Việc phân bổ không hợp lý và không chính xác nguồn lực hữu hạn trong nền kinh tế nhiều năm qua là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến những điểm yếu chí tử của nền kinh tế Việt Nam.

Giá phải trả từ việc TP.HCM căng sức chu cấp cho các tỉnh nghèo

08/06/2016, 12:27

Việc phân bổ không hợp lý và không chính xác nguồn lực hữu hạn trong nền kinh tế nhiều năm qua là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến những điểm yếu chí tử của nền kinh tế Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất của cải cách kinh tế hiện nay là phân bổ nguồn lực.

Liên tục các động thái mang tính bước ngoặt đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực tưởng như không thể chạm tới, từ việc đặt trọng tâm tăng trưởng vào khu vực kinh tế tư nhân thay cho khối kinh tế quốc doanh, cho đến việc cải tổ và tăng hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vốn được xem như con cưng trong một thời gian dài.

Cuộc cải cách đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay được xem là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, kể cả lần Đổi mới bắt đầu từ năm 1986. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tài chính và nguồn lực phát triển, thì mục đích lớn nhất mà cuộc cải cách kinh tế vừa được thủ tướng phát động là: nắn lại dòng chảy nguồn lực trong nền kinh tế và phân bố lại một cách hợp lý nhất.

Hiểu một cách đơn giản, đó là đầu tư nhiều nhất vào những nơi dễ sinh lời nhất trước, thay vì đầu tư dàn trải một cách tràn lan và lãng phí như đã diễn ra trong những năm qua.

Quan điểm này được ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), đồng tình: “Các nguồn lực phải được sử dụng tốt. Nếu Việt Nam không phân bổ vốn hay đất đai cho các dự án năng suất cao nhất, thì các yếu tố năng suất còn suy giảm. Phân bổ vốn và đất đai hiệu quả trong các lĩnh vực khác nhau thì sẽ thúc đẩy thị trường”.

Việc phân bổ không hợp lý và không chính xác nguồn lực hữu hạn trong nền kinh tế trong nhiều năm qua là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến những điểm yếu chí tử của nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn lực hữu hạn không được phân bổ đúng chỗ và thiếu hợp lý còn dẫn đến những hệ quả nguy hiểm trong tương lai: nền kinh tế tăng trưởng trì trệ, khu vực kinh tế tư nhân quy mô nhỏ và yếu, nợ công và thâm hụt ngân sách tăng mạnh và ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển của nền kinh tế.

Theo cách hiểu này, thì hầu hết các động thái cải cách vừa được chính phủ phát động đều nhằm tới việc nắn lại dòng chảy nguồn lực và phân bổ lại theo một cách hợp lý hơn.

Trên bình diện quốc gia, đó là tạo điều kiện và thúc đẩy cho các trung tâm kinh tế đóng vai trò đầu tàu như Hà Nội hay TP.HCM phát triển như những đòn bẩy cho nền kinh tế.

Trên bình diện các bộ phận của nền kinh tế, đó là đặt trọng tâm vào khu vực kinh tế tư nhân thay vì khối quốc doanh như trước, đồng thời lên kế hoạch cải tổ triệt để khu vực DNNN với kế hoạch lập ra một siêu ủy ban quản lý khối tài sản công của các DNNN lên tới 5,4 triệu tỷ đồng

Không có gì phải hoài nghi rằng, nếu tất cả các kế hoạch trên đều được thực hiện và diễn ra một cách tốt đẹp, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh trong những năm sắp tới. Nhưng, đó hoàn toàn không phải là những việc dễ thực hiện.

Trên thực tế, việc thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo kiểu cào bằng giữa các tỉnh thành trên cả nước vẫn chưa có sự chuyển biến. Trong số các đầu tàu kinh tế trên cả nước, mới chỉ có duy nhất Hà Nội đã công bố đề án phát triển tổng thế giai đoạn 2016-2020, trong đó điều đáng lưu ý ở đây là Hà Nội cũng là một trong những đầu tàu kinh tế hiếm hoi nằm trong diện được ưu tiên trong vấn đề phân bổ nguồn lực suốt nhiều năm nay.

Nói cách khác, sở dĩ Hà Nội có thể công bố đề án phát triển tổng thể với nhiều mục tiêu đầy tham vọng là vì thủ đô đã có điều kiện thuận lợi về phân bổ nguồn lực phát triển. Còn những đầu tàu kinh tế khác, điển hình như TP.HCM, thì vẫn chưa có được điều kiện này.

Hiện TP.HCM vẫn đang trong tình trạng được giữ lại quá ít ngân sách để phát triển, và phải còng lưng hỗ trợ khá nhiều các tỉnh thành khác đang trong tình trạng “thu ít, nhưng chi thì nhiều”.

Điều tương tự cũng đang diễn ra trong vấn đề tái phân bổ nguồn lực giữa các bộ phận trong nền kinh tế. Dù nghị quyết đại hội Đảng XII và các nghị định chính phủ đã thừa nhận vai trò động lực tăng trưởng chủ đạo trong nền kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng việc lái dòng chảy nguồn lực trong nền kinh tế vào khu vực này vẫn chưa thực sự diễn ra.

Các hỗ trợ từ phía chính phủ cho các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đến thời điểm hiện tại vẫn chủ yếu dừng lại ở mặt thủ tục hành chính và các ưu đãi về mặt pháp lý, và vẫn chưa có các hỗ trợ quy mô về nguồn vốn, lãi suất, đất đai hay tài nguyên.

Ở thời điểm hiện tại, các dấu hiệu đang cho thấy Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực trong điều kiện nguyên trạng, thay vì tái phân bổ nguồn lực theo hướng hợp lý hơn.

Việc nghiên cứu kế hoạch thiết lập siêu ủy ban điều hành các DNNN có tổng số vốn khoảng 5,4 triệu tỷ đồng là một ví dụ. Về lý thuyết, việc thiết lập một siêu ủy ban điều hành các DNNN có thể làm tăng hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN vốn bị xem là yếu kém trong nhiều năm qua, khi đã tách bạch được quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý.

Tuy nhiên, điều này cũng đang cản trở việc chuyển dịch nguồn lực phát triển từ khu vực quốc doanh sang khu vực kinh tế tư nhân. Theo thống kê, tổng giá trị của khu vực DNNN đang ở mức 5,4 triệu tỷ đồng (tương đương 245 tỷ USD); còn theo số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới thì tài sản công của Việt Nam hiện lên tới 800 tỷ USD. Theo tính toán của Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, thì chỉ cần nâng 1-2% hiệu quả quản trị thì đất nước đã có thêm 8-16 tỷ USD, tương ứng 5% GDP rồi.

Rõ ràng là, số nguồn lực mà khu vực quốc doanh cụ thể là các DNNN nắm giữ vẫn còn đang quá lớn, và Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề tăng hiệu quả quản lý và đầu tư của số vốn khổng lồ này, thay vì có kế hoạch tái phân bổ dần nguồn lực khổng lồ này sang cho khu vực kinh tế tư nhân. Đó có thể là một bước đi mang tính thực dụng, nhưng về lâu dài nó có thể làm giảm hiệu quả của các chính sách cải cách kinh tế.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá phải trả từ việc TP.HCM căng sức chu cấp cho các tỉnh nghèo