Trước nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Dư địa về tài khóa, tiền tệ, nguồn lực rất hạn hẹp so với trước đây”, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng đây chính là cơ hội cho KHCN tiến bước vì chúng ta không thể lùi thêm được nữa.

Dư địa hạn hẹp là cơ hội cho KHCN tiến bước

Thu Anh, Tuyết Nhung | 11/05/2017, 16:16

Trước nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Dư địa về tài khóa, tiền tệ, nguồn lực rất hạn hẹp so với trước đây”, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng đây chính là cơ hội cho KHCN tiến bước vì chúng ta không thể lùi thêm được nữa.

Ngày 11.5 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Tăng cường vai trò của tổ chức hội trong việc kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Phát biểu tại hội thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải,Phó chủ tịch VUSTA nhận định: “Sự kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp trong thời buổi KHCN ngày càng phát triển là điều vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, những năm gần đây, Chính phủ rất coi trọng vấn đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đặc biệt lấy doanh nghiệp làm trung tâm; qua đó thu hút các tổ chứcvà nhà khoa học. Trước nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Dư địa về tài khóa, tiền tệ, nguồn lực rất hạn hẹp so với trước đây”, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng đây chính là cơ hội cho KHCN vì chúng ta không thể lùi thêm được nữa.

TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch VUSTA

Hoạt động KHCN của doanh nghiệp còn trầm lắng

Được biết, lĩnh vực KHCN trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc đầu tư vào KHCN đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhà nước cũng tạo nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đầu tư vào phát triển KHCN.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hoạt động KHCN của phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng, mức đầu tư thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao và tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Hội thảo được chủ trì bởi TSKH Nghiêm Vũ Khải (phải) và TS Trần Văn Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam chỉ ra rằng bên cạnh việc lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến đầu tư, cải tiến hay áp dụng KHCN thì việc hoạt động hỗ trợ của các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực xã hội. Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam đều là những DNNVV dẫn đến khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu nằm ở tài chính và nhân lực.

Trong báo cáo của ông Nguyễn Đức Minh – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH-CN), nguồn nhân lực KHCN ở nước ta vẫn chưa đủ năng lực để tham gia sâu và hiệu quả vào các hoạt động KHCN quốc tế và khu vực khi kỹ thuật còn chưa đồng bộ, môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp, trình độ của cán bộ và nhân viên kỹ thuật còn thiếu…

Ở nước ta hiện nay có tới 97% DNNVV nhưng số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm khoảng 21%, trong đó sử dụng công nghệ lạc hậu từ 3 -4 thế hệ so với thế giới. Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu là nguyên nhân lớn dẫn đến việc lãng phí năng lượng khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu tư.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp và nhà khoa học

Hiệp hội – đơn vị trung gian kết nối chuyển giao công nghệ

Theo báo cáo của WB (năm 2017), xếp hạng quản trị doanh nghiệp Việt Nam rất thấp (35/100 điểm). Theo VCCI, Việt Nam hiện có trên 450 hiệp hội doanh nghiệp (trang web của Bộ Công Thương thống kê được hiện có khoảng 120 hội và hiệp hội doanh nghiệp có địa chỉ cụ thể).

Tại hội thảo, TS Trần Duy Khanh – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC khẳng định: “Các tổ chức hiệp hội đóng vai trò quan trọng, là đơn vị trung gian kết nối chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, nhà quản lývà doanh nghiệp. Không có các hiệp hội thì các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp không thể gần nhau bởi không có cái nhìn chung”.

TS Trần Duy Khanh – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC

Vì vậy, TS Khanh cho rằng các hiệp hội phải có nhiệm vụ tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện, giám định xã hội các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, các đề tài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN… Đồng thời, hiệp hội cần tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến của các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho Nhà nước về các vấn đề pháp luật, chính sách phù hợp.

Theo TS Khanh, đổi mới và nâng cao công nghệ trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp, do vậy, sự liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, các nhà khoa học là xu thế tất yếu.

Thu Anh -Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dư địa hạn hẹp là cơ hội cho KHCN tiến bước