Mưa to, lũ về và triều cường đang làm cho nhiều nơi ở ĐBSCL tiếp tục sạt lở. PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) nhận xét: “Có nhiều nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL, trong đó biến đổi khí hậu và con người tác động vào thiên nhiên là hai nguyên nhân chính”.

Đồng bằng sông Cửu Long - điểm nóng về sạt lở

Văn Kim Khanh - Mỹ Tho | 09/10/2022, 08:22

Mưa to, lũ về và triều cường đang làm cho nhiều nơi ở ĐBSCL tiếp tục sạt lở. PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) nhận xét: “Có nhiều nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL, trong đó biến đổi khí hậu và con người tác động vào thiên nhiên là hai nguyên nhân chính”.

sat-lo-o-tien-giang(1).jpg
Sạt lở bờ sông Ba Rài, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang  - Ảnh: Mỹ Tho

Những ngày gần đây, mưa to kết hợp với triều cường tiếp tục gây sạt lở bờ sông rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nghiêm trọng nhất là đoạn sạt lở lớn ven sông Ba Rài thuộc ấp Hội Trí, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy ngày 7.9. Hơn 20 mét đường giao thông bị sụp xuống dòng nước, gây ách tắc lưu thông. Tình hình sạt lở khu vực này có nguy cơ tái diễn.

Ông Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân cho biết: “Vụ sạt lở này ăn sâu hết con lộ khoảng 5 mét, tạm thời người dân đi lối đi khác. Sạt lở có thể do triều cường, kết cấu địa chất, sự thay đổi dòng chảy. Lúc này mưa nhiều, nước lớn cũng nên gây sạt lở đất”.

Tại các huyện Cái Bè, Châu Thành và thị xã Cai Lậy cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở mới cần được khắc phục. Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 93 điểm sạt lở với chiều dài hơn 4.100 mét, cần khoảng 70 tỉ đồng để khắc phục. Trong đó có 52 điểm sạt lở lớn, nguy hiểm ngoài khả năng xử lý của cấp huyện. UBND tỉnh Tiền Giang đang xem xét để chi hơn 51 tỉ đồng xử lý các điểm sạt lở này. Đối với 41 điểm sạt lở vừa và nhỏ, các huyện thị sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để xử lý.

sat-lo-an-giang-bao-ag.jpg
Sạt lở bờ sông An Giang  - Ảnh: Báo An Giang

Tại An Giang, tình trạng sạt lở cũng rất nóng. Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang có gần 60 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cho biết dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn Mê Kông đổ về. Nước sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tình hình sạt lở sẽ càng phức tạp.

Hiện tại, tình hình sạt lở trên địa bàn Cần Thơ đang diễn ra rất nghiêm trọng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Cần Thơ đã ghi gần 10 điểm sạt lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, gần 20 căn nhà bị thiệt hại phần. Ngoài các công trình do thành phố đầu tư, Cần Thơ kiến nghị Trung ương bố trí khoảng 750 tỉ đồng xây dựng các công trình kè chống sạt lở khẩn cấp. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, những năm gần đây, tình hình sạt lở đang diễn ra rất phức tạp, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn.

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, trong số 254km bờ biển của tỉnh, hiện có 189km trong tình trạng sạt lở, một số đoạn sụt lún. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương, trong giai đoạn 2021-2025 xem xét hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp đê biển - nơi cấp bách nhất hiện nay là đoạn kênh Năm Rạch Chèo đến bờ nam sông Đốc, dài khoảng 23km, nhu cầu vốn khoảng 700 tỉ đồng.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2022, tại tỉnh sạt lở xảy ra ở 29 điểm, làm mất hơn 1km bờ sông, kênh, rạch.

Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Tình hình sạt lở xảy ra ở 13 tỉnh, thành phố ở  ĐBSCL. Sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nguy hiểm.

Theo PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở ĐBSCL, trong đó có các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Cửu Long chặn cát và phù sa. Việc đáy sông thiếu cát, phù sa làm cho dòng nước bào mòn bờ sông, gây ra sạt lở nhiều hơn. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa hiện nay phát triển mạnh, làm cho việc sạt lở xảy ra nhiều nơi. Tình trạng khai thác cát ở sông Tiền, sông Hậu để phục vụ đô thị, giao thông cũng góp phần gây ra sạt lở. Xâm nhập mặn, nước biển dâng cũng gây ra sạt lở do hóa chất từ nước biển ăn mòn bờ sông...

Tóm lại, con người tác động vào thiên nhiên và biến đổi khí hậu là hai tác nhân chính làm cho sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bằng sông Cửu Long - điểm nóng về sạt lở