Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định Việt Nam đang trong quá trình tiến hành chuyển đổi số để có thể chủ động bước vào nền kinh tế số. Dữ liệu được đánh giá là vấn đề cốt lõi, là chìa khóa thành công cho chuyển đổi số.
Theo thông tin từ Bộ TT-TT, Bộ TT-TT vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phát triển quốc tế Úc tổ chức Hội thảo “Chính sách, quản lý chia sẻ dữ liệu số: Vấn đề đặt ra và kinh nghiệm quốc tế”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, Việt Nam đang trong quá trình tiến hành chuyển đổi số để có thể chủ động bước vào nền kinh tế số. Dữ liệu được đánh giá là vấn đề cốt lõi, là chìa khóa thành công cho chuyển đổi số. Bộ TT-TT đã đề xuất và được Chính phủ thông qua, cho phép xây dựng đề án Chuyển đổi số quốc gia và xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số.
Theo Thứ trưởng, trong quá trình chia sẻ dữ liệu, dữ liệu phải được bảo đảm về tính riêng tư, bảo mật. Cơ quan nhà nước cũng cần phải có giải pháp để đánh giá được hiệu quả các phương án chia sẻ dữ liệu, theo dõi được mức độ chia sẻ, tần suất sử dụng dữ liệu được chia sẻ thế nào để đảm bảo hiệu quả.
Ngay từ khi xây dựng hành lang pháp lý, các cơ quan nhà nước cũng cần tính đến các bộ chỉ số để đánh giá được hiệu quả sử dụng, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, nhằm tối đa hóa nguồn lực. Thứ trưởng cũng lưu ý, dữ liệu không chỉ được chia sẻ trong các cơ quan nhà nước để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử mà còn cần được cung cấp ra xã hội, phục vụ sự phát triển chung của toàn xã hội.
3 khuyến nghị
Về phía Ngân hàng Thế giới, theo ông Achim Fock (Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam), chia sẻ dữ liệu là một trong những nền tảng quan trọng nhất của bất kỳ chính phủ điện tử nào. Nhìn trên thế giới, những nước đang đi tiên phong về phát triển số như các nước OECD, Estonia, Singapore đều có những cơ chế quản lý mạnh mẽ tập trung vào dữ liệu và quản lý dữ liệu.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra 3 khuyến nghị về cơ chế pháp lý liên quan đến chia sẻ dữ liệu.
Thứ nhất, sự cụ thể về quy mô và mục tiêu của luật quy định về chia sẻ dữ liệu. Chính sách về chia sẻ dữ liệu phải cụ thể hoá những dữ liệu công nào của cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được chia sẻ; cơ quan nào chịu trách nhiệm chia sẻ và chia sẻ dữ liệu cho ai. Chính sách này sẽ thay đổi tư tưởng và văn hoá của các cơ quan chính phủ về chia sẻ dữ liệu như: sở hữu dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, quản lý dữ liệu, do đó luật quy định về chia sẻ dữ liệu càng rõ ràng sẽ hỗ trợ các công chức chính phủ thực thi luật này tốt hơn.
Thứ hai, chính sách về chia sẻ dữ liệu Chính phủ cần tạo ra một cơ chế kiểm soát và đánh giá chi tiết và rõ ràng mới có thể đo lường được việc triển khai chính sách, phát hiện ra những nút thắt cổ chai hay những vấn đề trong chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan. Cơ chế kiểm soát và đánh giá rõ ràng được hỗ trợ bởi sự tiến bộ của công nghệ, đưa ra các yêu cầu về dữ liệu và việc giải quyết những yêu cầu này có thể dễ dàng được theo dõi dấu vết.
Thứ ba là năng lực chia sẻ dữ liệu. Mục tiêu cuối cùng của chính sách chia sẻ dữ liệu của Chính phủ chính là dữ liệu được chia sẻ thông suốt giữa các cơ quan Chính phủ và với xã hội. Do đó cần tập trung hình thành và cải thiện năng lực cả về quản lý và công nghệ của các cơ quan Chính phủ. Nâng cao năng lực chia sẻ dữ liệu sẽ giúp cho việc triển khai tốt hơn và đưa những thay đổi bắt buộc này hướng đến sự chia sẻ dữ liệu Chính phủ nhiều hơn nữa trong hệ sinh thái dữ liệu quốc gia.
Thu Anh