Ngày 23.3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU”.
Tại tọa đàm, đề cập đến việc ví “EVFTA là đường cao tốc quy mô lớn nối liền Việt Nam - EU”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, ví với hình ảnh đường cao tốc bởi nó thuận lợi, nhanh, không có rào cản, nếu có thì rất ít rào cản. Với con đường này, chúng ta hy vọng hàng hóa của chúng ta có thể đến đích nhanh hơn các đối thủ khác.
Ngoài ra, cũng giống như một con đường cao tốc, không phải loại xe nào cũng đi được trên con đường đó, cho nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng được mà phải có sự chuẩn bị để đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể sử dụng được. Con đường đó có tấp nập hay không nó phụ thuộc vào nhu cầu của hai bên.
“Hiện nay, dịch COVID-19 đang hoành hành nên nhu cầu thị trường bị giảm sút đi. Tuy nhiên, sau khi dịch này đi qua thì có thể nhu cầu này còn lớn hơn nữa. Vì vậy, hiệp định này có hiệu lực vào thời điểm đó thì sẽ là một cú hích rất tốt”, bà Trang nói.
Bà Trang cho rằng có 2 vấn đề mà chúng ta phải phân biệt một cách rõ ràng đó là quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Quy tắc xuất xứ là điều kiện để doanh nghiệp có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ vẫn có thể được xuất khẩu sang châu Âu như bình thường nhưng không được hưởng những ưu đãi này”, bà Trang nói.
Nhóm thứ hai, theo bà Trang là về các tiêu chuẩn kỹ thuật hay hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm. Đấy là nhóm các quy định áp dụng chung cho tất cả và nếu hàng hóa không đáp ứng được những yêu cầu đó thì không thể nhập khẩu vào EU. Đây là những rào cản khiến cho hàng hóa của mình khó vào được EU.
Chuyên gia này chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc do dịch COVID-19 nhưng việc hàng hóa ấy có thể được chuyển đi những thị trường khác để bán với giá cao thì rất khó có thể thực hiện được bởi những hàng hóa đó không được thiết kế, sản xuất theo một hướng bảo đảm những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh san toàn thực phẩm.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng nêu quan điểm, nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì Việt Nam sẽ hưởng thuế phổ thông như tất cả các nước khác. Nếu như Việt Nam đạt được quy tắc xuất xứ, nghĩa là có một sản xuất nhất định ở Việt Nam thì khi đó sẽ được hưởng ưu đãi, tùy các nhóm mặt hàng mà quy tắc xuất xứ này khác nhau.
“Trong quá trình đàm phán, chúng ta xác định mục tiêu không phải là đấu tranh để áp dụng quy tắc xuất xứ dễ, bởi trong nhiều trường hợp nếu áp dụng quy tắc xuất xứ dễ quá thì giá trị gia tăng sản xuất để hưởng ưu đãi đó rất thấp. Nên chúng ta cố đạt được điểm cân bằng, nghĩa là với quy tắc xuất xứ đó làm sao doanh nghiệp cố gắng có thể đáp ứng được nhưng không quá dễ dãi để lợi ích thu được đi vào các doanh nghiệp, đi vào nền kinh tế của chúng ta”, ông Thái chia sẻ.
Theo ông Thái, trong quá trình chuẩn bị để hiệp định đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Thứ nhất để doanh nghiệp hiểu thế nào là được hưởng, thứ hai được hưởng thì phải làm những thủ tục nào.
Ví dụ, mẫu xin phép để có chứng nhận xuất xứ như thế nào, điều này sẽ được thể hiện trong thông tư. Với mỗi hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một thông tư như vậy.
Ông Thái cũng thông tin, hiện nay thông tư đã được dự thảo, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để mọi người được biết sớm quy tắc xuất xứ cụ thể như thế nào mới được đi vào thị trường EU. Điều này rất quan trọng.
Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc ở khâu ban hành để có hiệu lực. Theo đúng quy trình bình thường, một thông tư chỉ có hiệu lực 45 ngày sau khi được ký. Với Hiệp định thương mại tự do với EU, về mặt pháp lý phải chờ Quốc hội phê chuẩn, sau đó Bộ Công Thương ban hành thông tư và chờ 45 ngày sau thì thông tư mới có hiệu lực.
“Nếu chúng ta đặt mục tiêu 30 ngày sau khi Quốc hội phê chuẩn, sau đó có trao đổi thư, tức là khoảng hơn 1 tháng sau, như vậy thông tư có hiệu lực muộn hơn so với thời gian chúng ta dự tính. Hiện nay, các cơ quan đang bàn về mặt pháp lý để điều chỉnh vấn đề này”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, có hai phương án: Một là có thể Bộ Công Thương ban hành thông tư này trước khi Quốc hội phê chuẩn, tuy nhiên điều này rất khó vì chưa có tiền lệ về mặt pháp lý. Cách thứ hai có thể xem xét hiệu lực như thế nào để khi Quốc hội phê chuẩn có thể quy định hiệu lực ngay và có những linh hoạt về thời gian kể từ ngày Hiệp định được ban hành và công bố công khai đến khi thông tư có hiệu lực pháp lý. Điều này cũng hợp lý vì dự thảo thông tư và nội dung Hiệp định hiện nay đã được công bố công khai, doanh nghiệp có thể làm quen trước.
“Nếu như có những linh hoạt này thì Hiệp định có thể đưa vào thực thi và doanh nghiệp có thể tận dụng được ngay lợi ích. Vì nếu như thông tư không có hiệu lực thì doanh nghiệp không thể xin được mẫu chứng nhận xuất xứ và như vậy cũng không thể hưởng ưu đãi. Chúng tôi đang bàn với các cơ quan để cố xử lý bất cập này trong hệ thống pháp luật của chúng ta”, ông Thái chia sẻ.
Lam Thanh