Ngày 20.8, ban quản lý dự án công trình đi bộ trên sông Hương (TP Huế) đã tiến hành kiểm tra chất lượng công trình do đơn vị này nhận được phản ánh về các thớ gỗ lim dùng để lát sàn đã xuất hiện nhiều vết nứt dù chưa đưa vào sử dụng
Theo quan sát, hiện có hàng loạt tấm gỗ lim đã xuất hiện nhiều vết nứt, trong đó có những vết nứt chân chim và một số tấm xuất hiện các vết lớn tạo thành khe hở chạy dọc theo thớ gỗ.
Tuyến đường đi bộ thuộc dự án được thi công từ đầu năm 2018, có chiều dài 400 m, chiều rộng 4 m, tổng diện tích 2.443 m2, kết cấu bê tông cốt thép, sàn lát bằng gỗ lim dày 5 cm. Tổng kinh phí là 52 tỉ đồng. Công trình này nằm trong dự án xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương do tổ chức Koica (Hàn Quốc) tài trợ 100% kinh phí.
Từ những ngày đầu triển khai, nhiều nhà nghiên cứu đã lo ngại về chất lượng gỗ lim liệu có thật sự đảm bảo khi ở địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng từ thời tiết khắc nghiệt. Được biết các công trình trọng điểm quốc gia được lát sàn gỗ phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn đề ra. Cụ thể, theo TCVN 7960:2008 do Bộ KH&CN công bố, ván sàn gỗ xuất hiện các vết rạn nứt chân chim và nứt hở thành vết ở các mặt là không đạt tiêu chuẩn.
Nguyễn Do/PL TP.HCM
Trước đó, trong bài "Du lịch Huế - Bài 2: Sông Hương bao giờ mới được xướng danh?" xuất bản ngày 5.7.2018 trên báo điện tử Một Thế Giới, tác giả Phù Nam cũng đã cảnh báo:
Việc lát gỗ lim trên phố đi bộ trên sông Hương trong thời gian gần đây cũng gặp nhiều phản ứng trái chiều. Các nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo lắng trong bối cảnh thời tiết Huế, việc lát gỗ lim sẽ không bền vững và không khả thi. Chưa kể đến việc sẽ làm giảm cảnh quan và ảnh hưởng đến các tiêu chí Unesco nếu đề cử sông Hương trong tương lai. Một nỗi lo nữa với mực nước sông Hương dâng cao vào mùa mưa thì sẽ dẫn đến ngập tuyến phố đi bộ trên sông Hương. Nếu trong tương lai, những vấn đề này xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này? Hay vẫn chỉ là điệp khúc rút kinh nghiệm?