Cả nước có 5.507 DN phá sản trong nửa đầu năm 2016, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Số DN buộc tạm ngừng hoạt động là 31.119, tăng 15%. Trong đó, 12.203 DN ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 37,1% so với cùng kỳ và 18.900 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế.

Doanh nghiệp phá sản tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm

Theo Người lao động | 29/06/2016, 06:09

Cả nước có 5.507 DN phá sản trong nửa đầu năm 2016, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Số DN buộc tạm ngừng hoạt động là 31.119, tăng 15%. Trong đó, 12.203 DN ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 37,1% so với cùng kỳ và 18.900 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế.

Tại cuộc họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 tổ chức ngày 28.6, Tổng cục Thống kê công bố GDP 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 5,52%. Trong đó, quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,55%. Đây là mức tăng thấp so với mức tăng 6,32% đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, cho thấy tăng trưởng GDP đang giảm tốc.

Ảnh hưởng bởi thiên tai, giá dầu

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích nguyên nhân khiến GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Cụ thể, tình hình khí hậu diễn biến bất thường - như rét buốt ở phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên - đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. Đây cũng là lý do khiến cho khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - Tổng cục Thống kê, cho rằng năm 2015, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao 6,68% nhờ các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng tăng trưởng tốt. Sang năm 2016, những ngành này không giữ được đà tăng trưởng nên làm ảnh hưởng đến GDP. Sản lượng dầu thô khai thác quý II/2016 giảm so với quý I khiến mức đóng góp của dầu thô vào GDP tăng trưởng âm; trong khi năm 2015, ngành này đứng thứ 4 trong các ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP.

“Để ngành khai khoáng có tăng trưởng gần bằng năm trước thì dầu thô phải khai thác tăng hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch đã đặt ra là 14,2 triệu tấn” - ông Tuyến đề nghị. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại lo ngại nếu Việt Nam tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu thô nhằm có tăng trưởng cao thì cũng không để làm gì vì không cải thiện được chất lượng tăng trưởng.

Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay đạt 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhập khẩu đang âm, tác động đến sản xuất, kinh doanh do nhập chủ yếu là nguyên vật liệu để làm hàng xuất khẩu.

Theo ông Tuyến, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để đạt được mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng GDP quý II cũng chỉ tăng hơn được 0,07%, thấp hơn mức tăng 0,2%-0,3% của các năm trước. “Mục tiêu Quốc hội đặt ra năm 2016 là tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7%. Để đạt mức này, 6 tháng cuối năm, chúng ta phải đạt được gần 7,6%. Với bối cảnh nền kinh tế như 6 tháng vừa qua, mục tiêu tăng trưởng GDP đang gặp nhiều khó khăn” - ông Tuyến lo ngại.

Doanh nghiệp phá sản tăng mạnh

Một số liệu đáng lưu ý được Cục Quản lý doanh nghiệp (DN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp báo là cả nước có 5.507 DN phá sản trong nửa đầu năm 2016, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Số DN buộc tạm ngừng hoạt động là 31.119, tăng 15%. Trong đó, 12.203 DN ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 37,1% so với cùng kỳ và 18.900 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế.

Tổng số DN phá sản, chờ phá sản 6 tháng đầu năm 2016 lên đến 36.626, phần lớn đều là DN có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng. Như vậy, bình quân mỗi tháng có hơn 6.000 DN phá sản, chờ đóng cửa. Nhóm ngành có số lượng DN đóng cửa nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến chế tạo; dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch.

Về số DN đăng ký và thành lập mới, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 54.501 DN với tổng vốn 427.762 tỉ đồng, tăng 20% về số lượng và 51,5% về vốn so với cùng kỳ; bình quân số vốn đạt 7,8 tỉ đồng trên mỗi DN. Cũng trong thời gian này, số DN ngừng hoạt động, quay trở lại hoạt động là 14.900, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu số lượng DN phá sản vẫn tiếp tục tăng cao như vài năm gần đây, tăng trưởng GDP sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, chính các DN mới là khu vực tạo ra sự thịnh vượng cho nền kinh tế.

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Tại Diễn đàn Chính sách Đầu tư năm 2016 diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển với thông điệp xây dựng Chính phủ mới kiến tạo cho sự phát triển, xây dựng mối quan hệ giữa nhà nước với DN trên nền tảng thân thiện.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định nhưng chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn và có nhiều khó khăn hơn. Giá dầu đã phục hồi nhưng chưa bảo đảm tính toán như kỳ vọng của Chính phủ. Từ đầu năm, nước ta gặp phải tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, thiệt hại nặng nề nhất là Tây Nguyên. Do đó, để đạt mục tiêu, cần có nỗ lực cao hơn nữa của Chính phủ với nhiều giải pháp đồng bộ cũng như nỗ lực lớn hơn của cộng đồng DN.

TôHà - Người lao động
Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp phá sản tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm