UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có văn bản chỉ đạo, đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong khu vực dự kiến thực hiện dự án Hồ thủy lợi Đắk Gang.

Giải quyết dứt điểm các trường hợp dựng nhà trái phép chờ đền bù tại dự án Hồ thủy lợi Đắk Gang

Hồ Đông | 14/05/2022, 06:59

UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có văn bản chỉ đạo, đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong khu vực dự kiến thực hiện dự án Hồ thủy lợi Đắk Gang.

Hồ thủy lợi Đắk Gang là công trình đầu mối cấp II đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư 982 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Theo phản ánh từ địa phương, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sau buổi kiểm tra và làm việc của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tại khu vực dự kiến sẽ triển khai hồ thủy lợi, người dân đã tiến hành tạo lập tài sản trái phép, chủ yếu là dựng nhà và khoan giếng.

Để giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm, đồng thời ngăn chặn, làm cơ sở răn đe và tuyên truyền tới các hộ dân khác, huyện Đắk Mil yêu cầu Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, UBND xã Đắk R’la thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông và UBND huyện Đắk Mil.

Đối với hành vi tạo lập tài sản trái phép tại thôn Tân Lợi, huyện Đắk Mil yêu cầu Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn tiến hành kiểm tra, xác minh, làm việc với chủ sử dụng đất để làm cơ sở thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền thì lập hồ sơ gửi về cơ quan chuyên môn để tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, UBND huyện Đắk Mil đề nghị UBND xã Đắk Gằn thành lập ngay Tổ công tác, ban hành kế hoạch cụ thể, thường xuyên tiến hành kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong khu vực dự kiến triển khai dự án.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (đại diện chủ đầu tư) cho biết, sau khi phát hiện việc người dân tạo lập tài sản trái phép tập trung tại thôn Tân Lợi (Đắk Gằn), đại diện chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, dừng các hành vi vi phạm. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng tiến hành thống kê, lập biên bản, ghi nhận hiện trạng để có cơ sở xử lý, phục vụ công tác đền bù sau này.

HĐND tỉnh Đắk Nông vừa thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đối với diện tích đất thu hồi từ các nông, lâm trường giai đoạn 2016-2021.

Theo đó, Đoàn giám sát do Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông làm Trưởng đoàn, sẽ đánh giá tổng thể các kết quả, các tồn tại, hạn chế; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng diện tích đất thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp; nông, lâm trường giao về địa phương quản lý trong thời gian tới.

Việc giám sát các nội dung trên đây sẽ liên quan tới các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố; các công ty nông, lâm nghiệp và một số đơn vị liên quan. Thời gian từ tháng 5-12.2022.
Theo Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Đắk Nông, sau khi tái lập tỉnh (năm 2004), Đắk Nông có 16 nông, lâm trường quốc doanh với tổng diện tích đất được giao hơn 340.000ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích của tỉnh.

Sau khi thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3.12.2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, tổng diện tích đất các nông, lâm trường quản lý giảm còn hơn 282.000 ha, phần còn lại với hơn 58.000 ha được giao về địa phương quản lý.

Thời gian qua, bất động sản tại Tây Nguyên là chủ đề nóng. Nhiều người lợi dụng kẽ hở để sử dụng đất sai mục đích, đón đầu dự án khiến chính quyền phải tổ chức cưỡng chế.

Ngày 12.5, UBND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc triển khai cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp do Công ty TNHH MTV Việt Thắng quản lý dọc Quốc lộ 27 thuộc thôn 8 và thôn 13 (xã Ea Tiêu).

Theo báo cáo của UBND huyện, tình hình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp do Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng quản lý dọc Quốc lộ 27, thuộc thôn 8 và thôn 13 (xã Ea Tiêu) diễn ra trong nhiều năm với 58 hộ gia đình, cá nhân vi phạm gồm 64 công trình (các công trình xây dựng trái phép nằm trong khu vực được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Đô thị Trung Hòa, huyện Cư Kuin).

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy khẳng định: “Đa số hộ dân nhận sang nhượng trái phép, mở quán kinh doanh, chờ cơ hội đất được cấp sổ đỏ, tăng giá trị đất nhằm trục lợi về kinh tế".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết dứt điểm các trường hợp dựng nhà trái phép chờ đền bù tại dự án Hồ thủy lợi Đắk Gang