Giá xăng trong nước đã ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp, đưa giá xăng RON95 vượt 23.500 đồng/lít. Đáng nói, quỹ bình ổn liên tiếp không được sử dụng mặc dù giá xăng dầu tăng.
Giá xăng E5RON92 chiều 4.7 tăng 450 đồng/lít, lên mức 22.460 đồng/lít; xăng RON95 tăng 540 đồng/lít, lên 23.550 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 490 đồng/lít, dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, dầu mazut tăng 90 đồng/kg. Như vậy, giá xăng trong nước đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này (từ ngày 27.6 đến ngày 3.7) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Trong đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao tại Mỹ trong giai đoạn cao điểm của mùa du lịch hè, chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, Ukraine tiếp tục tấn công vào kho chứa dầu của Nga, lo ngại xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông. Liên Bộ Tài chính - Công Thương đánh giá rằng, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có xu hướng tăng.
Đáng chú ý, tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Việc để giá xăng tăng liên tiếp, nhưng quỹ bình ổn giá xăng dầu "bất động" khiến nhiều người quan ngại về vai trò, khả năng của quỹ này trong việc ổn định thị trường xăng dầu.
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ lo ngại việc giá xăng đang vượt mức 23.000 đồng/lít và có thể lên 24.000 - 25.000 đồng/lít trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang tại Trung Đông, Đông Âu... Trong khi đó, sức mua của người dân vẫn còn rất yếu.
Giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện lương cơ sở đã tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng cũng sẽ gây áp lực lên giá xăng dầu tăng, vấn đề lạm phát lại đáng lo ngại. Vì vậy, ông Phú cho rằng đã đến lúc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá cả hàng hóa nói chung, tránh lạm phát có thể căng thẳng từ tháng 7 - 8 sau khi lương tăng.
"Khi quỹ còn tồn tại thì vẫn phải sử dụng để phát huy tác dụng, kìm giá xăng dầu tăng quá mạnh, mặc dù trong quá trình thực hiện, quỹ còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nói về những điểm bất ổn của quỹ, ông Phú cho rằng những lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến với biên độ lớn thì quỹ lại âm. Trong khi đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối không minh bạch, quỹ đã bị doanh nghiệp lợi dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đáng nói, quỹ còn thực hiện việc bù chéo giữa xăng và dầu ở một số giai đoạn nhất định. Ví dụ trong quý 1/2024, có thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng, từ mức 20.000 đồng lên mức trên 25.000 đồng/lít. Thời điểm này, quỹ bình ổn giá xăng dầu còn gần 7.000 tỉ đồng nhưng không chi sử dụng để bình ổn giá mặt hàng này.
"Tôi cho rằng không sử dụng quỹ đã ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường xăng dầu, gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (sử dụng nguyên liệu đầu vào là xăng dầu). Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất này do quỹ bình ổn xăng dầu không được thực hiện theo đúng chức năng vốn có", ông Phú nói.
Đề xuất một biện pháp dài hạn, vị chuyên gia này cho rằng cần lập sàn kinh doanh xăng dầu để đảm bảo tính bền vững, lành mạnh cho thị trường xăng dầu, triệt tiêu trung gian, tạo sự cạnh tranh hoàn hảo.
Ông Phú cho rằng chủ trương muốn loại bỏ các khâu trung gian là điều cần thiết nhưng không thể thực hiện bằng cách gây khó cho các thương nhân như những quy định trong dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương. Thay vào đó, giải pháp triệt để nhất để triệt tiêu trung gian là lập sàn kinh doanh xăng dầu. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã làm cách này từ lâu.
Theo ông Phú, lợi ích của biện pháp lập sàn là đảm bảo công khai minh bạch, thuận mua vừa bán. Điểm thứ hai là Nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát được giá cả, chất lượng, các giao dịch và kiểm soát được thuế. Hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi không thể lên được sàn.
"Lúc đó Nhà nước chỉ cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch. Vai trò của Nhà nước là quản lý chất lượng hàng hoá, quản lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu. Nhà nước chỉ can thiệp trong những trường hợp đặc biệt như giá biến động quá lớn,... Làm được như vậy, thị trường sẽ tự điều chỉnh và từ đó tạo ra cạnh tranh hoàn hảo", ông Phú nhấn mạnh.