Đằng sau bức ảnh "gây sốt" của ông bố cho con ăn là một câu chuyện đầy ý nghĩa kéo dài suốt 18 năm trời.
Những ngày vừa qua, cư dân mạng đang “phát sốt” với bức hình cực “bá đạo” của một ông bố “tay cầm bát bột, đầu đeo smartphone” để dỗ con ăn.
Hàng nghìn người đã ủng hộ ông bố này nhiệt tình và phong tặng cho anh danh hiệu “Ông bố của năm” với kiểu chăm con đầy sáng tạo.
18 năm lấy nhau là 18 năm hai người lặn lội tìm đủ mọi phương pháp Đông, Tây y kết hợp với các biện pháp tâm linh, làm từ thiện, chỉ với mong mỏi duy nhất là có được đứa con.
Sau nhiều vất vả, sóng gió, nhiều lần bị khuyên "bỏ nhau", nhiều lời gièm pha, mỉa mai, hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng anh Lịch - chị Nhung. |
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Lịch, anh chưa bao giờ có ý định đi tìm một người vợ khác. Bằng tình yêu thương và niềm tin với người vợ của mình, cùng với nỗ lực kiên định nhiều năm trời, anh Lịch đã được đền đáp.
Sau 3 lần thụ tinh nhân tạo, vào tháng 11 năm 2014, bé trai Lê Quang Minh kháu khỉnh đáng yêu đã ra đời trong niềm vui và nước mắt của hai vợ chồng anh.
Anh Lịch cho biết, quá trình vợ anh mang thai và sinh nở cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đến lúc bé được ra đời, vì sinh non nên việc chăm con khá vất vả.
Anh luôn cùng vợ đảm đương mọi việc liên quan đến em bé, từ cho bé bú sữa, tắm rửa, kể chuyện, hát cho bé nghe...
Bên cạnh những lời bình luận ủng hộ “ông bố của năm”, anh Lịch cũng phải hứng một số “gạch đá”. |
Khi được phỏng vấn về bức hình “chăm con bá đạo” gây “bão” những ngày qua, anh Lịch cho biết, anh cũng khá bất ngờ vì một hình ảnh bình thường lại được nhiều người ủng hộ như thế.
Đối với anh, yêu thương con và chia sẻ việc nhà với vợ là một chuyện rất đỗi bình thường.
Bên cạnh những lời bình luận ủng hộ “ông bố của năm”, anh Lịch cũng phải hứng một số “gạch đá” phê phán phương pháp cho con ăn không phù hợp, cũng có người góp ý là không nên cho con ăn nằm, đeo điện thoại như thế thì ảnh hưởng đến não của bố, cho con xem như thế sẽ tạo thói quen không tốt cho con nên con phụ thuộc vào điện thoại khi ăn,...
Đáp lại, anh Lịch cho biết: “Thứ nhất em bé trong hình mới hơn 7 tháng tuổi. Bé sinh non thiếu tháng (32 tuần). Nên bé chưa biết ngồi cho nên chắc chắn bé phải nằm kê cao đầu để ăn bột. Cái này là thuận với tự nhiên.
Thứ hai là ông bố này buộc điện thoại lên trán khi đã để chế độ máy bay và tải clip vào máy cho con xem thì không có sóng gì ở điện thoại hết.
Thử hỏi có nhiều người ốp cái điện thoại vào tai buôn cả tiếng đồng hồ thì cũng hại não à, trong khi đó bón bột cho bé cũng hết từ 5 -10 phút thôi.
Tất nhiên nói về nuôi con theo khoa học thì ông bố này đã làm sai khi cho con xem video khi ăn. Nhưng thử hỏi có ông bố bà mẹ nào thời buổi này mà không cho con xem ti vi và điện thoại như thế.
Tôi thấy biện pháp này vẫn còn hơn cái cảnh bố mẹ, ông bà bế con cháu đi rong khắp xóm bụi bẩn, nhẩy múa, gõ xoong gõ nồi ầm ỹ lên con mới chịu ăn.
Các bạn đã làm bố làm mẹ rồi sẽ hiểu nếu con không chịu ăn thì xót con như thế nào. Có bạn cho rằng vừa ăn vừa xem như thế thì bị tự kỷ.
Xin thưa là một ngày cho bé xem hai ba lần video, TV thì không thể tự kỷ được. Tự kỷ là do phụ huynh không gần gũi chia sẻ vui chơi với con nhiều mà suốt ngày bỏ con chơi với điện thoại và ti vi thì mới tự kỷ nhé.
Nói tóm lại là người chồng, người cha thì phải quan tâm, chia sẻ công việc với vợ con về tất cả mọi công việc. Đừng lấy cái sỹ diện ta là đàn ông thì không thể đi chợ, nấu cơm, gặt giũ, trông con mà chỉ cần kiếm tiền thôi là đủ.
Hóa ra đằng sau một bức ảnh một ông bố cho con ăn rất đỗi bình thường lại là một câu chuyện đầy ý nghĩa. Câu chuyện của anh Lịch hẳn sẽ khiến cho nhiều “đấng nam nhi”đang còn xem nhẹ chuyện chăm sóc con cái, làm việc nhà cùng vợ phải giật mình.
Theo Dân Việt