Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã giải đáp vấn đề dư luận băn khoăn về việc doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng thu ngân sách lại tăng cao.

Doanh nghiệp khó khăn mà bội thu ngân sách, Bộ Tài chính lý giải thế nào?

Lam Thanh | 28/05/2022, 10:10

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã giải đáp vấn đề dư luận băn khoăn về việc doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng thu ngân sách lại tăng cao.

Tại tọa đàm trực tuyến "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu một vấn đề “vừa phấn khởi nhưng dư luận xã hội cũng bày tỏ băn khoăn”, đó là bội thu về ngân sách.

“Tức là kinh tế vừa mới phục hồi nhưng mấy tháng đầu năm, thu ngân sách của chúng ta, kể cả 2021, 6 tháng đầu năm 2022, khá cao. Có ý kiến băn khoăn là doanh nghiệp vừa mới phục hồi, đang khó khăn mà mình thu như vậy, thu được nhiều thì phấn khởi nhưng liệu có lạm thu chăng, có ảnh hưởng đến doanh nghiệp không? Căn cứ nào lại có thu tăng như vậy?”, ông Dũng nói.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết trước hết, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách Nhà nước được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Nhìn vào kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có thể thấy Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Trong năm 2021, trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh về chính sách thu ngân sách như miễn, giảm, giãn rất nhiều loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp; tập trung vào các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ họ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trong đại dịch. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỉ, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỉ

Ngoài ra, kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so với dự toán, cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch mà thu ngân sách như thế thì đây là nguồn lực hết sức quan trọng để giúp cho cả Trung ương và địa phương có thể đối phó hiệu quả với dịch.

“Chúng ta đã chi trên 81.000 tỉ để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, nếu tính cả phần kinh phí chúng ta bỏ ra mua vắc xin, thuốc và thiết lập các cơ sở khám chữa bệnh thì trên 100.000 tỉ. Trong điều kiện thu như vậy, chúng ta có thêm nguồn lực phòng chống dịch mà không phải vay thêm, tức là không phải bội chi thêm ngân sách cho công tác phòng chống dịch, tôi cho đây là kết quả hết sức tích cực”, ông Hưng nói.

vo-thanh-hung.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng - Ảnh: VGP

Về vấn đề trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy mà thu như thế có lạm thu hay không, có tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hay không? Ông Hưng chia sẻ, trong điều hành chính sách, chúng ta đã miễn, giảm, giãn cho các doanh nghiệp, đồng thời, thu là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện.

“Nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8%, và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế có 2,8%, lạm phát trên 1,8%. Rất phù hợp”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam. Nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá là tăng trưởng kinh tế của thế giới là âm khoảng 4-5%.

Riêng đối với Việt Nam, 9 tháng chúng ta tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng ta phải thu 74-75%. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy đến tháng 9.2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách, mặc dù khó khăn như thế nhưng vẫn vượt dự toán. Tất nhiên, lúc ấy chúng tôi dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỉ nhưng thực tế vượt trên 220.000 tỉ.

Cũng theo ông Hưng, về cơ cấu, thu của chúng ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, thu từ đất đai ngày càng giảm. Trong năm 2021, thu nội địa chiếm khoáng 84-85%, so với giai đoạn trước, chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc.

Giai đoạn 2006-2010, thu nội địa chúng ta khoảng 60%, còn lại chúng ta thu từ các yếu tố phụ thuộc rất nhiều vào thị trưởng bên ngoài, đấy là thu dầu thô, thu hoạt động xuất khẩu.

“Cũng có ý kiến cho rằng thu của chúng ta thời gian vừa qua tăng vượt khá chủ yếu từ đất. Đúng là như vậy, thu từ đất vượt tới gần 80.000 tỉ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sự phục hồi kinh tế quý 4 rất tốt, từ mức âm 6% quý 3 thì đến quý 4 đảo ngược chiều là 5,22%, riêng thu từ sử dụng đất trong quý 4 khoảng 74% dự toán”, ông Hưng nói.

Ngoài ra, thu cũng phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy nhưng niền tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt.

Cụ thể là thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh như vậy; đầu tư toàn xã hội tăng, như vậy niềm tin vào nền kinh tế rất khá. Các sự án đầu tư ở địa phương vẫn phát triển. Khi các địa phương có dự án đầu tư, người ta đấu giá và thu tiền sử dụng đất.

“Nếu nhìn khía cạnh như thế thì rất tích cực. Vấn đề chúng ta thu được tiền như thế, chúng ta phải quản lý đầu tư phát triển hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế ở địa phương và cả nước. Cái đấy không có gì đáng lo ngại”, ông Hưng nêu.

Thảo luận tại Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đánh giá thực chất vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế lại thấp, người dân còn khó khăn.

Năm ngoái, thu ngân sách năm 2021 đạt trên 1,56 triệu tỉ đồng, vượt trên 16,4% dự toán, nhưng mức tăng GDP thấp, chỉ 2,58%.

"Vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn khó khăn sau dịch?” ông đặt câu hỏi. Theo ông, đây là điều "bất thường" trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất nhiều thập kỷ do tác động COVID-19. Doanh nghiệp khó khăn là không thể bàn cãi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa, do đại dịch bất khả kháng gây ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
2 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp khó khăn mà bội thu ngân sách, Bộ Tài chính lý giải thế nào?