Hết “thoát EU” tới khủng hoảng ngành công nghiệp thép, nay lại đến vụ Hồ sơ Panama: có vẻ những gánh nặng đang ngày càng chồng chất lên vai Thủ tướng Anh David Cameron.

Gánh nặng trên vai Thủ tướng Anh David Cameron

13/04/2016, 06:58

Hết “thoát EU” tới khủng hoảng ngành công nghiệp thép, nay lại đến vụ Hồ sơ Panama: có vẻ những gánh nặng đang ngày càng chồng chất lên vai Thủ tướng Anh David Cameron.

Thủ tướng xứ sở sương mù David Cameron đã trải qua một tuần lễ hết sức u ám. Trong lúc chiến dịch ngăn chặn Anh rời khởi Liên minh châu Âu (thoát EU hay “Brexit”) của ông đang gặp không ít khó khăn, thì cơn khủng hoảng của ngành công nghiệp thép Anh nổ ra rồi lại đến đợt “săn phù thủy trốn thuế” do vụ Hồ sơ Panama gây nên đã đổ ập xuống, đè nặng lên vai người chủ căn nhà số 10 đường Downing.

Hồ sơ Panama đã phanh phui thông tin ông Ian Cameron, cha của Thủ tướng Anh đương nhiệm, đã từng là người đồng thiết lập một quỹ đầu tư ở Panama và Bahamas mang tên Blairmore. Công ty này không chịu bất cứ thứ thuế nào tại Anh. Lo sợ tên của người cha quá cố sẽ xuất hiện trên báo chí bên cạnh các tay tội phạm và quan chức tham nhũng, cũng như để tránh tai tiếng ập lên gia đình, David Cameron đã tung cách đối phó quen thuộc: miễn bình luận, chối bay mọi chuyện và cấm cửa nhà báo. Nói gọn là giữ im lặng và chờ cho mọi chuyện lắng xuống.

Chính phủ Anh ngày 4.4 tuyên bố đây là vấn đề thuộc về cuộc sống riêng tư của gia đình Thủ tướng và không bình luận gì thêm. Biện pháp này trước đó đã từng được bộ sậu ông Cameron thực hiện thành công vào năm 2012 khi báo The Guardian phát hiện ra Ian Cameron có tài sản phát sinh từ công ty được thành lập ở nước ngoài (trước khi sự việc được khẳng định lại bằng Hồ sơ Panama). Sự im lặng của chính phủ Anh lần đó đã khiến câu chuyện nhanh chóng biến mất khỏi truyền thông chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, lần này lại khác. Hồ sơ Panama đã gây ra scandal trốn thuế lớn chưa từng có, dính líu đến một loạt các quan chức chính phủ các quốc gia trên thế giới từ Tập Cận Bình, Vladimir Putin, cho tới hoàng thân Ả Rập. Ngoài ra vụ việc này còn khiến cho Thủ tướng Iceland bị mất chức. Sự im lặng của chính quyền Anh trong trường hợp này chỉ càng khiến dư luận thêm sôi sục, cho rằng có chuyện mờ ám đang diễn ra xung quanh vấn đề tài chính của vị Thủ tướng trẻ.

Báo Anh The Guardian ngay sau đó giật tít “Những thương vụ bí mật giúp cha của David Cameron trốn thuế”. Các tờ báo còn lại nhanh chóng theo chân và ông Cameron đã phải đối mặt với vô số những trang nhất với tựa hết sức khó nghe tràn ngập khắp các sạp báo.

Vụ việc ngay lập tức vượt quá tầm kiếm soát của ông Cameron. Sự vụng về của chính quyền Anh trong việc giải quyết scandal Hồ sơ Panama đã khiến đám đông giận dữ kéo đến bao vây khu đường Downing kêu gọi ông Cameron từ chức. Một số đại biểu quốc hội thuộc đảng Lao động đối lập cũng “khuyên” ông nên thôi việc, trong khi một số thành viên ủng hộ thoát EU trong nội bộ đảng Bảo thủ của ông cũng yêu cầu Thủ tướng phải ra giải trình trước Quốc hội.

Ian Cameron là một trong những người sáng lập nên quỹ đầu tư Blairmore tại Panama và Bahamas. Theo The Economist, có vẻ như quỹ đầu tư này được lập nên để tiện cho việc giải quyết những vấn đề hành chính hơn là để trốn thuế, cũng như lợi nhuận mà nhà Cameron có được đều đã chịu thuế đầy đủ tại Anh. Cho tới nay, chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy bản thân ông Cameron hoặc gia đình vi phạm bất kỳ luật thuế nào.

Đứng trước sự phẫn nộ của dư luận và để tránh bị “thiêu rụi” bởi nghi án trốn thuế, David Cameron đã phải thực hiện những biện pháp “kiểm soát thiệt hại” chưa từng thấy nơi một vị Thủ tướng Anh kể từ sau Thế chiến thứ 2: công bố chi tiết về tình hình tài chính cá nhân, trong đó nêu rõ số tài sản được thừa hưởng từ 2 bậc phụ huynh, cũng như tiền thuế mà ông đã đóng trong vòng 6 năm qua. Ông cũng thừa nhận đã “xử lý sai trong vụ Hồ sơ Panama”, theo The Guardian.

David Cameron thú nhận sở hữu số cổ phiếu trị giá khoảng 30.000 bảng Anh (hơn 42.000 USD) từ những khoản đầu tư nước ngoài của người cha quá cố, tuy nhiên ông cho biết đã bán số cổ phiếu này ngay trước khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2010. Việc này giúp cho trường hợp của ông có vẻ khả quan hơn “nạn nhân” khác của Hồ sơ Panama là Thủ tướng Iceland, người đã phải từ chức vì có dính líu đến một công ty được thành lập ở Panama. Ngoài ra, thông tin tài chính được công bố cho thấy ông đã được mẹ tặng cho 200.000 bảng sau khi người cha qua đời. Số tiền này có nhiều khả năng không phải chịu thuế thừa kế.

Tờ Economist phân tích rằng tuy "trái bom" Panama Papers có thể không đủ sức công phá để đá ông David Cameron ra khỏi chiếc ghế Thủ tướng, nhưng lại rơi đúng vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng khi ông phải chống chọi để giữ nước Anh ở lại trong khối Liên minh châu Âu (EU), đồng thời giải quyết cơn khủng hoảng của ngành công nghiệp thép nước này. Tại thời điểm khác, có thể những tai tiếng về tài chính của nhà Cameron đã có thể dừng lại ở đây, nhưng trong lúc vị Thủ tướng đang phải chịu sức ép từ hết dư luận, đến phe đối lập đảng Lao động và rồi trong chính nội bộ đảng Bảo thủ từ các thành viên ủng hộ “thoát EU”, thì đây lại là chuyện khác.

Công ty nghiên cứu thị trường YouGov công bố số liệu cho thấy mức độ ủng hộ của dân Anh dành cho ông Cameron đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, thua cả thủ lĩnh phe đối lập Jeremy Corbyn thuộc đảng Lao động. Trong số những người được thăm dò, chỉ 34% cho rằng ông David Cameron đang làm tốt việc, trong khi có tới 58% chê cách ông điều hành đất nước. Ngoài ra, chỉ có 18% tin rằng ông Cameron đã thật sự thành thật về tình hình tài chính của mình. Đây là lần đầu tiên các thống kê cho thấy ông David Cameron có thể bị mất ghế Thủ tướng vào tay đối thủ Jeremy Corbyn.

Trong thời điểm nhạy cảm này, đặc biệt là trong lúc có tới 50% dân Anh ủng hộ việc rút khỏi Liên minh châu Âu theo một số thống kê, thì những tai tiếng này càng khiến cho chiến dịch giữ nước Anh ở lại trong EU của ông Cameron càng thêm khó khăn. Đến nỗi Tim Stanley của tờ The Telegraph cho rằng “bất cứ thứ gì xấu cho David Cameron đều tốt cho Brexit”.

Ngay cả cách ông thực hiện chiến dịch kêu gọi người dân chấp thuận ở lại EU cũng bị chỉ trích, khi đã sử dụng đến 9 triệu bảng Anh tiền ngân sách nhà nước để gửi truyền đơn đến từng nhà người dân Anh.

Đổ thêm dầu vào ngọn lửa Brexit là cơn khủng hoảng mà ngành công nghiệp thép Anh đang gặp phải có thể khiến đến 40.000 người có nguy cơ mất việc làm. Phe ủng hộ Brexit rải truyền đơn nhắm vào những cá nhân có thể bị thất nghiệp do cơn khủng hoảng, kêu gọi chấp thuận thoát EU. Thủ tướng xứ Wales Carwyn Jones cho rằng những ràng buộc pháp lý của EU cho các nước thành viên không cho phép chính phủ Anh ra tay giảm thuế cứu nguy cho các công ty thép.

Về việc này, Peter Bone, nghị sĩ của phe Bảo thủ ủng hộ Brexit nói: “Cơn khủng hoảng của ngành công nghiệp thép cho thấy rất rõ những vấn đề của EU. Nếu không phải là thành viên của Liên minh, chúng ta đã có thể làm những gì mà Mỹ đang làm là đánh thuế thật nặng lên thép của Trung Quốc để chống phá giá”.

Trong lúc các đảng phái Anh đang đấu đá lẫn nhau từ trong ra ngoài xoay quanh việc thoát EU, ông Cameron mặc nhiên trở thành khuôn mặt duy nhất trong chính phủ đại diện cho việc ủng hộ ở lại trong Liên minh. Mối liên hệ mật thiết giữa ông và chiến dịch chống thoát EU đã khiến cho nhiều người dân Anh cho rằng nếu bỏ phiếu thuận cho việc ở lại thì cũng không khác nào bỏ phiếu tín nhiệm cho vị Thủ tướng đương nhiệm, và ngược lại. Đứng trước tình huống đó, những khó khăn đã liên tục đổ ập lên vai ông trong thời gian gần đây sẽ là những chướng ngại không nhỏ cho nỗ lực giữ nước Anh ở lại trong Liên minh châu Âu, cũng như sự tín nhiệm của người dân khi nhiệm kỳ thứ 2 của vị Thủ tướng trẻ chỉ vừa mới bắt đầu được chưa tới 1 năm.

Huỳnh Hy (theo The Guardian, The Economist)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
29 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gánh nặng trên vai Thủ tướng Anh David Cameron