Sau đại dịch COVID-19, bằng việc quy hoạch lại bãi biển Cửa Lò, ngành du lịch Nghệ An muốn “đi sau, về trước”.

Du lịch Nghệ An muốn ‘đi sau, về trước’

Nguyễn Văn Mỹ | 24/11/2022, 13:52

Sau đại dịch COVID-19, bằng việc quy hoạch lại bãi biển Cửa Lò, ngành du lịch Nghệ An muốn “đi sau, về trước”.

Miền Trung - từ Bình Thuận đến Thanh Hóa - tỉnh thành nào cũng giáp biển với rất nhiều bãi tắm đẹp. Tổng chiều dài bờ biển miền Trung là 1.921km (bằng 57,3% cả nước), trong đó, biển Khánh Hòa dài 385 km, Bình Thuận 192 km, Phú Yên 189 km. Các bờ biển ngắn gồm: Đà Nẵng 30 km, Quảng Trị 75 km và Nghệ An 82 km.

cualonghean-3-.jpg
Bãi biển Cửa Lò - Nghệ An - Ảnh: Internet

Du lịch Việt Nam chủ yếu dựa vào biển. Cách nhau đèo Hải Vân, các bãi biển phía Nam năng động, đa dạng và chuyên nghiệp hơn; trong khi các bãi biển phía Bắc na ná giống nhau. Thiếu WC, nhà tắm tuềnh toàng, tạm bợ; chủ yếu là dịch vụ “ăn nhậu” cho khách vãng lai theo mùa.

Cửa Lò (thành phố Vinh, Nghệ An) có bờ biển dài 12 km. Đây được xem là bãi biển nổi tiếng nhất, nhì phía Bắc. Bãi Cửa Lò hiện có 209 quầy hàng, hết hạn hợp đồng trong năm 2022. Mùa cao điểm là mùa hè có hơn 2.000 lao động phục vụ. Đây là nguồn thu chính của thị xã và các gia đình từ nhiều năm nay.

Theo trang web cualo.vn, năm 2019, du lịch Cửa Lò đón 3.178.000 lượt khách (gần 47% toàn tỉnh) nhưng chỉ có 7.051 khách quốc tế (chủ yếu là khách Lào, Thái Lan và Trung Quốc). Tổng doanh thu đạt 3.450 tỉ đồng (hơn 39% cả tỉnh). Doanh thu đầu khách là 1.085.000 đồng (cả tỉnh 1.350.000 đồng). Thu thuế đạt 50 tỉ đồng (1,45% tổng doanh thu) - một con số quá thấp.

Mấy lần đưa khách từ Sài Gòn ra Cửa Lò và các bãi biển Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... khách chỉ ghé qua, thi thoảng đặt ăn trưa. Mọi người thường đùa rằng: “Giống Vũng Tàu thời bao cấp”. Mùa hè chen chúc, mùa đông vắng hoe. Có khách còn cảm thán sáng tác: “Chưa đi chưa biết Cửa Lò. Đi về mới thấy xô bồ, bất an” (ý chỉ mùa hè) hay “Đi về thấy vắng hơn chùa Bà Đanh” (mùa đông).

Môi trường và dịch vụ nhếch nhác, khách du lịch đúng nghĩa ái ngại. Chẳng nhà đầu tư nào dám mạo hiểm dù được xem là “bãi biển vàng”. Các nhà quản lý biết nhưng việc giải quyết không đơn giản, vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Hơn nữa, việc này đụng tới “cơm, áo” người dân lao động và nguồn thuế chính địa phương.

cualonghean-4-.jpg
cualonghean-1-.jpg
Một số hình ảnh tại biển Cửa Lò

Rồi Nghệ An đã tiên phong và Cửa Lò “lĩnh ấn”. Bài toán giải tỏa gắn liền với được - mất.

Tôi chỉ toàn thấy được. Có mất tạm thời kiểu “bỏ tép bắt tôm”. Không chỉ tôm thường mà là… tôm hùm. Có những thứ mất đáng hoan nghênh, đó là tư duy kinh doanh nhỏ, lẻ, cục bộ, mạnh ai nấy làm; có thể mất mấy đầu nậu hoặc cán bộ “phết phẩy” mất nguồn thu, nhưng số này cá biệt.

Trước mắt, 209 hộ gia đình mất vị trí kinh doanh thuận lợi và nguồn thu trực tiếp, hơn 1.000 lao động tạm thời nghỉ việc; thị xã tạm mất nguồn thu tiền tỉ, còn khách du lịch vãng lai không còn dịp ngồi ăn nhậu ngay sát bãi biển.

Nhưng nghĩ kỹ và xa hơn, đó chỉ là sự xáo trộn do sắp xếp lại theo sự quy hoạch bài bản. 209 quầy hàng hiện nay được dời sang phía tây đường Bình Minh với khoảng 200 nhà hàng được đầu tư mới và nâng cấp 100 nhà hàng cũ từng sống lay lắt; giải quyết việc làm thời vụ cho trên 3.000 lao động.

Như vậy, tiền chẳng mất đi đâu, chỉ chuyển từ nhà này sang nhà khác; người lao động và khách cũ, chỉ chuyển từ phía đông qua phía tây, cách nhau mấy trăm mét; các dịch vụ chuẩn hơn, doanh thu cao hơn và tiền thuế nhiều hơn. Và cuối cùng, cả hộ kinh doanh, nhà nước và du khách đều có lợi hơn.

Bãi biển được quy hoạch lại, hiện đại, sạch đẹp, thoáng mát và khang trang. Toàn bộ view biển quyến rũ, níu du khách dừng chân và nối đất liền gần biển thêm. Có như vậy, khách sẽ ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Doanh thu từ lưu trú, ăn uống phía tây, chắc chắn sẽ vượt xa cách làm cũ. Chưa kể nguồn thu lớn từ các dịch vụ cao cấp mới ở bãi phía đông.

cualonghean-2-.jpg
Những hình ảnh team building phản cảm tại biển Cửa Lò từng xuất hiện trên mạng xã hội - Ảnh: Internet

Có người lo mất thương hiệu “bãi biển lý tưởng để hội khóa và tổ chức team building”, thế nhưng, bãi biển vẫn còn đó, đẹp và hấp dẫn hơn. Hội khóa và team building sẽ bài bản, chỉn chu, không tạp nham như trước. Người dân và du khách không còn bị tra tấn, khủng bố tinh thần bởi hàng trăm dàn âm thanh mở hết công suất. Chưa kể những trò nhí nhố, phản cảm và đội ngũ hàng rong… từng được chia sẻ trên mạng xã hội và gây bức xúc.

Cuộc sống có quy luật “bù - trừ”. Cái mất lớn nhất (nguy hại) đi liền cái lợi to nhất. Cảnh quan quá đẹp, môi trường sống chuẩn, chính sách ưu đãi là những hấp lực khó cưỡng để các doanh nghiệp lớn đầu tư bền vững, lâu dài. Tương lai, Cửa Lò sẽ là khu đô thị du lịch biển quy mô và đẳng cấp về mọi mặt.

Kinh tế đất nước ngày càng phát triển. Không lý do gì du lịch cứ dậm chân tại chỗ, loay hoay, tự trói buộc bởi suy nghĩ và cách làm thời bao cấp. Việc này đang lẽ phải làm từ lâu như các tỉnh phía Nam. Muộn còn hơn không.

Giai đoạn hậu dịch COVID-19, du lịch Nghệ An muốn “đi sau, về trước”. Đến Cửa Lò và Nghệ An, du khách nào cũng được đón chào nhiệt thành, thân thiện. Khách bình dân không chê, chỉ sắp xếp lại chỉn chu hơn. Song song, khẩn trương mời gọi đầu tư các dịch vụ cao cấp, đón khách hạng sang. Cuối năm 2023, Nghệ An phải đón được khách du lịch tàu biển cao cấp.

Lịch sử cách mạng, Nghệ An đi đầu với khởi nghĩa Xô viết ở các vùng Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh, Bến Thủy... Hậu dịch, Nghệ An tiên phong giải tỏa, làm mới bãi biển Cửa Lò.

Tôi tin, việc làm này sẽ hiệu ứng dây chuyền, có sức lan tỏa mạnh mẽ, phá vỡ những cản trở của du lịch biển Nghệ An nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung.

Và đây là một trong những tín hiệu vui, rất đáng được khích lệ và nhân rộng.

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giảng viên Khoa Du lịch, Đại học Nguyễn Tất Thành)

Bài liên quan
Ngắm đàn cá hải tượng ‘khủng’ tại khu du lịch Cồn Én
Tại khu du lịch sinh thái Cồn Én (ấp Tân Long, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), nhiều du khách rất thích thú với hồ cá nuôi hơn 100 con hải tượng kích thước từ 1m - gần 2m, tương đương những con cá khủng ở sông Amazon Nam Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Nghệ An muốn ‘đi sau, về trước’