Hội đồng thẩm định nhà nước vừa hoàn tất việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khẳng định báo cáo đủ điều kiện trình Thủ tướng phê duyệt.
Tổng mức đầu tư giảm 2.500 tỉ đồng
Theo đó, chủ đầu tư được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Cụ thể:
Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế… bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm tiến độ. Vốn đầu tư các công trình này khoảng 293,3 tỉ đồng.
Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay: chủ đầu tư là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), vốn đầu tư 3.176 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện: chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV); vốn đầu tư cần huy động là 93.088 tỉ đồng.
Dự án thành phần 4 - Các công trình dịch vụ: nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì lựa chọn, vốn cần huy động là 5.931 tỉ đồng.
Các dự án thành phần 2, 3 và 4 sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Mục tiêu đầu tư trong giai đoạn 1 là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, huớng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Giai đoạn 1 sân bay Long Thành được đầu tư 1 đường băng dài 4.000m, rộng 75m; 1 nhà ga hành khách 4 tầng tổng diện tích sàn khoảng 373.000m2 công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao 123m và các hạng mục phụ trợ… Xây 2 tuyến nối giao thông gồm: tuyến số 1 nối sân bay với quốc lộ 51, có 6 làn xe; tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành, có 4 làn xe.
Tiến độ thực hiện dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong 5 năm, từ 2020 - 2025.
Điểm đáng chú ý trong kết luận của Hội đồng thẩm định, tổng mức đầu tư dự án là 102,4 tỉ đồng, giảm hơn 2.500 tỉ đồng so với đề xuất ban đầu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Theo đó, trong Báo cáo FS Dự án do ACV lập và Bộ GTVT trình là hơn 111,6 nghìn tỉ đồng (tương đương hơn 4,7 tỉ USD) được lập theo các quy định của Nghị định 32/2015 của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 32/2015, dẫn đến phải điều chỉnh các nội dung chi phí thuộc tổng mức đầu tư dự án.
Kết quả thẩm tra lại, tổng mức đầu tư dự án được Tư vấn thẩm tra xác định theo Nghị định 32 là hơn 109.200 tỉ đồng (tương đương hơn 4,67 tỉ USD), giảm hơn 2.400 tỉ đồng (tương đương hơn 109 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nếu áp theo Nghị định 68, con số này là hơn 109.100 tỉ đồng (tương đương 4,67 tỉ USD), giảm hơn 2.500 tỉ đồng (tương đương 114,3 triệu USD).
Trong đó, chi phí xây dựng giảm 1.761 tỉ đồng, chi phí tư vấn, dự phòng, lãi vay giảm 1.525 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án cần bổ sung chi phí thuê đất, tăng mua sắm thiết bị cho sân bay...
Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho hay vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỉ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỉ đồng.
Qua xem xét Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31.12.2019, ACV có vốn chủ sở hữu là 36.757 tỉ đồng, nợ dài hạn là 14.900 tỉ đồng, trong đó đã đầu tư tài sản dài hạn là 20.884 tỉ đồng. Khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư dự án tại thời điểm ngày 31.12.2019 là 30.773 tỉ đồng.
Khoản vốn vay (hơn 56,9 nghìn tỉ đồng) dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế...
Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỉ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.
Khó hoàn thành vào cuối năm 2025
Theo kết luận của Hội đồng thẩm định, tiến độ thực hiện, các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư, phân kỳ đầu tư được nêu rõ trong báo cáo FS dự án. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2020 - 2025 phù hợp với mốc thời gian tối đa theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 94.
Mặc dù vậy, kết quả thẩm tra Liên danh tư vấn thẩm tra khuyến cáo dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian hoàn thiện báo cáo FS và thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, tổ chức thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu có thể kéo dài hơn so với dự kiến nên tiến độ dự kiến hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 là khó khăn.
Trên thực tế, ngay từ khâu thẩm định, trình duyệt dự án, tiến độ đã chậm khá nhiều so với yêu cầu của Chính phủ (yêu cầu từ tháng 3.2020 nhưng đến cuối tháng 9.2020 mới hoàn thành). Trong trường hợp được Chính phủ thông qua dự án vào tháng 10 này, các thủ tục chuẩn bị cho dự án giai đoạn 1 sẽ chậm gần 6 - 7 tháng so với yêu cầu.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng quy mô dự án là thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000 ha để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 364,21 ha để xây dựng 2 khu tái định cư. Tổng mức đầu tư là 22.856 tỉ đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai được giao số vốn 18.195 tỉ đồng trong giai đoạn 2018-2020 để triển khai Dự án GPMB. Tuy nhiên, lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến nay là 2.654 tỉ đồng (đạt 14,6%).
Hiện nay, đối với diện tích ưu tiên thu hồi để xây dựng sân bay giai đoạn 1 (1.810 ha), UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã hoàn thành công tác kiểm đếm 630 ha của 1.007 hộ gia đình. Trong đó, 500 hộ đã được bồi thường, hỗ trợ với số tiền 757 tỉ đồng. Còn lại 507 hồ sơ tiếp tục xác nhận nguồn gốc, dự kiến sẽ phê duyệt trong tháng 10.2020.
Phần đất ưu tiên còn lại là 1.180/1.810 ha của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, dự kiến bàn giao trong tháng 10.2020.
Đối với phần diện tích còn lại của dự án (3.190 ha) gồm có đất của cá nhân và tổ chức, tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương đã hoàn thành kiểm đếm 2.406 hộ gia đình, cá nhân với 1.514 ha đất. Còn lại 1.882 hộ gia đình, cá nhân với trên 921 ha đất, dự kiến hoàn thành kiểm đếm trước ngày 30.9 và phê duyệt phương án bồi thường trong năm 2020.