Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên.

Dự thảo thông tư hướng dẫn thuế tài nguyên thiếu minh bạch, dễ tiêu cực

02/05/2020, 10:40

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên.

Khai thác than - Ảnh: Internet

Điều 4.5 của Nghị định 12/2015/NĐ-CP sửa đổi điều 4.5.c của Nghị định 50/2010/NĐ-CP giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi phí sản xuất, chế biến được trừ khi xác định giá tính thuế tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra

Điều 6.3 của dự thảo đã hướng dẫn quy định này theo hướng cho phép trừ các chi phí của công đoạn sản xuất, chế biến khoáng sản như chi phí quản lý sản xuất, chi phí nhân công, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng liên quan trực tiếp đến cộng đoạn sản xuất, chế biến tài nguyên thành sản phẩm khác, nhưng không bao gồm chi phí ở khâu khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng.

VCCI cho rằng dự thảo đang tiếp cận theo hướng, nếu các hoạt động tác động đến tài nguyên sau khai thác mà biến tài nguyên thành sản phẩm khác thì được trừ chi phí, nhưng nếu chưa thành sản phẩm khác thì không được trừ chi phí.

Đối với trường hợp được trừ chi phí thì cũng chỉ được trừ các chi phí sản xuất, chế biến mà không được trừ các chi phí sàng, tuyển, làm giàu.

“Việc quản lý thuế theo các tiêu chí “thành sản phẩm khác” hay “chưa thành sản phẩm khác” hay dựa trên các hoạt động như “sàng”, “tuyển”, “phân loại”, “làm giàu hàm lượng”, “chế biến”, “sản xuất”… rất thiếu minh bạch vì không có tiêu chí khách quan để xác định. Quy định như vậy tạo cơ hội cho nhũng nhiễu tiêu cực và gây khó khăn cho quá trình áp dụng”, VCCI nêu.

Cơ quan này cho rằng việc phân loại như vậy cũng không cần thiết do bản chất của thuế tài nguyên là khoản thu của Nhà nước khi chuyển quyền sở hữu tài nguyên từ chế độ sở hữu toàn dân (theo điều 53 Hiến pháp) sang chế độ sở hữu khác (ví dụ như sở hữu tư nhân).

Việc chuyển sở hữu như vậy chỉ phát sinh từ hoạt động khai thác tài nguyên, chứ không phát sinh trong các hoạt động làm gia tăng giá trị tài nguyên sau khai thác như sàng, tuyển, làm giàu, chế biến… Do đó, thuế tài nguyên chỉ nên đánh trên hoạt động khai thác chứ không nên đánh trên các hoạt động sau khai thác.

VCCI cho rằng cách xác định giá tính thuế bao gồm các chi phí sau khai thác cũng không hợp lý vì nó khiến các doanh nghiệp chuyển hoạt động sàng, tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng… ra nước ngoài để né thuế.

Nếu doanh nghiệp thực hiện các hoạt động này ở Việt Nam thì sẽ làm cho giá tính thuế của sản phẩm cao hơn và doanh nghiệp sẽ phải nộp nhiều thuế tài nguyên hơn. Còn nếu doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô ra nước ngoài rồi mới thực hiện việc sàng tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng thì phần giá trị gia tăng này sẽ không chịu thuế tài nguyên.

“Vô hình trung, chính sách thuế như vậy chính là một phần nguyên nhân khiến cho các ngành công nghiệp làm gia tăng giá trị tài nguyên sau khai thác không phát triển được tại Việt Nam”, VCCI nói.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng giá tính thuế là giá bán tài nguyên trừ đi tất cả các chi phí sản xuất, chế biến, làm giàu, phân loại, sàng tuyển (nhưng không bao gồm chi phí khai thác).

Luật Thuế tài nguyên hiện cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. Chính sách này được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng doanh nghiệp khai thác tài nguyên liên kết với bên mua để ghi giá bán tài nguyên trên hóa đơn, chứng từ thấp hơn giá thực tế giao dịch.

VCCI cho rằng về bản chất, đây là hoạt động chuyển giá. Trong giai đoạn trước đây, khi mà pháp luật về chống chuyển giá của Việt Nam chưa hoàn thiện thì việc Nhà nước quy định giá tính thuế tối thiểu có thể tạm chấp nhận được.

Tuy nhiên, từ khi ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì công tác chống chuyển giá của Việt Nam đã được nâng cấp tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới. Do đó, về lâu dài, cần tính đến phương án bỏ cơ chế Nhà nước ban hành giá tính thuế tối thiểu mà nên để doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Nhà nước chỉ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện chuyển giá thì xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo VCCI, bản chất của thuế tài nguyên được tính trên giá bán tài nguyên là nhằm tạo cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong việc khai thác khoáng sản. Nếu giá khoáng sản trên thị trường tăng thì Nhà nước được hưởng lợi theo đó. Còn nếu giá khoáng sản sụt giảm thì rủi ro này sẽ được Nhà nước chia sẻ một phần do số tiền thu thuế tài nguyên cũng giảm theo tương ứng.

Tuy nhiên, cơ chế giá Nhà nước ban hành tính thuế tài nguyên tối thiểu tạo sự bất bình đẳng về rủi ro khi mà giá lên thì Nhà nước được hưởng lợi, nhưng nếu giá giảm thì chỉ có doanh nghiệp chịu thiệt hại.

Hơn nữa, thẩm quyền ban hành giá tính thuế tối thiểu lại thuộc về UBND cấp tỉnh khiến rủi ro này lại càng lớn. So sánh với một yếu tố khác khi tính thuế là thuế suất thì thấy việc quy định thẩm quyền như vậy là chưa phù hợp.

Khung thuế suất do Quốc hội quy định còn mức thuế suất cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định. Trong khi giá tính thuế thì do Bộ Tài chính quy định khung và UBND cấp tỉnh xác định mức cụ thể. Sự khác nhau về thẩm quyền đó khiến doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro rất lớn khi phải nộp nhiều thuế hơn mà chỉ do chính quyền địa phương thay đổi mức giá tính thuế chứ không phải là Ủy ban Thường vụ QH thay đổi thuế suất.

Theo quy định hiện nay, kể cả trường hợp doanh nghiệp bán được tài nguyên với giá cao hơn giá tính thuế tối thiểu, mà doanh nghiệp thực hiện hoạt động chuyển giá nhằm kê khai giá trên chứng từ chỉ bằng giá tính thuế tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định, thì cơ quan nhà nước cũng không có công cụ để kiểm tra, giám sát.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo thông tư hướng dẫn thuế tài nguyên thiếu minh bạch, dễ tiêu cực