Trong phiên giao dịch ngày 24.8, giá dầu thế giới đã chạm mức thấp kỷ lục 6 năm rưỡi, dưới 39 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ giảm hơn 5%, còn trên 38 USD/thùng.
Vào hồi tháng 6.2014 vừa qua, giá dầu vẫn còn ở mức 100 USD/thùng. Cho tới thời điểm hiện tại, con số này đã giảm hơn một nửa, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm rưỡi.
Phiên sụt giảm lần này của giá dầu đã mở rộng cuộc khủng hoảng trong ngành năng lượng từ hồi năm ngoái và có thể sẽ đẩy giá xăng xuống mức dưới 2 USD/gallon sau mùa thu năm nay.
Dưới đây là 5 dẫn chứng về “viễn cảnh” thị trường dầu hiện nay do trang CNN đưa ra:
Quá nhiều dầu
Hiện nay, nguồn cung dầu đang ở mức dư thừa, dẫn tới sự gia tăng khối lượng dầu từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Một thực tế đáng buồn chỉ ra, dù giá dầu đang lao dốc thảm hại nhưng các nhà sản xuất dầu ở Mỹ vẫn phải liên tục sản xuất. Bởi lẽ, hiện tại, các loại công nghệ mới và chi phí rẻ hơn vẫn mang về cho họ mức lợi nhuận đáng kể dù giá dầu ở mức thấp.
Thông thường, khi giá dầu giảm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ ra tay cắt giảm sản xuất. Tuy nhiên, trong thời điểm nay thì khác, tổ chức này đã đưa ra quyết định sản xuất một khối lượng kỷ lục dầu. Động thái này của OPEC được xem là một phần trong chiến lược gây áp lực lên các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ và cũng là một cách để “phô trương” quyền lực mạnh mẽ của tổ chức này trong lĩnh vực dầu khí.
OPEC đã từng chiếm 60% lượng dầu khí toàn cầu. Hiện nay, con số này đã giảm xuống còn 40%.
Vai trò thỏa thuận hạt nhân của Iran
Địa chính trị hiện đang đóng một vai trò quan trọng. Thỏa thuận hạt nhân của Iran với phương Tây sẽ là “bàn đạp” để quốc gia này xuất khẩu nhiều dầu hơn sang thị trường phương Tây và điều này sẽ làm giảm lượng dư thừa dầu trên toàn cầu.
Một số nhà phân tích tin rằng, Saudi Arabia, một đối thủ lâu năm của Iran, có thể tiếp tục sản xuất thêm nhiều dầu để gây sức ép trực tiếp cho Iran.
Nhu cầu suy giảm
Hiện tại, không chỉ nguồn cung dư thừa mà nguồn cầu cũng suy giảm mạnh mẽ. Các nền kinh tế phát triển ở châu Âu và châu Á đang trên đà phát triển chậm chạp, đặc biệt là Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các thị trường mới nổi ở châu Mỹ Latinh đang chao đảo với những biến động toàn cầu gần đây.
Giá xăng giảm dưới 2 USD/gallon
Chắc chắn, giá dầu giảm sẽ dẫn đến giá xăng giảm. Một gallon xăng ở Mỹ hiện nay ở mức 2,60 USD, giảm từ 3,44 USD từ năm trước.
Thêm vào đó, giá dầu giảm cũng đè nặng áp lực lên những khu vực phát triển dầu như North Dakota và Texas.
Phố Wall “choáng váng”
Sự suy giảm trong giá dầu đang đè nặng lên “túi tiền” của nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán ở Phố Wall. Ngành năng lượng trong chỉ số S&P 500 đã mất gần 1/3 giá trị so với năm trước. Các công ty tư nhân như: Chesapeake Energy (CHK), Transocean (RIG) và Marathon Oil (MRO) đã giảm hơn 50% giá trị trong 12 tháng qua.
Ngoài ra, giá dầu sụt giảm cũng khiến các nhà đầu tư hoảng sợ về một viễn cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu. Đây là một tín hiệu hoàn toàn xấu và chưa từng xảy ra kể từ tháng 2 năm 2009.
Tuyết Nhung (Theo CNN)