Việc giá dầu bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm trong những ngày vừa qua, khi có thời điểm chỉ còn khoảng 47 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 14.3 và là lần sụt xuống dưới mức giá 50 USD/thùng đầu tiên trong vài tháng qua, là điều đã được dự báo từ trước: động lực cung cầu cũng như nhu cầu thực của thị trường thế giới không có nhiều thay đổi.
Với sự cân bằng về cung cầu cũng như nhu cầu thị trường này, sẽ đồng nghĩa với việc bất cứ sự sụt giảm nào từ mức giá hiện nay (khoảng 50 USD/thùng) đều sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Gần như có thể khẳng định rằng giá dầu thế giới trong năm 2017 sẽ chỉ dao động quanh mức 40-60 USD/thùng mà thôi.
Sự hồi sinh của ngành sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ trong những tháng vừa qua được xem là một yếu tố hàng đầu tác động đến sự thay đổi của giá dầu trên thị trường thế giới.
Chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11.2016,cùng với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các nước sản xuất phi OPEC như Nga và Mexico trên thực tế đã tạo ra một sự cân bằng nhất định về cung cầu cũng như giá cả.
Bằng cách điều chỉnh sản xuất, các doanh nghiệp khai thác dầu phiến Mỹ đã chứng minh được rằng họ vẫn có thể tiếp tục khai thác và có lời với mức giá từ 30-35 USD/thùng, thấp hơn khoảng 70% so với ước tính trước đó. Và giờ đây với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ dưới quyền Donald Trump khi vị tân tổng thống đã cam kết sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và gỡ bỏ bớt các quy định phiền hà, các doanh nghiệp dầu phiến Mỹ hứa hẹn sẽ có thể đẩy mạnh sản lượng khai thác hơn bao giờ hết.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đã tụt xuống mức 47-48 USD/thùng so với mức giá 54 USD/thùng vào đầu tháng 3.2017,một phần lớn là do sự sụt giảm các động thái mua vào để đầu cơ của các nhà đầu tư trên thị trường.
Việc OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 11 năm ngoái và bắt đầu được thực thi một cách khá cầm chừng về sản lượng cắt giảm kể từ đầu năm nay là khoảng thời gian quá ngắn để có thể cải thiện tình hình.
Thị trường hiện vẫn đang trong tình trạng cung vượt cầu và kho dự trữ dầu trên toàn cầu vẫn chưa giảm được là bao, thậm chí còn tăng thêm, chẳng hạn như kho dự trữ dầu của Mỹ đang tăng lên và đã ở mức kỷ lục là 528 triệu thùng vào cuối tuần trước, và sau đó chỉ giảm nhẹ khoảng 200 ngàn thùng mà thôi.
Chính sự hồi phục nhanh hơn dự đoán của các công ty khai thác dầu phiến Mỹ cộng với sự tuân thủ cắt giảm sản lượng một cách cầm chừng của các nước OPEC và Nga là lý do thị trường thế giới vẫn đang trong tình trạng cung vượt cầu, và khiến giá dầu sụt giảm.
Tuy nhiên, các dấu hiệu phía trước đang tỏ ra tích cực hơn: mùa hè sắp đến và đây là thời điểm lượng xăng dầu được tiêu thụ đạt mức đỉnh không chỉ ở Mỹ mà còn tại các thị trường tiêu thụ chính trên toàn cầu. Ngoài ra, triển vọng kinh tế cũng đang mở ra cơ hội cho giá dầu: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở Paris đã dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức 3,6% so với mức tăng 3,2% trong năm 2016. Tăng trưởng kinh tế sẽ đồng nghĩa với nhu cầu dầu của thế giới sẽ cao hơn, giúp giảm tồn kho và vực dậy giá dầu.
Việc thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước xuất khẩu dầu khác như Nga và Mexico cũng sẽ giúp giá dầu tăng trở lại. Theo thỏa thuận tại Vienna vào tháng 11 năm ngoái, OPEC có nhiệm vụ cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC là 600 ngàn thùng/ngày. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2017 lượng dầu cắt giảm thực tế ít hơn mức đã cam kết.
Tuy nhiên, kịch bản khá tích cực này không phải là không tiềm ẩn những nguy cơ. Khả năng các nước OPEC và ngoài OPEC thực hiện nghiêm túc cam kết Vienna là không quá lớn. Giá dầu trước khi giảm mạnh vào ngày 14.3 đã tăng lên đáng kể sau khi Ả Rập Saudi thông báo sẽ cắt giảm thêm 30% mức sản lượng mà nước này đã giảm trong tháng 1.2017 theo thỏa thuận Vienna. Nhưng sau đó điều này có vẻ như đã không diễn ra, thậm chí Saudi còn tăng thêm sản lượng khai thác, và điều này khiến giá dầu ngay lập tức quay đầu sụt giảm chỉ còn 47,09 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ khi thỏa thuận Vienna được đưa ra.
Bộ Năng lượng của Ả Rập Saudi cho biết, trong thời gian tới nước này sẽ cắt giảm thêm khoảng 90.000 thùng/ngày và đưa tổng sản lượng khai thác xuống còn khoảng 9,9 triệu thùng/ngày mà thôi. Riyadh cho biết thêm, kể cả trong trường hợp nước này không cắt giảm thêm, thì mức sản lượng 10,011 triệu thùng hiện nay của Saudi vẫn thấp hơn ngưỡng 10,058 triệu thùng/ngày mà nước này đã cam kết tại Vienna. O
Ngoài ra, một thành viên OPEC khác là Lybia đã cho biết sản lượng của nước này hiện giảm khoảng 11% do tranh chấp quân sự trong nước đã dẫn đến việc đóng cửa một số cảng xuất khẩu. Sảnlượng dầu xuất khẩu của Lybia hiện giảm khoảng 80.000 thùng/ngày và xuống còn mức 620.000 thùng/ngày.
Và cuối cùng, ảnh hưởng của dầu và giá dầu lên nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng giảm dần do sự biến động về giá cả của đồng USD và lạm phát.
Cuộc họp của OPEC diễn ra vào ngày 25.3 tới để bàn về việc tổ chức này có nên tiếp tục duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không, khi theo dự kiến thỏa thuận Vienna sẽ chỉ được thực hiện cho đến giữa năm nay mà thôi. Ngoài ra, một ủy ban gồm 5 quốc gia cũng sẽ được thành lập để kiểm tra sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước OPEC cũng sẽ diễn ra tại Kuwait vào ngày 25-26 tháng 4 tới đây.
Giá dầu trong tương lai gần sẽ được quyết định chủ yếu bởi các nhà cung cấp, cụ thể là vào việc OPEC có thực hiện đúng cam kết về sản lượng cắt giảm hay không, và liệu ngành sản xuất dầu phiến Mỹ có tăng tốc nhanh hơn dự kiến hay không. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, thì tình trạng cân bằng cung cầu vẫn sẽ được duy trì một cách tương đối, và giá dầu sẽ chỉ dao động trong mức 40-60 USD/thùng mà thôi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)