Chưa có một chương trình Duyên Dáng Việt Nam nào được thực hiện với nhiều cái nhất như vậy. Số lượng nghệ sĩ tham gia đông đảo, lần đầu tiên xuất hiện dàn nhạc dây, giao hưởng với hàng trăm vũ công. Kịch bản của Tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng có nhiều phối cảnh, chia nhiều trường đoạn chính phụ tương tác để bổ sung tính năng hiệu quả tối đa.

Duyên Dáng Việt Nam 28: Lộng lẫy những nét Xuân duyên dáng

DDVN | 24/12/2016, 14:49

Chưa có một chương trình Duyên Dáng Việt Nam nào được thực hiện với nhiều cái nhất như vậy. Số lượng nghệ sĩ tham gia đông đảo, lần đầu tiên xuất hiện dàn nhạc dây, giao hưởng với hàng trăm vũ công. Kịch bản của Tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng có nhiều phối cảnh, chia nhiều trường đoạn chính phụ tương tác để bổ sung tính năng hiệu quả tối đa.

DDVN28 “Xuân” - nhiều cái mới lần đầu thể hiện

DDVN 28 chủ đề “Xuân” ngoài giám đốc âm nhạc Lê Quang còn có 4 nhạc sĩ tham gia phối bài để tạo ra nhiều màu sắc, dấu ấn riêng biệt. Và trong một đêm biểu diễn duy nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia hàng ngàn khán giả ngồi kín khán phòng không còn chỗ. Bên ngoài gió rét lạnh của một đợt áp thấp nhiệt đới cuối năm lạnh se, sương mù bay trắng. Tạo một cảm giác huyền ảo huyền thoại của một thánh đường.

Sau hai tiết mục mở màn được Ban tổ chức đầu tư rất công phu “Tình ca” hay còn được biết với cái tên dân dã “Tôi yêu tiếng nước tôi” của nhạc sĩ Phạm Duy và “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao cả hội trường bất ngờ sững sờ lay động khi được “nhập tiệc” tâm hồn quá thịnh soạn từ cảm giác, đa giác đến vị giác. Cả ba dàn nhạc dây cổ điển, giao hưởng, hiện đại cùng phối hợp tạo cho ca khúc từ lâu đã nổi tiếng nhưng rất ít dịp khán giả được thưởng thức “tầm” đầu tư tới nơi tới chốn và đúng nghĩa với vị trí lịch sử và tầm vóc của nó. Để bây giờ, với sự kiên định dũng cảm dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư của Duyên Dáng Việt Nam từ trước đến nay, ngay chương trình đầu tiên (1994) đến nay DDVN 28 (2016) đưa âm nhạc Việt tới đỉnh thăng hoa nhất cho người thưởng thức thì bài hát Phạm Duy với những ca từ đắm đuối ngọt ngào, tinh tế “Tôi yêu tiếng nước tôi / Từ thuở mới ra đời người ơi… / Tiếng nước tôi bốn ngàn năm rộn rã buồn vui / Khóc cười theo vận nước nổi trôi” đã làm sống dậy một tinh thần yêu Tổ quốc và tự hào là người Việt Nam vô bờ bến! “Mùa xuân đầu tiên” cũng là mùa xuân đoàn viên, đoàn tụ của đất nước sau những năm tháng chia cắt khiến những tràng pháo tay dâng lên như sóng không ngớt.

Nhà báo Nguyễn Công Khế, Trưởng Ban tổ chức
DDVN 28 - Xuân, phát biểu khai mạc chương trình.

Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, người đã ấp ủ ý tưởng và khai sinh chương trình Duyên Dáng Việt Nam, mục đích gây quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và quỹ Nhân tài Đất Việt, ông đã từng quyết định đưa DDVN xuyên biên giới đến với các nước Singapore, Úc, Anh… thành công về mặt ngoại giao, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật hay nói cách khác là tâm hồn Việt Nam với bè bạn thế giới tạo tiếng vang rực rỡ. Và trước sự thay đổi lớn của văn hóa nghe nhìn cũng như sức ép rất lớn của thị trường về phân khúc nghe nhìn, biểu diễn ông vẫn quyết định đầu tư tối đa cho mỗi chương trình DDVN hàng năm. Hai MC Phan Anh và Ái Phương giới thiệu nhà báo Nguyễn Công Khế lên nói lời khai mạc trước hàng ngàn khán giả. Ông cám ơn bà con, khán giả Thủ đô đã dành cho DDVN suốt thời gian qua. Cũng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia này, 3 chương trình DDVN đã diễn ra và lần nào cũng đông khán giả. Ông chúc sức khỏe mọi người nhân mùa xuân sắp đến cũng như chúc tất cả có một đêm thưởng thức nghệ thuật thú vị…

Nét xuân duyên của ba miền Bắc - Trung - Nam

Phần đầu của chương trình Xuân đất Bắc đã có gần hết những ca khúc hay nhất viết về mùa xuân phương Bắc hay thủ đô Hà Nội. Ca sĩ Thu Minh mở đầu với liên khúc Gái xuân, Mộng chiều xuân được phối mới với chút quyến rũ, chút lẳng lơ xuân thì vui nhộn. Hai ca sĩ Thụy Miên và Pha Lê đã kết hợp ăn ý trong ca khúc Bướm mơ tình tứ. Nhà thiết kế Tuấn Hải tái hiện phiên chợ xuân đất Bắc với bộ áo dài nhiều họa tiết, hoa văn riêng mà anh rất công phu tìm tòi cách điệu, tổng hợp qua các người đẹp, người mẫu Thùy Dung, Nam Em, Thanh Tú, Mỹ Linh, Huyền My. Ấn tượng như ca sĩ Mỹ Linh hát Mưa xuân, một trong hai tiêu biểu trào lưu nhạc nhẹ những năm 1980. Bài hát của nhạc sĩ Đức Trịnh viết khá mới thời điểm đó và vẫn âm tỏa sang trọng như thế cho đến hôm nay. Tiếng hát Mỹ Linh như khoe hết những cường sắc âm độ ở nốt cao nhất “cho con tim rung lên khúc ca ngân nga trong lòng ta ngầy ngật / Mưa bay bay tóc em / Đi bên em lòng anh nhớ / Khi xuân sang dâng tình yêu”…

Tiết tấu âm ba, nhanh, dứt khoát và mạnh mẽ của “Mưa xuân” đã vẽ được nét độc đáo của những giọt mưa xuân đất Bắc. Thu Phương là ca sĩ được mong đợi khi cô bay về từ Mỹ để tham gia chương trình vào giờ chót. Và tên cô cũng nằm trong đợt ký duyệt cho phép vào những giây phút cuối khiến cả Ban tổ chức và khán giả đều hồi hộp không biết ca sĩ có mặt hay không? Với ca khúc Nhạc xuân (Phạm Duy), Thu Phương chiếm được cảm tình khán giả bằng tình yêu quê hương và nội lực đáng nể của tiếng hát mình. Nghệ sĩ Lê Khanh đã cuốn cả khán phòng vào nỗi trầm mặc khi chị bất ngờ xuất hiện bên cây đàn piano để để góc trái sân khấu. Khi ánh sáng từ cây đèn nhỏ từ từ sáng lên, người xem mới cảm nhận được hết câu chuyện chị kể ngày xuân đất Bắc. Đó là không khí trang trọng, thành kính đầu năm đi lễ chùa xin lộc, cầu an cho suốt một năm. Bất ngờ hai ca sĩ Tấn Minh và Khánh Linh xuất hiện trong liên khúc Một thoáng Tây Hồ (nhạc Phú Quang, phổ thơ Thái Thăng Long) cùng Chiều phủ Tây Hồ (Phó Đức Phương) trong tiếng đàn tranh réo rắt ngũ cung, trầm bổng. Những thanh âm như hòa quyện, đánh thức nơi sâu thẳm nhất của những tâm hồn Hà Nội. Hai ca sĩ Lê Hiếu - Hồ Trung Dũng trong hai ca khúc Gửi người em gái miền Nam (Đoàn Chuẩn), Nỗi lòng người đi (Nguyễn Văn Khánh). Ca sĩ Phạm Thu Hà khép lại phần đầu của chương trình bằng sáng tác của nhạc sĩ Giáng Son có nhan đề Hà Nội mười hai mùa hoa trong tiếng vỗ tay không ngớt….

Phần Xuân phương Nam bắt đầu bằng sự xuất hiện nóng bỏng của ca sĩ Mỹ Tâm với ca khúc bất hủ Anh đến thăm em đêm Ba mươi (Vũ Thành An - Nguyễn Đình Toàn). Ngọc nữ Bolero Tố My với tà áo dài truyền thống đưa người nghe về vùng sông nước miền Tây với giai điệu trữ tình Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca. Ca sĩ Quang Linh làm bừng tỏa khán phòng với chút Huế, giọng Huế ngọt ngào Về Huế chiều xuân. Và đặc biệt nhà thiết kế Tuấn Hải trở lại đầy sắc vóc với hoạt cảnh chợ hoa xuân trên sông nước Nam bộ qua những bộ sưu tập dày công trưng trổ. Bộ tam Hồ Trung Dũng - Trọng Bắc - Lê Hiếu khỏe khoắn trong một liên khúc xuân. Hai ca sĩ Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà khép lại phần hai chương trình bằng những ca khúc xuân phương Nam rộn rã.

Phần cảm xúc nhất của DDVN 28 chủ đề Xuân đó là Những mùa xuân không quên. Tái hiện lại khung cảnh bi tráng lịch sử Hà Nội bị ném bom B52 năm 1972. Đạo diễn Đinh Anh Dũng đã sáng tạo những hình ảnh bạo liệt trên sân khấu gợi nhớ những khu phố, khu nhà đổ nát của bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên làm rất nhiều người chết. Nhạc sĩ Phú Quang xuất hiện với câu chuyện từ ký ức anh kể về một thời mưa bom bão đạn trút xuống Hà Nội làm xúc động nhiều khán giả. Tiếng đàn dương cầm của anh dạo nền ca khúc Em ơi Hà Nội phố (phổ thơ Phan Vũ) để tiếng hát trầm mặc của ca sĩ Hà Anh Tuấn cất lên nhức nhối. Ấn tượng tiếp theo đó là liên tấu của các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn (sacxophone). Lê Quang (guitar), Khắc Triệu (trống) ca khúc Dấu chân địa đàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rúc rói, xoáy sâu tâm hồn khán giả. Cẩm Vân, Hồng Nhung, Đức Tuấn với Xin cho tôi, Ca dao mẹ, Ngủ đi con và liên khúc Huế-Sài Gòn-Hà Nội… đưa tất cả cảm nhận về một thời chia cắt, chiến tranh để cùng thấy yêu quý giây phút hòa bình hôm nay.

Hẹn những mùa xuân mới

Phần cuối của chương trình DDVN 28 có chủ đề Xuân đoàn viên đã mang một không khí xuân đoàn tụ, viên mãn. Nhóm nhạc MTV của Ái Phương, Tố My, Kiều Diễm với liên khúc Mùa xuân ơi, Ngày tết quê em, hoạt cảnh minh họa vũ đạo sắc vóc trẻ trung. Khó quên nhất chính là danh ca hải ngoại Elvis Phương với Về đây nghe em (Trần Quang Lộc - A Khuê). Phần trình diễn thời trang âm hưởng tiết tấu hiện đại của nhà thiết kế Quỳnh Paris vừa nền nã kết hợp táo bạo. Ca sĩ Duy Trường, gương mặt mới của làng giải trí hải ngoại tạo điểm nhấn. Các ca khúc Chiều xuân, Thì thầm mùa xuân qua các giọng ca Pha Lê, Ái Phương, Tố My, Kiều Diễm như hứa hẹn những mùa xuân mới của DDVN thời gian sắp đến. Ca khúc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đã khép lại một đêm diễn DDVN 28 - Xuân hoành tráng. Hà Nội đã có thêm một mùa xuân khó quên của người yêu nghệ thuật và âm nhạc…

Ban tổ chức chương trình Nghệ thuật – Ca múa nhạc – Thời trang Duyên dáng Việt Nam 28 xin chân thành cảm ơn các nhà tài trợ đã hỗ trợ và đồng hành cùng chương trình: Công ty Cổ phần SX TM XNK Viễn Thông A, Công ty Thời trang Danti - Nhãn hiệu thời trang Valentino Rudy và Nhãn hiệu thời trang Brooks Brothers, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Tập đoàn Hoa Lâm, Bệnh viện Quốc tế City (CIH), Hoa Lâm Shangrila, Nhãn hàng Vinatea, Nhãn hàng MocChauMilk, Khách sạn La Thành, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Công ty Mercedes-Benz Việt Nam.

Nguyễn Hữu Hồng Minh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Duyên Dáng Việt Nam 28: Lộng lẫy những nét Xuân duyên dáng