Bất chấp phản đối từ Mỹ, đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long đã được chọn làm thẩm phán của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) - tổ chức thụ lý và giải quyết các tranh chấp biển, trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều tranh chấp với các nước láng giềng trên biển.

Dù bị Mỹ phản đối, Trung Quốc vẫn có 'chân' trong Tòa án quốc tế về Luật Biển

Hoàng Vũ | 26/08/2020, 12:45

Bất chấp phản đối từ Mỹ, đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long đã được chọn làm thẩm phán của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) - tổ chức thụ lý và giải quyết các tranh chấp biển, trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều tranh chấp với các nước láng giềng trên biển.

168 thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) hôm qua bỏ phiếu bầu 7 thẩm phán mới của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), trong đó 6 thẩm phán được bầu ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Đại sứ Đoàn Khiết Long là một trong 6 thẩm phán được bầu ngày 24.8. 5 thẩm phán còn lại tới từ các nước Malta, Italy, Chile, Cameroon và Ukraine. Các thành viên UNCLOS sẽ bỏ phiếu vòng hai trong ngày 25.8 để chọn ra thẩm phán thứ 7, giữa hai ứng viên tới từ Jamaica và Brazil.

Ông sẽ là quan chức thứ tư của Trung Quốc từng được bầu vào ITLOS. Nhiệm kỳ 9 năm của ông này sẽ bắt đầu từ ngày 1.10. Từ khi thành lập năm 1996, tổ chức này luôn có một thẩm phán người Trung Quốc. Những người tiền nhiệm của ông Đoàn gồm Zhao Lihai (1996 - 2000), Xu Guangjian (2001- 2007) và Gao Zhiguo (2008- 2020).

Ông Đoàn có bằng thạc sĩ ngành luật và đã học tại Trường Luật thuộc ĐH Columbia. Trước đó, ông này từng giữ chức Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sydney, Australia (2010-2013), đại sứ Trung Quốc tại Singapore (2013-2015) và làm đại sứ Trung Quốc tại Hungary cho tới nay. Ông cũng từng làm việc tại Vụ Luật và Công ước của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong những năm 2000, khi ASEAN và Trung Quốc đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Được biết, Tòa án Quốc tế về ITLOS là một cơ quan liên chính phủ, bao gồm 21 thẩm phán phục vụ trong nhiệm kỳ tối đa 9 năm, được bầu chọn từ những ứng viên do các nước tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đề cử, với nhiệm vụ chính là giải quyết các tranh chấp hàng hải quốc tế. 1/3 số thành viên sẽ được thay thế sau mỗi ba năm.

Trong lịch sử 24 năm, ITLOS đã thụ lý 28 vụ kiện, trong đó có những vụ yêu cầu thả thuỷ thủ đoàn và tàu, quyền tài phán của quốc gia ven biển, tự do hàng hải, môi trường biển, cờ của tàu thuyền và bảo tồn nguồn cá.

Dù Mỹ không phải một bên ký kết của UNCLOS nhưng trước đó đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ ứng viên của Trung Quốc vì Bắc Kinh không tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển Đông. Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng những yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông là trái luật quốc tế.

Trong khi đó, David Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương trước đó cũng đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc Đoàn Khiết Long. “Các quốc gia tham gia việc bầu chọn thẩm phán ITLOS cần đánh giá thông tin của ông ta và tự hỏi bỏ phiếu cho ông ta là đang giúp hay đang hại luật biển quốc tế. Bầu đại diện Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê kẻ đốt nhà vào điều hành sở cứu hoả”, ông Stilwell khẳng định.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 25.8 cho biết Trung Quốc luôn ủng hộ ITLOS và việc bầu chọn ông Đoàn Khiết Long có nghĩa là sự đóng góp của Trung Quốc đã được công nhận.

Hoàng Giang (theo SCMP)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dù bị Mỹ phản đối, Trung Quốc vẫn có 'chân' trong Tòa án quốc tế về Luật Biển