“Đôi bờ giới tuyến (1954 - 1967)” của PGS-TS Hoàng Chí Hiếu được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Genève (21.7.1954 – 21.7.2024) và 70 năm giải phóng Vĩnh Linh (25.8.1954 – 25.8.2024).
Văn hóa

'Đôi bờ giới tuyến': Câu chuyện lịch sử được kể bởi PGS-TS Hoàng Chí Hiếu

Vu Ngã Tử 19:29 18/07/2024

“Đôi bờ giới tuyến (1954 - 1967)” của PGS-TS Hoàng Chí Hiếu được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Genève (21.7.1954 – 21.7.2024) và 70 năm giải phóng Vĩnh Linh (25.8.1954 – 25.8.2024).

Quyển sách tái hiện các diễn biến nổi bật tại đôi bờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17 từ lúc hai miền đất nước rơi vào cảnh chia cắt tạm thời (từ tháng 7.1954) đến lúc giải phóng hoàn toàn khu phi quân sự Việt Nam, chính thức xóa bỏ đường ranh giới chia cắt đất nước (năm 1967).

Tác giả Hoàng Chí Hiếu đã đóng góp bước đầu và làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử nổi bật diễn ra tại khu vực đôi bờ giới tuyến được xem là “hình ảnh thu nhỏ” của Việt Nam trong thời kỳ 1954 – 1975. Để vượt qua dòng sông rộng chưa đầy 100m, cả dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 21 năm ròng rã, với bao mất mát hi sinh để cho "Bắc Nam sum họp một nhà".

img_20240717_172323.jpg
Tác giả PGS–TS Hoàng Chí Hiếu - Ảnh: NVCC

Đôi bờ giới tuyến (1954-1967) gồm 2 phần chính. Phần 1: Sự thiết lập giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Genève 1954; Phần 2: Đấu tranh cách mạng ở khu phi quân sự - vĩ tuyến 17 (1954-1967). Đây là tâm huyết nghiên cứu của tác giả trong nhiều năm về khu phi quân sự ở đôi bờ giới tuyến.

Sau lần in vào năm 2014, ở lần tái bản này tác giả tiếp tục bổ sung thêm một số kết quả nghiên cứu mới để người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh toàn cảnh của đôi bờ giới tuyến từ sau năm 1954. Ngoài ra, tác giả còn bổ sung nội dung đối sánh hoàn cảnh cả ba nước Đức, Triều Tiên và Việt Nam đều có những nỗ lực nhằm tái thống nhất quốc gia bất chấp những trở ngại do cuộc chiến tranh lạnh gây ra.

Từ chỗ được lịch sử lựa chọn vĩ tuyến 17 trở thành nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước trong thời gian dài. Đây cũng chính là nơi để thực hiện một sứ mệnh đầy ý nghĩa là nối tin tức, tình cảm của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Qua cầu Hiền Lương, hàng triệu tấm bưu thiếp mang tình cảm thương nhớ của nhân dân hai miền đã đến được với nhau, dù qua bao năm đấu tranh vì điều này. Xuyên qua sự hạn chế của số dòng định sẵn và những quy định ngặt nghèo về nội dung thông tin, nguyện vọng đoàn tụ gia đình và thống nhất đất nước của nhân dân được thực hiện. Đó là minh chứng sống động của chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

20240707_124846.jpg
Sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 7.2024 - Ảnh: T.V

“Lần giở và lắp ghép lại những mảnh vụn trong hồ sơ lưu trữ, ký ức của người thân, hiện lên trước mắt là hành trình của ông bà, bố mẹ tôi, cũng như bao người cùng thế hệ sinh ra và lớn lên trong khói lửa của cuộc chiến tranh cách mạng, và cũng chính họ góp phần ít nhiều tạo nên những mảng màu của bức tranh lịch sử dân tộc trong thế kỷ 20, mà ở đó nỗi đau chia cắt chung của dân tộc thấm sâu vào nỗi đau riêng của từng gia đình”, tác giả Hoàng Chí Hiếu chia sẻ.

Tác giả biết rằng có nỗ lực tập hợp bao nhiêu thông tin đi chăng nữa cũng không thể nào diễn tả hết hiện thực sống động và tầm vóc lớn lao của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Vẫn còn nhiều ẩn số tiếp tục cần giải mã về tầm vóc và những sự kiện mà quân dân đôi bờ giới tuyến đã tạo ra trong thời kỳ 1954 - 1975. Vận mệnh của mỗi con người chúng ta gắn liền với vận mệnh của đất nước, sức mạnh thiêng liêng đó không kẻ thù nào đánh đổ được. Việt Nam không cam chịu số phận đã được “sắp đặt sẵn” và ước vọng chung từ bao đời nay của toàn dân tộc Việt Nam là non sông nối liền một dải.

PGS-TS ngành Sử học Hoàng Chí Hiếu hiện là Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Các tác phẩm đã xuất bản: Đôi bờ giới tuyến (1954 - 1967) (năm 2014, 2024); Khu phi quân sự - Vĩ tuyến 17 (1954-1967) (năm 2017, 2019, 2024); Cuộc chiến tranh công nghệ cao ở hàng rào điện tử Mcnamara (1966-1972) (năm 2022); Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào Thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế (1930-2020) (đồng tác giả, năm 2021); Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế - 65 năm xây dựng và phát triển (1957-2022) (đồng tác giả, năm 2022); Giáo trình lịch sử kinh tế Việt Nam (chủ biên, năm 2023).

Ông chủ trì và tham gia đề tài khoa học các cấp; tác giả và đồng tác giả của 35 sách và giáo trình đại học, gần 100 bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Bài liên quan
Tiến sĩ Phạm Toàn từ Mỹ về Việt Nam ra mắt sách tâm lý, tâm thần
Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Toàn từ Mỹ về Việt Nam và có buổi trò chuyện với bạn đọc tại TP.HCM về nội dung ba tập sách “Tâm bệnh học”, “Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5”, “Tâm lý học trẻ em” được xuất bản tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đôi bờ giới tuyến': Câu chuyện lịch sử được kể bởi PGS-TS Hoàng Chí Hiếu