"Khi gia nhập TPP, tôi lo lắng về phần Nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp. Khi sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp buộc phải tự cải tổ, có doanh nghiệp sẽ chết, có doanh nghiệp trưởng thành. Còn nếu Nhà nước trì trệ trước cạnh tranh thì cực kì nguy hiểm", ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng phái đoàn đàm phán WTO nhận định.
Chính phủ sẽ không bỏ rơi nông nghiệp
Trong khi, vào TPP, ngành chăn nuôi đối mặt với thuế nhập khẩu về 0%, đây có thể là đòn nặng nề đối với Việt Nam.
Đặc biệt, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi miễn thuế, nổi bật là thịt gà, lợn. Đây là các mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, ngành chăn nuôi sẽ gặp khó khăn khi vào TPP nhưng không phải là điều quá đáng ngại. Chính phủ rất quan tâm đến ngành chăn nuôi, chưa bao giờ xóa bỏ ngay lập tức thuế nhập khẩu đối với ngành này.
“Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một hiệp định kinh tế. Chúng ta đã có nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước mạnh về nông nghiệp. Ngành chăn nuôi nếu tính từ năm nay sẽ có thời gian ít nhất 10 năm để chuẩn bị tư thế cạnh tranh trước khi thuế về 0%” – ông Khánh cho hay.
Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Khánh cũng cho biết, theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại.
Lo cho Nhà nước hơn là doanh nghiệp!
Trong khi đó, phát biểu tại buổi họp báo, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng phái đoàn đàm phán WTO cho rằng, thách thức là sức ép trực tiếp và tùy thuộc vào khả năng của chúng ta mà có kết quả khác nhau. Điều đáng chú ý là nếu không nhấn mạnh về thách thức thì chúng ta sẽ vỡ mộng hoặc bi quan, bởi Việt Nam sống cảm xúc nhiều quá.
Ông Tuyển cũng bày tỏ rằng, ông lo lắng về phần Nhà nước nhiều hơn doanh nghiệp. Khi sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp buộc phải tự cải tổ, có doanh nghiệp sẽ chết, có doanh nghiệp trưởng thành. Còn nếu Nhà nước trì trệ trước cạnh tranh thì cực kì nguy hiểm.
“Cơ hội của Việt Nam cũng rất nhiều, nhưng cơ hội không tự nó biến thành cơm” – ông Tuyển nhấn mạnh.
Trí Lâm