Quy định tại Điều 23 Luật Trọng tài thương mại 2010 về Chức năng của Trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.

Giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả thông qua phương thức trọng tài thương mại

31/03/2020, 11:33

Quy định tại Điều 23 Luật Trọng tài thương mại 2010 về Chức năng của Trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.

Trọng tài Thương mại là hình thức giải quyết những tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, gồm những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác, tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại giữa các bên (trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại), trừ trường hợp pháp luật quy định khác và các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Việc giải quyết tranh chấp giữa các Bên hoạt động thương mại được thực hiện bởi một bên thứ ba độc lập là Hội đồng trọng tài hoặc một trọng tài viên theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Hội đồng trọng tài hoặc Trọng tài viên giải quyết tranh chấp bằng việc ban hành một phán quyết. Phán quyết này có hiệu lực ràng buộc các bên tranh chấp và nếu các bên không tự nguyện thi hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự 2014.

Quy định tại điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, thì tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; hoặc các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Như vậy, chỉ các tranh chấp xảy ra trong các trường hợp nêu trên mới thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại.

Quy định tại khoản 1 điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”. Do đó điều kiện để một vụ tranh chấp được giải quyết bằng hình thức trọng tài thương mại chính là có sự thỏa thuận của các bên tranh chấp, trọng tài thương mại chỉ có thể giải quyết các tranh chấp thương mại nếu các bên có tranh chấp thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận này không thuộc vào các trường hợp vô hiệu theo quy định tại điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Mặt khác, theo quy định tại điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Do đó, Khi các bên đã thỏa thuận đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài, họ trao cho hội đồng trọng tài thẩm quyền giải quyết tranh chấp và phủ định thẩm quyền xét xử đó của tòa án trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc các bên hủy thỏa thuận trọng tài.

Thủ tục tố tụng trọng tài áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản, các bên tranh chấp có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp; thủ tục trọng tài không trải qua nhiều cấp xét xử, nên hạn chế tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Các Bên tranh chấp được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp, cho phép các bên lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về vấn đề tranh chấp, có uy tín trong ngành nghề trở thành trọng tài viên giải quyết tranh chấp của các bên, đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp (Tranh chấp Xây dựng, logistic, sở hữu trí tuệ, bảo hiểm, cổ phiếu, chứng khoán, mua bán sáp nhập doanh nghiệp…). Các Bên tranh chấp được quyền chọn Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp, được quyền chọn ngôn ngữ sử dụng trong giải quyết tranh chấp.

Tố tụng trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin cho toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp, phiên họp trọng tài giải quyết tranh chấp cũng được thực hiện không công khai. Giúp các bên tranh chấp có thể đảm bảo được thông tin doanh nghiệp, bí quyết nghề nghiệp, thông tin khách hàng, uy tín của mình trên thương trường. Ngày nay, tính bảo mật ngày càng được doanh nghiệp chú ý trong bối cảnh các vấn đề tài chính của doanh hiện nay rất nhạy cảm với các thông tin liên quan tới doanh nghiệp (Đặc biệt là với các công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán).

Thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước.

Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. Nếu thi hành trong lãnh thổ Việt Nam, phán quyết trọng tài có thể được đưa thẳng tới cơ quan thi hành án (Cục thi hành án dân sự) để được cưỡng chế thi hành; phán quyết trọng tài cũng có thể được cho công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.

Khi một trong các Bên tranh chấp gửi đơn khởi kiện (Nguyên đơn) đến Trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp, Bên bị kiện (Bị đơn ) có thể gửi đơn kiện ngược lại và các vụ kiện có thể được gộp lại trong một vụ giải quyết tranh chấp.

Trung tâm Trọng tài và Hội đồng Trọng tài do Trung tâm thành lập là hai thực thể khác nhau và giữ vai trò khác nhau trong quá trình tố tụng trọng tài. Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của hai thực thể này được qui định trong Luật TTTM 2010 và Qui tắc tố tụng của các Trung tâm trọng tài thương mại.

Quy định tại Điều 23 Luật Trọng tài thương mại 2010 về Chức năng của Trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.

Trung tâm trọng tài là tổ chức được thành lập nhằm đảm bảo và trợ giúp việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Mặc dù trung tâm trọng tài có chức năng quản lý, giám sát quá trình tố tụng trọng tài, nhưng trung tâm trọng tài không quyết định tranh chấp giữa các bên. Việc giải quyết tranh chấp là nhiệm vụ của hội đồng trọng tài đã được các bên lựa chọn cho tranh chấp cụ thể đó. Nhiệm vụ của trung tâm trọng tài là để hỗ trợ hội đồng trọng tài, xây dựng điều lệ và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài phù hợp với những quy định của Luật TTTM 2010; Xây dựng tiêu chuẩn Trọng tài viên và quy trình xét chọn, lập danh sách Trọng tài viên, xóa tên Trọng tài viên trong danh sách Trọng tài viên của tổ chức mình; Gửi danh sách Trọng tài viên và những thay đổi về danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp để công bố; Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài trong những trường hợp quy định tại Luật TTTM 2010; Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật; Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp; Thu phí trọng tài và các khoản hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động trọng tài (Quy định trong quy chế phí của từng Trung tâm, bao gồm quy chế chi trả thù lao cho Trọng tài viên, quy định miễn giảm phí trọng tài....); Trả thù lao và các chi phí khác cho Trọng tài viên; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên; Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Trung tâm trọng tài với Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động; Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Báo cáo thuế cho cơ quan thuế; Báo cáo về lao động cho cơ quan Lao động (trường hợp TTV nước ngoài hoạt động thường xuyên tại Việt Nam cần có giấy phép);

Thẩm quyền của Trung tâm trọng tài không chỉ xuất phát từ quy định của pháp luật, quy tắc và điều lệ của trung tâm trọng tài mà còn từ khi đơn khởi kiện được Trung tâm thụ lý. Trung tâm trọng tài có trách nhiệm thực hiện các chức năng như là xem xét về sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài dựa trên những bằng chứng ban đầu trong hồ sơ khởi kiện , hỗ trợ các bên lựa chọn, thay đổi trọng tài viên.

Như vậy Trung tâm trọng tài trọng tài không giải quyết tranh chấp, chỉ quản lý việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài phù hợp với quy tắc trọng tài của Trung tâm trọng tài, liên lạc với các trọng tài viên, các Bên tranh chấp và các đại diện ủy quyền của họ, theo dõi lịch trình và thời hạn để tống đạt, nộp hồ sơ, thu xếp cơ sở vật chất cho phiên họp và các vấn đề khác để tạo điều kiện cho việc tiến hành trọng tài diễn ra suôn sẻ.

Trung tâm trọng tài chỉ là cơ quan được ủy quyền để quản lý việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Quy tắc Trung tâm trọng tài, bao gồm cả việc kiểm tra và phê chuẩn phán quyết được ban hành phù hợp với quy tắc trọng tài.

Khi Nguyên đơn nộp đơn kiện, Trung tâm trọng tài sẽ nhận đơn khởi kiện nếu đơn khởi kiện thỏa mãn các nội dung tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 30 LTTTM. Việc xem xét liệu có thực sự tồn tại một thỏa thuận trọng tài hay không, thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không thực hiện được sẽ được Hội đồng trọng tài xem xét trong giai đoạn tố tụng. Trung tâm trọng tài không có thẩm quyền xem xét các vấn đề này khi thụ lý Đơn khởi kiện. Những liệt kê công việc của Trung tâm trọng tài và của Hội đồng trọng tài sẽ giúp các trọng tài viên phân định được việc gì Hội đồng trọng tài cần thực hiện, không được giao cho Ban Thư ký của Trung tâm trọng tài, những việc gì Trung tâm trọng tài phải thực hiện, những việc tuyệt đối không làm thay Hội đồng trọng tài.

Trung tâm trọng tài thực hiện các dịch vụ hành chính, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xử lý các vấn đề hành chính thay mặt Hội đồng trọng tài để hạn chế sự tiếp xúc giữa cá nhân trọng tài viên cũng như hội đồng với các bên. Điều này giúp tránh những nghi ngờ của các bên, của người thứ ba đối với tính vô tư, khách quan của Hội đồng trọng tài. Trung tâm không trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp mặc dù trong các phiên họp có sự có mặt của thành viên Ban thư ký của Trung tâm trọng tài với tư cách thư ký của Hội đồng trọng tài. Thư ký Hội đồng trọng tài cũng thực hiện các hoạt động thuần túy hành chính sự vụ. Vai trò của Trung tâm trọng tài chỉ giới hạn ở khía cạnh hành chính. Sự giám sát của Trung tâm trọng tài khác với sự giám sát trong nhiều thiết chế khác cũng là sự giám sát để giúp Hội đồng trọng tài tiến hành tố tụng đúng với thủ tục qui định.

Cá nhân mỗi trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài là người được các bên tin tưởng và giao trách nhiệm và quyền hạn để giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài hay trọng tài viên duy nhất là chủ thể tiến hành tố tụng trọng tài. Chính vì vậy, bất cứ công việc nào liên quan trực tiếp đến nội dung vụ kiện, với quyền và nghĩa vụ của các bên với tư cách là các bên trong tố tụng trọng tài cần phải được Hội đồng trọng tài quyết định. Điều các trọng tài viên phải luôn luôn tránh là giao cho Thư ký

hay Ban Thư ký của Trung tâm trọng tài thực hiện những công việc dễ mang tính chất tố tụng. Ban Thư ký của Trung tâm trọng tài làm nhiệm vụ hỗ trợ Hội đồng trọng tài nên khi giao hồ sơ cho các trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài (hoặc Trọng tài viên duy nhất) phải có danh sách hồ sơ để đảm bảo có đầy đủ hồ sơ cho các Trọng tài viên khi dự thảo phán quyết trọng tài. Thông thường thì các Trung tâm trọng tài giao cho Thư ký giúp sơ thảo phán quyết trọng tài vì Thư ký nắm vững hình thức, cấu trúc của phán quyết và nội dung của vụ kiện do tham gia ngay từ đầu, là thành phần của Hội đồng trọng tài.

Để tránh những sai sót trong việc tiến hành tố tụng, Hội đồng Trọng tài hay trọng tài viên duy nhất cần phải hiểu rằng họ là chủ thể tiến hành tố tụng, còn Ban thư ký Trung tâm trọng tài hay thành viên của Ban Thư ký trong thành phần Hội đồng trọng tài là những người hỗ trợ Hội đồng trọng tài thực hiện các hoạt động thuần túy dịch vụ hành chính, kỹ thuật. Trong thực tiễn, ranh giới giữa hoạt động này của Ban Thư ký với một số hoạt động của Hội đồng trọng tài là rất dễ bị nhầm lẫn. Trung tâm trọng tài cần căn cứ trên quy chế hoạt động của Trung tâm trọng tài và Hội đồng trọng tài để hoạt động tố tụng được hiệu quả. (Nếu có mô tả công việc cụ thể hoặc Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 là tốt nhất).

Hội đồng trọng tài không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân. Hội đồng trọng tài chỉ được thành lập cho mỗi vụ việc tranh chấp, thông thường chỉ được hình thành sau khi quá trình lựa chọn trọng tài viên của các Bên tranh chấp, Trọng tài viên do các Bên tranh chấp chọn để giải quyết tranh chấp sẽ bầu ra Chủ tịch Hội đồng trọng tài (Nếu các Bên tranh chấp không có thỏa thuận nào khác). Hội đồng trọng tài được thực hiện và được trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cụ thể mà các bên tin cậy giao phó.

Thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của hội đồng trọng tài xuất phát từ sự thống nhất ý chí của các bên và dựa vào luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài, luật nơi giải quyết tranh chấp, và luật nơi công nhận và thi hành phán quyết trọng tài đối với các phán quyết có yếu tố nước ngoài.

Trước khi tiến hành giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ họp xem xét toàn bộ vụ tranh chấp.

Quy định tại Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010 “ Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

1. Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.

2. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm xem xét, quyết định.

3. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài khác; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.

4. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.

5. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.”.

Sau khi xem xét đầy đủ nội dung và hình thức vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ ra Quyết định mở phiên họp giải quyết tranh chấp.

Hội đồng trọng tài tiến hành tố tụng trọng tài một cách hợp lý, quyết định luật áp dụng và địa điểm giải quyết tranh chấp, quyết định về ngôn ngữ của trọng tài, thu thập tài liệu, chứng cứ, yêu cầu người làm chứng (Nếu cần thiết), xác nhận lời khai của người làm chứng, kiểm tra các vấn đề của vụ tranh chấp, chỉ định chuyên gia, ap dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu xếp đảm bảo tài chính cho chi phí trọng tài…..

Nếu không đồng ý với Quyết định của Hội đồng trọng tài, các Bên có thể khiếu nại, quy định tại Điều 44 Luật Trọng tài thương mại về “ Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

1. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 43 của Luật này, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho Hội đồng trọng tài.

2. Đơn khiếu nại phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;

b) Tên và địa chỉ của bên khiếu nại;

c) Nội dung yêu cầu.

3. Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao đơn khởi kiện, thoả thuận trọng tài, quyết định của Hội đồng trọng tài. Trường hợp giấy tờ kèm theo bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và được chứng thực hợp lệ.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định. Quyết định của Toà án là cuối cùng.

5. Trong khi Tòa án giải quyết đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp.

6. Trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Nếu không có thoả thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Toà án. Thời hiệu khởi kiện ra Toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.”

Trước khi tiến hành tố tụng, Hội đồng trọng tài tiến hành họp với nội dung sau:

Xác định các vấn đề yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết trong vụ kiện; Xem xét và quyết định về địa điểm giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, luật nội dung áp dụng cho giải quyết nội dung tranh chấp; Xác định thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện, xác định tư cách của các bên; Giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của Quy tắc tố tụng trọng tài. Nếu không có quy định cụ thể trong Luật trọng tài hay Quy tắc tố tụng của Trung tâm thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định về việc tiến hành tố tụng sau khi tham vấn các bên; Thiết lập một thời gian biểu cho tố tụng trọng tài, ấn định ra các thời hạn tố tụng cụ thể; Ban hành các yêu cầu về mặt tố tụng: yêu cầu về hình thức các văn bản, tài liệu trao đổi được đệ trình; các yêu cầu về hình thức, phương thức đánh giá và thu thập chứng cứ, lời khai của nhân chứng, ý kiến của chuyên gia; cách thức tiến hành phiên họp, yêu cầu đối với vấn đề biên dịch phiên dịch các tài liệu; Cách thức gửi tài liệu và thông báo cho các bên tranh chấp; Ban hành các quyết định về các vấn đề dưới dạng phán quyết một phần hoặc từng phần, quyết định về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời....

Việc xác định các vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho tố tụng trọng tài diễn ra thuận lợi, phù hợp với Quy tắc tố tụng, giúp Hội đồng trọng tài (HĐTT) tránh việc vượt quá thẩm quyền.

Trong quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài và quy trình tố tụng trọng tài của HĐTT nói riêng, HĐTT giữ vai trò là chủ yếu. Có thể nói, hoạt động giải quyết tranh chấp tại phiên họp được xem là hoạt động quan trọng nhất. Thông qua phiên họp, các chức năng cơ bản của tố tụng trọng tài được bảo đảm thực hiện một cách rõ nét, độc lập, khách quan, minh bạch, công khai, dân chủ và bình đẳng. Hoạt động giải quyết tranh chấp cũng chính là việc kiểm tra công khai tính đúng đắn của các hoạt động trước đó của mọi tài liệu chứng cứ của vụ tranh chấp do các Bên thu thập trong quá trình tranh chấp đều được xem xét công khai một cách minh bạch tại phiên giải quyết tranh chấp, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được nghe trực tiếp lời trình bày của nhau, được tranh luận chất vấn những điều mà khi đã xảy ra tranh chấp họ không có điều kiện thực hiện.

Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, kỹ năng điều khiển phần tranh tụng là hết sức quan trọng đòi hỏi Hội đồng trọng tài, mà ở đây là vai trò của Chủ tịch HĐTT chủ tọa phiên giải quyết tranh chấp, phải tập trung trí tuệ, xử lý các tình huống một cách mau lẹ, các lý lẽ đưa ra không chỉ đòi hỏi sự chính xác mà phải có sức thuyết phục, nhưng đồng thời lại phải tuân theo những quy định của pháp luật.

Hoạt động tranh tụng tại phiên họp diễn ra dưới sự điều khiển của chủ tịch HĐTT. Để làm tốt vấn đề này, phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng điều hành phần tranh tụng của Chủ tịch HĐTT. Chủ tịch HĐTT có quyền yêu cầu các bên tiến hành tranh tụng hoặc chấm dứt tranh tụng, điều chỉnh nội dung cũng như phương pháp tranh tụng cho phù hợp với qui định của pháp luật để làm rõ các vấn đề của vụ tranh chấp thông qua ý kiến của các bên tham gia tranh tụng.

Mục tiêu của hoạt động tranh tụng là nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ tranh chấp. Sự thật khách quan này bao gồm sự thật như nó đã diễn ra trên thực tế và được nhìn nhận, đánh giá dưới góc độ pháp lý, dựa trên đối tượng của hoạt động tranh tụng là các quan điểm, luận cứ và luận chứng của các bên đưa ra trong việc giải quyết vụ tranh chấp bao gồm chứng cứ chứng minh lợi ích bị tổn thất và chứng cứ bảo vệ để từ đó khẳng định quan điểm của mình, bác bỏ quan điểm hoặc thừa nhận quan điểm của bên tranh tụng đối lập trong việc buộc đền bù hoặc bác bỏ, để từ đó làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ tranh chấp.

Phán quyết, quyết định của Hôi đồng Trọng tài căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên họp giải quyết tranh chấp.

Khi có ý kiến khác nhau về luận cứ, quan điểm pháp luật, Trọng tài viên có thể ghi ý kiến của mình vào Biên bản cuộc họp HĐTT trước khi ban hành phán quyết. Trường hợp không thống nhất ý kiến được thì ý kiến của Chủ tịch HĐTT là quyết định.

Để hỗ trợ các Trung tâm trọng tài ngày càng hoạt động hiệu quả, Hội trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các Trọng tài viên về kỹ năng điều hành Trung tâm trọng tài ( Phối hợp với Sở Tư Pháp TP.HCM, Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM), Kỹ năng Trọng tài viên ( Phối hợp với Hiệp hội Luật Sư California, CLA, Hoa Kỳ), các cuộc hội thảo về nâng cao kỹ năng Trọng tài viên, các cuộc họp phối hợp hoạt động giữa Tòa án, Cục thi hành án dân sự, Sở tư pháp TP.HCM, Hội trọng tài thương mại TP.HCM.

Thực hiện tốt Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức Trọng tài thương mại, hòa giải thương mại”. Hội trọng tài thương mại sẽ tiếp tục tuyên truyền về Trọng tài thương mại, tổ chức các buổi tập huấn cho các Trọng tài viên, Phối hợp với các cơ quan liên quan (Tòa án, Viện kiểm sát, Cục thi hành án dân sự, Sở tư pháp...) để hoạt động trọng tài thương mại ngày càng hiệu quả góp phần phát triển kinh doanh thương mại đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Th.s Vũ Trọng Khang, Tổng thư ký Hội Trọng Tài Thương Mại TP.HCM (HCCAA).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả thông qua phương thức trọng tài thương mại