Đang là niềm “hy vọng” tràn trề của hàng trăm người, vì được hứa hẹn đầu tư một vốn đẻ khối lời, đột nhiên Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy thông báo chấm dứt hoạt động.

Đồng Tháp: Người dân ngồi trên chảo lửa vì Thiên Ngọc Minh Uy đóng cửa

Thanh Tuấn | 12/06/2017, 17:32

Đang là niềm “hy vọng” tràn trề của hàng trăm người, vì được hứa hẹn đầu tư một vốn đẻ khối lời, đột nhiên Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy thông báo chấm dứt hoạt động.

Mộng mua bán hàng đa cấp để giàu

Mấy ngày qua, ở tỉnh Đồng Tháp rộ lên câu chuyện “công ty mẹ” Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở chính đóng tại A6/D11 và A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) gởi hồ sơ đến Bộ Công Thương thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, từ ngày 26.4.

Thông tin này khiến dân tình ở Đồng Tháp trót đầu tư vào hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy nhốn nháo. Bởi họ chưa rõ là có được trả lại vốn hay không, vì nhiều người tham gia còn chưa hiểu mình đang làm gì. Đến thời điểm 20.4.2017, Thiên Ngọc Minh Uy có 23 chi nhánh, 61 địa điểm kinh doanh và 175 đại lý với 165.000 nhà phân phối trên toàn quốc.

Văn bản của Bộ Công Thương về việc Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động

Đầu tháng 6.2017, PV đã đến Đồng Tháp tìm hiểu. Đi nhiều nơi nghe dân bàn tán mấy từ “lừa đảo, dụ dỗ” khi đề cập đến hoạt động của Thiên Ngọc Minh Uy. Ông Nguyễn Phước Tài (61 tuổi, chủ hãng nước đá ở ấp Mỹ Tây 2, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) nói: “Tui chơi vậy chứ không hiểu gì mấy. Nghe người ta giới thiệu là mua bao nhiêu mã thì làm được chức gì, bao nhiêu năm thì phát sinh bao nhiêu lãi.

Thấy êm quá, giống như góp vốn vào công ty cổ phần nên tui mua một phát lên chức… phó phòng luôn. Rồi cứ chờ đến thời hạn để lãnh hoa hồng, chứ không gầy dựng cấp dưới như nhiều người khác”.

Ông Tài cho biết, ông được người ta giới thiệu rằng, khi ông bỏ tiền mua hàng hóa của Thiên Ngọc Minh Uy, thì sau đó ông được nhận hoa hồng. Có nhiều cấp độ và mức hoa hồng tương ứng. Nếu ông mua hàng, hoặc mời gọi người khác mua hàng càng nhiều, thì cấp bậc càng cao và hoa hồng càng hấp dẫn.

Để tạo niềm tin, ông được phía công ty cho đi du lịch miễn phí, nơi ở lý tưởng. Quá trình phân phối hàng hóa cho công ty, ông còn được chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Thấy quá hấp dẫn nên chưa đầy 2 tháng (ngày 16.3.2015 đến 25.5.2015), ông Tài ôm gần 1 tỉ đồng mua hàng hóa của Thiên Ngọc Minh Uy. Mỗi phiếu mua hàng gọi là mã, trị giá 11.800.000 đồng. Ông Tài mua 79 mã, tương đương hơn 932 triệu đồng và được “phong chức”... phó phòng.

Ông Tài cho biết, tiền mua hàng này trước đó ông dự định xây nhà. Nhưng do thấy món lợi quá lớn mà ông đầu tư vào Thiên Ngọc Minh Uy. Bởi theo “luật chơi”, với mức mua hàng hóa như ông, thì sau 3 năm ông được công ty cho “thoát” ra số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Tính khi nhận tiềnông sẽ xây nhà to đẹp hơn.

Một hợp đồng bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy

Đó là chưa kể hàng tháng, phía công ty còn chi trả cho ông Tài tiền hoa hồng. Và thực tế, ông có nhận được 5 lần, với số tiền gần 190 triệu đồng. Nói là mua hàng nhưng thực tế ông chỉ mua 2 thùng thuốc Tàu Trịnh Thiên Tố và một máy ozon (trị giá hơn 32 triệu đồng). Số còn lại chỉ mua hàng khống, nhằm đạt mức lợi nhuận cao.

“Mình nghĩ vừa được chăm sóc sức khỏe mà sau 3 năm lời hơn 1 tỉ đồng, sẽ xây được nhà lớn. Ai ngờ nhà lớn đâu chẳng thấy, giờ công ty nghỉ hoạt động. Vài bữa nữa tui và nhiều bà con sẽ kéo lên TP.HCM để đòi tiền. Nhà thì chưa xây lại mà chẳng biết tiền có lấy lại được hay không”, ông Tài rầu rĩ nói.

Có dấu hiệu hình sự

Cũng như ông Tài, bà Trần Thị Lo (48 tuổi, ngụ ấp 4, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh) kể, năm 2014, có 1 người tên Nguyên ở cơ sở Phụng Quần (TP.Cao Lãnh) đến mời vợ chồng bà tham gia dưỡng sinh. Anh này cũng giải thích nhiều thứ hấp dẫn.

Bà Lo đầy lo lắng

Thêm vào đó, gia đình bà đang có người con gái tham gia làm nhà phân phối hàng đa cấp cho Thiên Ngọc Minh Uy, cũng thuyết phục. Vì vậy mà ngày 24.12.2014, bà mua 14 phần sản phẩm. Do bị rót mật vào tai nên ở xóm ai khuyên gì bà Lo cũng chẳng để ý. Thế là bà cứ mót tiền làm ruộng, tiền vay thêm để mua hàng. Cho đến năm 2015, vợ chồng bà mua tổng cộng 53 phần, với số tiền gần 450 triệu đồng.

Theo như lời mời gọi cũng như một số giấy tờ, thì đến tháng 12.2017 này, bà Lo đã tham gia đủ 3 năm. Nghĩa là bà sẽ được nhận số tiền khủng để xây nhà khang trang. Nghĩ vậy nên 2 tháng trước, bà Lo vay tiền ngân hàng 300 triệu đồng và góp thêm vốn tự có để xây nhà. Nhưng giờ đây công ty tuyên bố nghỉ hoạt động khiến bà tá hỏa.

Chồng bà Lo được cấp thẻ chủ nhiệm kinh doanh nhờ có mức tham gia cao

“Tui có nhận được vài lần tiền hoa hồng, nhưng chưa được bao nhiêu. Trước đây họ quảng cáo là tham gia sau 3 năm sẽ cho “thoát” tiền thù lao để lấy tiền đó cất nhà. Gia đình đang nợ nần chồng chất, mà tiền thì chưa biết có lấy lại được không. Còn những khoản tiền hoa hồng đến hạn họ vẫn chưa trả, hẹn hết lần này đến lần khác và đến giờ thì im lặng luôn”, bà Lo mếu máo khóc.

Ông Tài, bà Lo chỉ là một vài trong số “rừng người” trong cả nước tham gia bán hàng đa cấp cho Thiên Ngọc Minh Uy. Nhiều người cũng hiểu mơ hồ, hoặc được mời gọi mùi tai để vào hệ thống phức tạp này. Khi hay tin Thiên Ngọc Minh Uy nghỉ hoạt động, họ bủn rủn tay chân vì nguy cơ mất vốn. Nếu vậy sẽ có người nợ nần, phá sản...

Cũng có những người vì chuyện làm ăn, vì chức vụ hay danh dự mà chẳng dám lên tiếng đòi tiền. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người cảnh giác không tham gia. Bởi họ suy nghĩ đơn giản là, chẳng có kinh doanh nào lợi nhuận cao ngất ngưỡng như người ta mời gọi.

Nhà bà Lo phải vay ngân hàng xây lên và đang dang dở

Ông Hà Bửu Khánh - Phó phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay nơi đây tiếp nhận được đơn khiếu nại của 58 người tham gia bán hàng đa cấp cho Thiên Ngọc Minh Uy. Nhưng theo ông nắm thì toàn tỉnh có khoảng 500 người tham gia hoạt động này, với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng các quy định về bán hàng đa cấp và những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo; nâng cao nhận thức của người dân tích cực phòng ngừa và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.

“Sở đã hướng dẫn bà con đến TP.HCM để đòi tiền. Quá trình đòi phát hiện có lừa đảo thì chuyển sang cơ quan điều tra xử lý. Trước đây, sở từng có chỉ đạo ngành quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa của Thiên Ngọc Minh Uy, nhưng chưa phát hiện vi phạm.

Năm 2016, UBND tỉnh cũng có lập đoàn kiểm tra về hoạt động đa cấp, thì nhận thấy Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên không có chứng cứ rõ ràng, mà người dân thì không hợp tác. Từ đó các cơ quan chức năng đành… bó tay.

Đến nước này mà nhiều người vẫn còn im lặng. Chúng tôi mong các cơ quan báo chí phổ biến tình trạng này càng rộng rãi càng tốt. Bởi hiện có rất nhiều người đang điêu đứng”, ông Khánh nói.

Thanh Sơn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Tháp: Người dân ngồi trên chảo lửa vì Thiên Ngọc Minh Uy đóng cửa