Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể vay vốn đến 100% tổng dự toán và 120% giá trị tài sản thế chấp. Khoản vay có thể kéo dài lên 25 năm cho mục đích bất động sản.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Vốn cho SME” mới diễn ra gần đây tại TP.HCM.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vốn ngân hàng
Hiện cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây cũng là đối tượng đóng góp 40% GDP mỗi năm và thu hút 51% lực lượng lao động cả nước.
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, dù giữ vai trò quan trọng như vậy nhưng cho đến nay, nhóm SME còn đối diện với rất nhiều khó khăn. Hiện tại, mới chỉ có 30% SME vay được vốn tín dụng ngân hàng, 70% doanh nghiệp còn lại rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Bà Đinh Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nhân Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhóm SME khó vay vốn là do những doanh nghiệp này không có nhiều tài sản thế chấp nên không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng khi nộp hồ sơ vay vốn.
Đặc biệt, việc thiếu vốn đã cản trở rất nhiều sự phát triển của doanh nghiệp, bởi họ không thể mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu muốn mở rộng sản xuất phải chấp nhận chi phí vay vốn cao, nhiều rủi ro. Đây chính là lý do khiến không ít doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản và thất bại.
Về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, vốn là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, nhất là các SME. Trong 40 năm làm việc ở lĩnh vực ngân hàng, chuyên gia này đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản cũng vì thiếu vốn.
“Tôi có cảm giác rất nhiều ngân hàng hiện nay cho vay vốn như tiệm cầm đồ, bởi lúc nào cũng nhắc đến tài sản thế chấp. Trong khi ở các nước tiên tiến như Mỹ, tài sản thế chấp chỉ là nguồn trả nợ thứ 2. Không ngân hàng nào duyệt hồ sơ bằng cách thẩm tra xem doanh nghiệp đó có tài sản gì để cấn trừ nợ hay không, mà họ quan tâm người vay có phương án hoạt động ra sao, trả lãi như thế nào. Trường hợp nếu doanh nghiệp thất bại trong việc kinh doanh thì ngân hàng mới xem xét đến tài sản để thế chấp”, ông Hiếu chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông David Nguyễn Vũ, Giám đốc phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore cũng nói rằng, khi thẩm định dự án cho vay, ngân hàng không nên nhìn vào thâm niên của doanh nghiệp vì có những Start-up mới thành lập, nhưng có dự án tốt, tính hiệu quả cao.
“Bơm máu” cho doanh nghiệp
Để hỗ trợ những doanh nghiệp SME phát triển, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyên các ngân hàng thương mại nên tăng cường cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên có quỹ bảo lãnh tín dụng Trung ương và ngân sách do Quốc hội phê duyệt hàng năm.
Về phía SME, để tìm được vốn, ông cho rằng doanh nghiệp nên chú ý đến phương án sản xuất kinh doanh khả thi và nếu được, SME nên để báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập.
Ông Nguyễn Phước Hưng - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM - cũng đề nghị ngân hàng cần có những giải pháp mới, hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc về thủ tục vay cho doanh nghiệp. Nếu giải quyết được những cản trở này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, ngân hàng đẩy vốn ra nhiều hơn.
Từ những bất cập nguồn vốn cho những doanh nghiệp SME, Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam đã chính thức ra mắt mắt Mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam “SME Việt Nam Network”. Đây được xem là nơikết nối, gắn kết, thúc đẩy tương tác giữa các doanh nghiệp với nhau.
Bà Hồ Diệu Vân - đại diện ngân hàng UOB Việt Nam - cho biếtUOB sẽ cung cấp gói tài trợ tín dụng cho các thành viên của SME Việt Nam trị giá khoảng 1.000tỉ đồng cho đến cuối năm 2018, cùng với đó là các ưu đãi đặc biệt dành riêng khác. Các chi tiết của gói ưu đãi được liệt kê trên ứng dụng di động của SME Việt Nam.
Doanh nghiệp SME có thể dễ dàng đăng nhập vào ứng dụng và bắt đầu dịch vụ ngân hàng với UOB. UOB cung cấp một chương trình cho vay tín chấp cho các thành viên của SME Việt Nam bằng dữ liệu của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà băng này sẽ cho vay đến 100% tổng dự toán,lên đến 120% giá trị tài sản thế chấp và khoản vay có thể kéo dài lên 25 năm cho mục đích bất động sản….
Phan Diệu