Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng quy trình 6 bước để thực hiện một dự án mà UBND TP.HCM là quá dài. Việc này khiến doanh nghiệp bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... sẽ tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
Ngày 22.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP.HCM với doanh nghiệp bất động sản.
Hàng loạt khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản
Tại hội nghị, UBND TP.HCM cũng đưa ra dự thảo báo cáo về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng... Trong đó, UBND TP.HCM đưa ra quy trình 6 bước để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp.
Theo quy trình của UBND TP. HCM đưa ra, bước 1 là làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; bước 2 trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; bước 3 làm thủ tục giao thuê đất. Còn bước 4 quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; bước 5 được cấp “sổ đỏ” dự án; bước 6 doanh nghiệp được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.
Đánh giá về dự thảo này, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho rằng, quy trình này là quá dài vì đến bước thứ 6 mới cho doanh nghiệp làm giấy phép xây dựng. Đặc biệt, bước thứ 4 đã bắt doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. Trong khi đó, từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian, mà thời gian này doanh nghiệp không làm được gì khiến tiền tiếp tục “ngâm” trong đất.
Trên thực tế, thời điểm này doanh nghiệp đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất… Những khoản tiền này cũng là tiền đi vay từ ngân hàng. Nếu dự án ngâm quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên và toàn bộ chi phí này tính vào giá thành, khách hàng là người gánh chịu cuối cùng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành nói rằng bước thứ 6 nên chuyển lên trên thành bước thứ 4, còn bước thứ 4, 5 thành thứ 5, 6. Nếu không chuyển thì từ lúc bắt đầu đến lúc thi công doanh nghiệp phải mất 5 năm mới xong thủ tục.
Ông Nghĩa phân tích, theo quy trình nếu ra được thông báo tính tiền sử dụng đất có khi mất cả chục năm chưa xong. Một công trình thi công 2, 3 năm mới xong nên trong quá trình thi công dự án có thể thực hiện bước thẩm định để tính tiền sử dụng đất, cấp sổ đỏ cho dự án, sau đó doanh nghiệp hoàn công để cấp sổ đỏ cho người dân.
Nếu thực hiện được quy trình này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc triển khai dự án, đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân với giá thành tốt hơn.
Cũng góp ý về dự thảo này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nói rằng lãnh đạo UBND TP.HCM nên giảm quy trình xét duyệt dự án. Nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 thì chưa phù hợp với quy định hiện hành, bởi doanh nghiệp bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... sẽ tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
Ngoài ra, nếu đến bước 6 doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư, mới được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và mới được thi công xây dựng các công trình của dự án thì quy định này cũng không phù hợp với pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị.
TP.HCM sẽ tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, những bức xúc của doanh nghiệp đặt trách nhiệm cho các sở, ngành TP.HCM trong vấn đề đồng hành cùng doanh nghiệp. Do đó, sắp tới các sở, ngành cần có giải pháp quyết liệt hơn, từ tổ chức công việc đến thực hiện các quy trình có thời gian, thời hạn đảm bảo yêu cầu đề nghị của doanh nghiệp.
“Các sở, ngành hiện nay sự phối hợp trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp đôi lúc lỏng lẻo, dẫn đến thời gian chờ đợi của các doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung. Mỗi người cứ nhìn về một hướng là không ổn mà cùng với nhau phối hợp cho chặt chẽ”, ông Phong yêu cầu.
Do vậy, ông Phong nói rằng những nội dung đề xuất của doanh nghiệp về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Trung ương thì thành phố sẽ báo cáo Chính phủ.
Còn về quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục, quan trọng nhất vẫn là đẩy nhanh thời triển khai thực hiện dự án. Việc này vừa có lợi cho doanh nghiệp và có lợi cho TP.HCM. Vì vậy, các sở, ngành cần phối hợp với nhau để xử lý các công việc nhằm đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án, không để kéo dài và trên cơ sở đúng quy định pháp luật, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thành lập tổ công tác họp hàng tuần và đến 30.4 phải giải quyết xong các vướng mắc dự án của 19 doanh nghiệp, cũng như một số dự án sau khi thanh tra đã có kết luận cho phép tiếp tục triển khai dự án.
“Cứ 3 tháng lãnh đạo TP.HCM sẽ cùng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản. Những kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản trong cuộc hội nghị này nếu thuộc phạm vi trách nhiệm của sở, ngành nào mà không giải quyết được sẽ bị phê bình trong cuộc họp tới. Trong quá trình giải quyết nếu có khó khăn, vướng mắc thì các sở, ngành báo cáo UBND TP.HCM xem xét”, ông Phong chỉ đạo.
Phan Diệu