Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu “lãnh đạo địa phương không được câu nệ, phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn một hộ dân cũng phải xuống".
Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP.HCM.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, báo cáo của Bộ GTVT và các ý kiến tại cuộc họp cho thấy thời gian qua các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thi công…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau cuộc họp lần thứ 9, các bộ ngành và địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; các chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động tiếp tục nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", "làm việc xuyên lễ tết, xuyên ngày nghỉ" để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Các dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ, trong đó dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Diễn Châu - Bãi Vọt phấn đấu hoàn thành dịp lễ 30.4.2024; dự án sân bay Long Thành và dự án nhà ga hàng khách sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thi công với nỗ lực làm tốt của ACV.
"Triển khai các dự án trọng điểm GTVT có ý nghĩa rất lớn, góp phần giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương. Ví dụ, việc hoàn thành dự án mở rộng sân bay Điện Biên rất ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đáp ứng nguyện vọng rất chính đáng của nhân dân”, Thủ tướng nói.
Khối lượng công việc năm 2024 rất lớn
Thủ tướng cho rằng khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, yêu cầu cao, thời gian có hạn, các các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy tinh thần vì nước vì dân để hành động.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ ngành, địa phương, các chủ thể liên quan phải nỗ lực đạt 6 điểm hơn: Đề cao trách nhiệm thực thi công vụ nhiều hơn; bảo đảm tiến độ thi công nhanh hơn, kịp thời hơn; chất lượng các dự án, công trình phải tốt hơn; kỹ thuật, mỹ thuật, công nghệ phải cao hơn, phù hợp hơn; các địa phương phải xử lý các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, các công trình kỹ thuật… cho các dự án nhanh hơn, hiệu quả hơn; làm tốt hơn việc xử lý môi trường, ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị tác động bởi các dự án.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục bảo đảm đủ trữ lượng và công suất để có thể khai thác các mỏ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đáp ứng tiến độ yêu cầu.
“Chỉ đạo các doanh nghiệp dự án, nhà thầu tập trung hoàn thiện các thủ tục, thi công "3 ca, 4 kíp" bảo đảm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn đủ điều kiện yêu cầu kỹ thuật), Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.4.2024”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 28.2.2024.
Giải phóng mặt bằng: Còn một hộ dân cũng phải xuống
Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
"Lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, quyết liệt, chia sẻ với nhân dân thì mới làm được công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng một số địa phương làm chưa tốt. Không câu nệ gì cả, phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ muốn gì, đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn một hộ dân cũng phải xuống, mình không xuống thì ai xuống", Thủ tướng nêu rõ.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đường vành đai 3 TP.HCM, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường kết nối sân bay Long Thành; phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT để sớm phê duyệt điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.
Về vật liệu, trên cơ sở kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông, các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động nghiên cứu để triển khai mở rộng tại các khu vực phù hợp.
“Tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan phối hợp với các chủ đầu tư để giao mỏ cát biển cho các nhà thầu triển khai các thủ tục khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN-MT”, Thủ tướng nêu.
Về thủ tục đầu tư, triển khai dự án, TP.HCM, tỉnh Bình Phước phối hợp với các bên liên quan để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án TP.HCM - Mộc Bài, Gia Nghĩa - Chơn Thành; TP.Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3 đường vành đai 4 Hà Nội; khẩn trương hoàn thành việc rà soát lại một số nội dung về nguồn vốn dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để đủ điều kiện phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư…