Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa kiến nghị tới Bộ Công an về vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC44) khởi tố ngày 4.9.2013.

Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị đình chỉ điều tra vụ ca nô Cần Giờ

Trí Lâm | 22/07/2017, 14:08

Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa kiến nghị tới Bộ Công an về vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC44) khởi tố ngày 4.9.2013.

Theo văn bản kiến nghị, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đồng tình việc kéo dài vụ án đến nay đã gần 4 năm nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Văn bản dẫn lại kết luận điều tra của cơ quan công an rằng, hành vi sai phạm của bị can Vũ Văn Đảo thể hiện xuyên suốt qua ý thức chủ quan: Vũ Văn Đảo đưa công nghệ và vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu, thuyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi tổ chức sản xuất Vũ Văn Đảo không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về sản xuất phương tiện giao thông, không thực hiện những quy định về đăng kiểm nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa giải quyết đăng kiểm tàu thuyền sản xuất bằng PPC (trong đó có tàu BP-12-04-02).

“Khi tàu thuyền sản xuất bằng PPC không thể đăng kiểm theo hệ dân sự, Vũ Văn Đảo đã chuyển hướng bán cho lực lượng vũ trang và ký hợp đồng với đăng kiểm hải quân để đưa tàu thuyền vật liệu này vào lưu thông. Bị can Vũ Văn Đảo là người sản xuất ra tàu BP-12-04-01 và BP-12-04-02 nên biết rõ về tình trạng kỹ thuật của các tàu trên, Đảo cũng biết rõ cơ quan đăng kiểm chưa cho phép sử dụng nhưng vẫn tìm cách đưa tàu vào sử dụng”, kết luận nêu.

Theo đó, trong bản kiến nghị của mình, Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu phản đối bản kết luận này và nêu rõ, theo ý kiến của các luật sư bào chữa cho ông Vũ Văn Đảo và của một số chuyên gia pháp luật, tai nạn giao thông là điều không may mắn và có nguyên nhân cụ thể, không chứng minh tội phạm bằng việc suy diễn ông Vũ Văn Đảo đã đưa công nghệ mới vào sản xuất và bán tàu thuyền cho lực lượng vũ trang là tội phạm. Bản kết luận điều tra chứng minh tội phạm như trên là không có căn cứ pháp lý và không ai có thể chấp nhận kết luận chứng minh tội phạm như trên.

“Vụ án cho đến nay đã kéo dài gần 4 năm, hai lần Tòa án Nhân dân TP.HCM đã có văn bản hoàn trả hồ sơ cho viện kiểm sát, đã khẳng định rằng với các nguyên nhân được nêu trong cáo trạng và kết luận điều tra thì không có căn cứ để kết tội ông Vũ Văn Đảo”, kiến nghị nêu rõ.

Cùng với đó, thời gian tạm đình chỉ để điều tra bổ sung kéo dài đã 2 năm với nhiều bản kết luận giám định do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM yêu cầu Bộ Giao thông vận tải giám định lại đều xác định nguyên nhân gây tai nạn do chở quá số người và gặp thời tiết xấu, không có nguyên nhân nào do chất lượng 2 công nghệ vật liệu mới PPC kém chất lượng dẫn đến tai nạn.

“Như vậy đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy các quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Vũ Văn Đảo. Việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề cho các bên liên quan ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư Vũ Văn Đảo”, Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh.

Tổ chức này cũng đã nhiều lần kiến nghị, nếu không chứng minh được hành vi phạm tội thì cần phải đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với luật sư Vũ Văn Đảo nhưng đã không được những người có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM về vụ việc này, đề nghị giải quyết dứt điểm oan sai, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo VCCI, hậu quả vụ tai nạn đường thủy tại biển Cần Giờ là hết sức nặng nề và việc khởi tố vụ án điều tra là cần thiết. Tuy nhiên, không vì hậu quả mà tùy tiện khởi tố người sản xuất ra phương tiện giao thông.

“Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan tố tụng nhưng không vì thế mà vi phạm các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, ngâm án, treo án, làm oan người vô tội, hành dân và doanh nghiệp”, VCCI nêu.

Tổ chức này cũng nêu rõcộng đồng doanh nghiệp hết sức bức xúc và lo lắng trước việc cơ quan điều tra trong vụ việc này đã suy diễn, quy chụp cho doanh nhân của một doanh nghiệp khoa học công nghệ, đưa công nghệ vật liệu mới vào sản xuất tàuthuyền là sai phạm, là có tội.

“Nếu chứng minh tội phạm mà suy diễn như vụ án này thì ai dám làm doanh nghiệp, ai dám đưa công nghệ mới vào sản xuất”, VCCI bày tỏ lo ngại.

VCCI cũng nêu thêm, 4 năm điều tra 1 vụ án, 2 lần tòa trả hồ sơ khẳng định căn cứ pháp lý để buộc tội. 2 năm điều tra bổ sung với nhiều kết luận giám định nguyên nhân gây tai nạn không liên quan gì đến chất lượng phương tiện hay vật liệu nhưng cơ quan điều tra vẫn không đình chỉ vụ án, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đi ngược lại tinh thần Chính phủ kiến tạo.

“Đến thời điểm này đã có đủ căn cứ pháp lý để các cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, VCCI nêu.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị đình chỉ điều tra vụ ca nô Cần Giờ