TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Nghị định 65 giúp cho thị trường trái phiếu về dài hạn trở nên an toàn, minh bạch hơn. Tuy nhiên, nếu nói nghị định sẽ khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản thì e còn quá sớm.
Nghị định 65 góp phần minh bạch hóa thị trường
Những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng liên tục. Giai đoạn 2017-2021 thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng 46%. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém vẫn phát hành trái phiếu, thông qua việc đẩy lãi suất phát hành tăng lên để thu hút nhà đầu tư.
Ngoài ra, mặc dù hạn chế các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn có một bộ phận rất lớn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; một số công ty, tổ chức trung gian làm tư vấn phát hành, trung gian tài chính không thực sự trung thực khi cung cấp dịch vụ, thông tin đến với nhà đầu tư không đầy đủ…
Nói với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng những số liệu cho thấy thị trường này đang tăng trưởng quá nóng. Vì thế, cần xem xét để điều chỉnh hoạt động của thị trường để đảm bảo thị trường trái phiếu thực sự trở thành kênh huy động vốn đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, bền vững.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhận định, khát vốn đang là tình trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là khi nguồn tín dụng ngân hàng gần như cạn kiệt.
“Với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, khi hành lang pháp lý đã được sửa đổi phù hợp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới và đây sẽ là giải pháp rất hữu ích cho việc giải quyết nhu cầu về vốn”, ông Hà nói.
Theo luật sư này, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ còn tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Theo đó, hạn chế được những rủi ro pháp lý từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và bước đầu vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau những sự việc lùm xùm trong thời gian qua.
Về tác động dài hạn, ông Hà cho rằng đây sẽ là giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt; thúc đẩy việc hình thành các định chế đầu tư dài hạn chuyên nghiệp trên thị trường; công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường đã được quy định rõ ràng, minh bạch hơn, củng cố lòng tin của nhà đầu tư với thị trường.
Chưa đủ sức khơi thông dòng vốn cho bất động sản
Nói với Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng nghị định này sẽ siết chặt hơn về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ và giúp cho thị trường trái phiếu về dài hạn trở nên an toàn, minh bạch hơn và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên nếu như nói rằng nghị định sẽ khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) thì sẽ còn quá sớm.
Lý do là nghị định này ban hành theo hướng chi tiết và yêu cầu nhiều thủ tục hơn để quản lý thị trường trái phiếu, do đó các doanh nghiệp BĐS sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để có thể phát hành theo phương thức này.
“Hiện nay là giai đoạn tiền đắt, nên cho dù có mở rộng quy định, cởi trói các quy định đi chăng nữa thì các doanh nghiệp BĐS cũng sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn. Do vậy, theo tôi khối lượng phát hành thành công trái phiếu trong thời gian tới sẽ không tăng qua mạnh sau quy định này”, ông Huân nói.
Nghị định 65 cũng sửa đổi khoản 2 Điều 12, trong đó yêu cầu các các doanh nghiệp thuộc diện cần xếp hạng phải bổ sung kết quả xếp hạng tín nhiệm vào hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ.
Ông Huân đánh giá điều này là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên để tránh hiện tượng xếp hạng tín nhiệm mang tính hình thức thì cần có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới, cũng như tăng cường vai trò thanh tra, kiểm soát của các cơ quan đối với các hoạt động này.
Song song với đó, việc yêu cầu số hóa doanh nghiệp, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cũng sẽ góp phần làm minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp hơn và hạn chế rủi ro đối với những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần đây trên thị trường.
Tại hội thảo mới đây về Nghị định 65, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá Nghị định 65 không áp đặt thêm những điều kiện mới, dù mang tính thắt chặt nhưng chủ yếu là tăng cường các quy định về công bố thông tin (CBTT) và làm cho thị trường minh bạch hơn.
Nhưng về phía doanh nghiệp, muốn đạt được các điều kiện đó thì họ cần làm thêm một số công việc khác, thêm chi phí phát hành nhưng đây là điều phải chấp nhận để có thị trường minh bạch hơn trong tương lai. Những doanh nghiệp đã công bố thông tin minh bạch và công khai thông tin ở mức độ cao rồi thì có thể tiếp tục phát hành để huy động vốn, nhất là những doanh nghiệp có dự án tốt, có tình hình sản xuất kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, không thể xem kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất. Thay vào đó, đây là lúc để doanh nghiệp phải mở rộng, tính toán các kênh huy động hiệu quả khác. Phía Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo để có những giải pháp khác bên cạnh kênh phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Phó vụ trưởng Dương cho biết sắp tới, phía cơ quan quản lý sẽ bổ sung các quy định về minh bạch hóa thông tin từ các nhà phát hành trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, ví dụ như các thông tin về tình hình tài chính, vi phạm về thanh toán chậm trả gốc và lãi… sẽ được phản ánh trên chuyên trang này. Nhờ đó, thị trường có thể đánh giá những vi phạm và đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý.