốt, quy hoạch chưa có giải pháp phối hợp đồng bộ.

Vì vậy, thành phố sẽ rà soát lại các quy hoạch, phải gắn liền quy hoạch về thủy lợi với quy hoạch chung xây dựng, giao thông. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu quy hoạch thoát nước đô thị trong điều kiện mới và sẽ có đánh giá, khảo sát lại, tổng kiểm tra rà soát hiện trạng, xác định chức năng từng kênh rạch để có phương án xử lý cụ thể về chống sạt lở.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Do quy hoạch lạc hậu, TP.HCM đang rà soát lại việc chống ngập