Sau khi công bố báo cáo tài chính với nhiều thông tin khiến cổ đông lo ngại, đại gia Đặng Thành Tâm đã lên tiếng thanh minh về hàng tồn kho hơn 8.000 tỷ đồng và nguyên nhân khiến cho nguồn thu của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc không cao trong quý 2.2014.

Đại gia Đặng Thành Tâm 'thanh minh' về hàng tồn kho 8.000 tỷ

Một Thế Giới | 24/08/2015, 05:52

Sau khi công bố báo cáo tài chính với nhiều thông tin khiến cổ đông lo ngại, đại gia Đặng Thành Tâm đã lên tiếng thanh minh về hàng tồn kho hơn 8.000 tỷ đồng và nguyên nhân khiến cho nguồn thu của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc không cao trong quý 2.2014.

Ngày 22.8, ông Đặng Thành Tâm đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và các cổ đông để giải thích một số thông tin liên quan đến các số liệu trên Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2 năm 2015.
Theo đó, sau khi công bố báo cáo tài chính quý 2, nhiều cổ đông và dư luận lo lắng về số liệu hàng tồn kho của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) lớn hơn 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm. 
Theo giải thích của KBC thì đây là tính đặc thù do loại hình kinh doanh của KBC là lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp (KCN) và đô thị, nên việc tích lũy đất là rất quan trọng. Đây cũng là chiến lược và tầm nhìn của KBC đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ trước đây.
Cụ thể, KBC sẽ tập trung tích lũy đất ở những khu vực quy hoạch trọng điểm trong tương lai. Ví dụ ở Hải Phòng, toàn bộ gần 1.000 ha đất mở rộng trong tương lai đều được quy hoạch vào Khu kinh tế (một dạng đặc khu kinh tế), ở đó không chỉ có sản xuất công nghệ cao mới được ưu đãi cao nhất, mà tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả trong khu đô thị, vui chơi giải trí, nhà hàng khách sạn… đều được ưu đãi cao nhất. 
"Như vậy, để có thêm gần 1.000 ha đất nằm trong Khu kinh tế lớn bậc nhất miền Bắc này là không dễ dàng, và ít công ty được hưởng lợi từ việc này như KBC. Vì KBC là đơn vị dẫn đầu về kinh doanh KCN và thu hút đầu tư nước ngoài, do đó, LG và các công ty vệ tinh đã chọn KCN của KBC ở Hải Phòng để đầu tư, và ngày càng nhiều nhà đầu tư đổ dồn về đây", ông Đặng Thành Tâm cho biết.
Lãnh đạo của KBC cũng lấy ví dụ, chỉ 100 ha đất KCN ở đặc khu kinh tế này của KBC cho nhà đầu tư nước ngoài thuê thì đã thu về 1.600 tỷ đồng, chưa nói đến đất dịch vụ và nhà ở, thì với 100 ha sẽ thu về gấp vài lần so với đất công nghiệp. Cho nên, trong những năm tới, doanh thu ở đây sẽ rất ấn tượng. 
Đối với con số 400 tỷ đồng hàng tồn kho tăng trong 6 tháng đầu năm 2015, KBC cho biết, tập trung chủ yếu ở KCN Tràng Duệ, do gần 200 ha đất Giai đoạn 2 đã được đền bù giải phóng mặt bằng và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. 
"Bình thường, một KCN có quy mô 200 ha được Chính phủ cho phép đầu tư sẽ thu hút đầu tư trong 6 năm, cũng có những KCN 10 năm vẫn chưa lấp đầy. Nhưng ở KCN Tràng Duệ, chỉ chưa đầy 1 năm, 50% của Khu 200 ha đã được lấp đầy. Đây là một thực tế đáng tự hào", KBC khẳng định.
Mặt khác, tại khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát vừa được khởi công, KBC cũng đã đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng hầm chui kết nối Trung tâm TP Hải Phòng với Khu đô thị dịch vụ Tràng Cát về phía bờ biển quận Hải An (bên phải bờ biển của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, con đường cao tốc với vận tốc 110km/giờ, kết nối Hà Nội - Hải Phòng chỉ mất 45 phút, chuẩn bị thông xe cuối năm 2015). 
Ngoài ra, tại KCN Tân Phú Trung 590 ha nằm ở TP.HCM mà KBC đầu tư cũng đã được đền bù gần 90% và đã cho thuê hơn 70 ha. Theo đơn giá mới nhất thì cao hơn nhiều lần so với chi phí KBC đã bỏ ra trước đây.
"Nếu định giá lại theo giá trị thực tế thì giá trị các KCN cao hơn nhiều so với giá ghi trên sổ sách. Đó là tài sản của cổ đông KBC, vì vậy, với con số tồn kho 8.000 tỷ đồng của mấy ngàn ha đất thì giá trị và tiềm năng còn gấp hơn cả chục lần. Đây là quỹ đất để đảm bảo cho KBC duy trì hoạt động trong hàng chục năm nữa và đảm bảo nguồn thu dồi dào trong tương lai", lãnh đạo KBC nhấn mạnh.
Nguồn thu không cao vì KBC cho hoãn nợ?
Bên cạnh việc giải thích con số tồn kho hơn 8.000 tỷ, đại gia Đặng Thành Tâm cũng thay mặt KBC giải thích về nguồn thu của KBC trong Quý 2.2015 không cao.
Theo đó, KBC cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là các nhà đầu tư thuê đất chưa thanh toán cho KBC, còn KBC hoãn nợ cho các nhà đầu tư trên "tinh thần giúp đỡ lẫn nhau".
"Ngân hàng tạo điều kiện cho KBC giãn nợ và KBC cũng giãn nợ cho khách hàng. Tuy vậy, số nợ này của khách hàng sẽ vẫn được thanh toán trong thời gian tới, nên thực chất, KBC vẫn có nguồn thu khá ổn định", lãnh đạo KBC giải thích.
Trong khi đó, nếu tính riêng Quý 2 năm 2015, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 102,5 tỷ, so với cùng kỳ năm ngoái là 66,8 tỷ, chỉ tiêu này đã tăng 53,44%. Tổng giá vốn là 101,1 tỷ nên lãi gộp là 1,4 tỷ. Như vậy, trong Quý 2, giá vốn của việc cho thuê đất đã ảnh hưởng đến lãi gộp trong kỳ. 
Giải thích điều này, KBC cho biết, nguyên nhân chính là do việc điều chỉnh giá vốn của KCN. Đặc thù của KCN khi ghi nhận giá vốn là số ước tính chắc chắn đáng tin cậy của các yếu tố cấu thành nên giá thành và có điều chỉnh hàng năm để phù hợp với sự biến đổi của các yếu tố đầu vào theo giá thực tế. 
Giá vốn chính xác chỉ xác định được khi KCN đạt mức đầu tư hạ tầng 100%. Hiện nay, một số KCN của KBC đã gần như hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tỉ lệ lấp đầy đạt 96% như KCN Tràng Duệ Giai đoạn 1. Vì vậy, KBC đã tiến hành cập nhật giá vốn để đảm bảo các số liệu được chính xác, kịp thời.
Mặt khác, do đặc thù kinh doanh của KCN nên kết quả kinh doanh không phân bổ đều theo các quý như các doanh nghiệp tiêu dùng khác. Để hoàn tất các thủ tục ghi nhận doanh thu kể từ khi hợp đồng được thỏa thuận thường kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm. Vì vậy, cần xem xét kết quả kinh doanh của KBC theo giai đoạn 6 tháng hoặc 1 năm phù hợp với đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp.
KBC khẳng định, tính đến thời điểm kết thúc 6 tháng, hoạt động kinh doanh của KBC diễn ra bình thường. Tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 775 tỷ tương đương với 39% theo kế hoạch, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 251 tỷ tương đương với 34% kế hoạch năm.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại gia Đặng Thành Tâm 'thanh minh' về hàng tồn kho 8.000 tỷ