Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, trong hơn 1 năm qua, có tháng doanh nghiệp bán hàng với mức thù lao 0 đồng, thậm chí âm.
Sáng 28.2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, tình hình thị trường xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp; thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương; chưa chủ động được nguồn cung; hàng dự trữ lưu thông theo quy định có những thời điểm không đạt, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm về bảo đảm dự trữ bắt buộc; biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng/giảm không đồng bộ…
Trong khi đó, xăng dầu luôn là vấn đề “nóng”, ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu bức thiết phải đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, trong hơn 1 năm qua, có tháng, doanh nghiệp bán hàng với mức thù lao 0 đồng, thậm chí âm. Như vậy, về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Do vậy, đề nghị được thực hiện theo Điều 11 của Luật Thương mại là: “Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào”.
Do đó, ông Tây đề nghị doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng ở nhiều nguồn. Chính vì Nghị định 95 cho doanh nghiệp chỉ lấy hàng một nơi duy nhất nên thời gian qua đã đứt gãy nguồn hàng và nguy cơ sẽ còn tiếp diễn.
Ông Tây cũng đề nghị sửa lại Điều 38a trong công thức giá cơ sở như sau: Phần chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này tạm gọi là chi phí cơ bản phải phân chia rõ ở 3 khâu là doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
“Riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị từ 5 - 6%/giá bán lẻ chúng tôi mới đủ trang trải chi phí hoạt động để trả lương cho nhân viên, điện nước, hao hụt, sửa chữa máy móc thiết bị, trả lãi ngân hàng, chi phí mặt bằng, chi phí quản lý kinh doanh, và các chi phí cơ hội khác. Phần chi phí cơ bản này thuộc sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ và được ghi trong giá cơ sở”, ông Tây nói.
Theo ông Giang Chấn Tây, đây là công cụ quản lý hữu hiệu của Nhà nước, để doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống của giá xăng dầu thế giới.
“Vừa qua, Nhà nước không quy định cụ thể, mà buông cho thị trường quyết định chung chung thì chẳng qua là đưa quyền cho doanh nghiệp đầu mối định đoạt và hưởng hết phần chi phí này. Khi họ lỗ và khi lãi thì họ lại dùng để bù vào khoản lỗ trước đó. Quy định đã có, nhưng không rõ ràng, và không có chế tài cụ thể. Nên không cơ quan nào xử lý việc này. Đây là kẻ hở của nghị định, cần phải nghiêm túc thay đổi”, ông Tây nói và cho rằng nếu không phân chia rõ thì sau này thị trường sẽ tiếp tục bất ổn là điều khó tránh khỏi.
Tóm lại, ông Tây cho rằng muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là quy định chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5 - 6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm; quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất là 3 nơi để đảm bảo nguồn hàng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi đàm phán, doanh nghiệp bán lẻ thường thiệt thòi. Do đó, việc sửa nghị định cần có cơ cấu hợp lý, còn một phần định giá, một phần thả nổi thì không công bằng.
“Doan nghiệp bán lẻ chỉ được mua ở một đầu mối nên gặp nhiều thiệt thòi trong đàm phán với thương nhân phân phối. Thậm chí, nếu thương nhân phân phối có cả hệ thống bán lẻ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường vận hành không minh bạch và sự cạnh tranh không bình đẳng”, ông Tuấn nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, về chi phí, phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, thay đổi theo từng thời điểm. Do đó, đa dạng hóa về nguồn cung là yếu tố quan trọng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, việc tính toán có phần chưa hợp lý. Từ trước đến nay, sự phân phối của hệ thống xăng dầu là các đơn vị tự đàm phán với nhau thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, thời gian quan xảy ra tình trạng doanh nghiệp đầu mối đầu mối, phân phối cắt giảm chiết khấu khiến cửa hàng bán lẻ lỗ, dẫn đến không bán hàng. Do đó, cần nghiên cứu quy định mức tối thiểu để doanh nghiệp bán lẻ được hưởng, để bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế.