Không mơ được như Singapore, nhưng nếu Việt Nam bịt được lỗ hổng thất thoát lớn do tham nhũng, lãng phí mà rất nhiều vụ án trong thời gian qua và hiện nay cho thấy, hẳn ngân sách đã có thêm không ít nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Giá xăng: Không mơ được như Singapore nhưng…

Quỳnh Yên | 13/07/2022, 11:26

Không mơ được như Singapore, nhưng nếu Việt Nam bịt được lỗ hổng thất thoát lớn do tham nhũng, lãng phí mà rất nhiều vụ án trong thời gian qua và hiện nay cho thấy, hẳn ngân sách đã có thêm không ít nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Cuối cùng thì, sau nhiều lời kêu gọi của các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội, và của công luận nói chung cũng như sự chỉ đạo từ Chính phủ, Liên bộ Tài chính – Công thương đã quyết định giảm giá xăng dầu từ ngày 11.7 với mức tính chung hơn 3.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít, dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, dầu mazut giảm 2.010 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 27.788 đồng/lít, xăng RON 95 là 29.675 đồng/lít, dầu diesel là 26.593 đồng/lít, dầu hỏa 26.345 đồng/lít, dầu mazut 17.712 đồng/kg.

Đó là một động thái điều hành có thể nói là kịp thời trước những nguy cơ đe dọa sự tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân, đặc biệt trong tình hình kinh tế - xã hội mới gượng dậy sau đại dịch. Bởi, theo Tổng cục Thống kê, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng có nhiều yếu tố tác động có thể làm tăng CPI như giá xăng dầu được điều chỉnh tới 16 đợt, bình quân 6 tháng giá xăng dầu trong nước đã tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm. Giá gas trong nước cũng biến động theo giá gas thế giới, giá gas 6 tháng tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở… cũng tăng, tất cả đều tác động đến CPI.

Có một số yếu tố đã giúp kiềm chế lạm phát những tháng đầu năm như giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% vì một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19; giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm; mặt khác Chính phủ trong thời gian qua cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1.2.2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.12.2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1.4.2022.

Tuy vậy, đặt trong bức tranh rộng lớn hơn, dù nền kinh tế đạt tỉ lệ tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm (tăng 6,42%) nhưng vẫn có đến 51.000 doanh nghiệp (43%) ngừng kinh doanh và rút khỏi thị trường; khoảng 40-50% tàu cá ngừng hoạt động vì không kham nổi chi phí xăng dầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân cũng như tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, giá hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm cũng tăng tới 11,21%, mà hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,75%. Có nghĩa là các nhà sản xuất đang phải chịu đựng giá đầu vào tăng mà chưa thể tăng giá sản phẩm bán ra. Vấn đề là họ sẽ chịu đựng được bao lâu trước khi buộc phải tăng giá bán sản phẩm, từ đó tác động đến CPI và lạm phát?

Nhìn sang các nước trong khu vực, tin cho hay bộ Tài chính Singapore vừa thông báo khoảng 1,5 triệu dân ở nước này sẽ nhận được đến 700 đôla Singapore (khoảng 11,6 triệu đồng) tiền mặt mỗi người trong tháng 8.2022. Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỉ đôla Singapore (khoảng 1 tỉ USD), được Phó thủ tướng Lawrence Wong công bố vào tháng 6.2022 nhằm giúp người dân đối phó với lạm phát tăng cao.

Đối tượng áp dụng là những người trên 21 tuổi và có thu nhập trong năm 2021 dưới 34.000 đôla Singapore. Họ sẽ được nhận tổng cộng tối đa là 700 đôla. Ngoài ra, người trên 65 tuổi sẽ được hỗ trợ từ 250 đôla đến tối đa 450 đôla trong tài khoản tiết kiệm y tế MediSave.

Không mơ được như Singapore, nhưng nếu Việt Nam bịt được lỗ hổng thất thoát lớn do tham nhũng, lãng phí mà rất nhiều vụ án trong thời gian qua và hiện nay cho thấy, hẳn ngân sách đã có thêm không ít nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn, đã có thêm điều kiện để không chỉ giảm thuế môi trường trong giá xăng mà còn có thể tính đến giảm những khoản thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt vốn chủ yếu nhắm vào hàng hóa xa xỉ.

Sáu tháng đầu năm, trong hoàn cảnh rất khó khăn cho doanh nghiệp nhưng ngân sách vẫn bội thu gần 220.000 tỉ đồng. Điều này gợi ý, nếu giá nguyên liệu, vật tư, xăng dầu được kiềm chế tốt hơn, nếu doanh nghiệp được hoạt động trong điều kiện thuận lợi hơn thì thu ngân sách còn có thể tăng cao hơn và từ đó có nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ người dân khi cần hỗ trợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng: Không mơ được như Singapore nhưng…