GS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu hàng loạt khó khăn của ngành y và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tạo hành lang pháp lý chuẩn để nhân viên y tế… tự tin khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Giám đốc BV Bạch Mai 'than' khó trăm bề, mong có pháp lý chuẩn để nhân viên y tế tự tin chữa bệnh

Lam Thanh | 23/02/2023, 11:48

GS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu hàng loạt khó khăn của ngành y và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tạo hành lang pháp lý chuẩn để nhân viên y tế… tự tin khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Khó khăn cũ chưa qua, khó khăn mới lại tới

Tại tọa đàm “Ngành y vượt khó” ngày 23.2 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu hàng loạt khó khăn của ngành y tế hiện nay.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế chưa được khắc phục; tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tay nghề cao; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để; ngân sách nhà nước chi cho y tế, bảo hiểm y tế có tăng nhưng tổng chi bình quân cho đầu người vẫn còn thấp. Đặc biệt, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho công tác khám chữa bệnh vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 43% tổng chi y tế.

GS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu hàng loạt khó khăn của bệnh viện. Ông Cơ đề cập đến khó khăn từ giá viện phí khi bệnh viện được tự chủ toàn diện nhưng thực tế giá viện phí vẫn tuân thủ quy định của luật pháp hiện hành.

Theo ông Cơ, hiện tại Việt Nam chỉ có một quy định về giá khám chữa bệnh bằng giá của bảo hiểm y tế. Với Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân mỗi ngày lên tới 8.000-10.000 người. Số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày. Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang được thu bằng giá của bảo hiểm y tế.

“Hiện tại bệnh viện vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ, Bộ Y tế về việc phân nhóm tự chủ. Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện tự chủ hơn 10 năm nay như giai đoạn 2016-2019 thực hiện tự chủ theo Nghị định 43, tức là chỉ tự chủ chi thường xuyên và từ năm 2020 đến nay, tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Mặc dù đã có công văn của Chính phủ dừng nhưng hiện tại chúng tôi vẫn đang chờ đợi Bộ Y tế và Chính phủ phân nhóm để tiếp tục thực hiện theo nguyện vọng của Bệnh viện Bạch Mai”, ông Cơ nói.

co-2.jpg
Các khách mời tại tọa đàm “Ngành y vượt khó” ngày 23.2 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức

Ngoài ra, ông Cơ cũng cho biết Bệnh viện Bạch Mai vô cùng khó khăn về tài chính. Hiện tại, bệnh viện đã phải sử dụng nguồn ngân sách, tức là nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm được trong hơn 10 năm qua để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh… nhưng không được đầu tư hạ tầng

Cũng theo ông Đào Xuân Cơ, bệnh viện đã trải qua 2 cuộc chiến tranh và trong nhiều năm, nhất là trong 3 năm qua, không được đầu tư về xây dựng nhà cửa cũng như mua sắm thiết bị.

“Ba năm qua chúng tôi tự chủ toàn diện, do vậy các tòa nhà xuống cấp hết sức trầm trọng. Hôm trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đoàn cán bộ đã xuống thăm bệnh viện và rất chia sẻ. Các tòa nhà trải qua 2 cuộc chiến tranh xuống cấp trầm trọng, không thể khắc phục, duy tu bảo dưỡng được nữa. Thậm chí chúng tôi đang khẩn cấp xin Chính phủ, Bộ Y tế đầu tư khẩn cấp để nâng cấp các tòa nhà này vì không đảm bảo công tác khám chữa bệnh nữa”, ông Cơ nêu.

Về mặt thiết bị y tế, ông Cơ cho rằng “có thể nói đây là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay”.

“Khi các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất tín nhiệm Bệnh viện Bạch Mai và người dân chuyển lên bệnh viện rất nhiều. Ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Điều này không giống như mọi năm thường bước vào quý 2 hoặc tháng 2, tháng 3 âm lịch thì số lượng bệnh nhân mới đông. Nhưng năm nay số lượng bệnh nhân tăng đột biến ngay từ mùng 6 Tết. Sau khi đi làm ngày đầu tiên, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú đã là 6.000 bệnh nhân”, ông Cơ nêu.

Do vậy, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh đang thiếu trầm trọng. Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và đang chờ các thông tư mới, quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được.

co.jpg
GS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

“Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì bệnh viện không có nguồn ngân sách nào. Do vậy chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, ông Cơ nói.

Cần hành lang pháp lý chuẩn để… tự tin khám bệnh

GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết rất vui khi Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.1.2024. Trong nội dung có rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh.

“Tuy nhiên, tôi được biết, ý định của ban soạn thảo cũng như Quốc hội muốn đây là luật mở và có tác dụng lâu dài, không quy định lĩnh vực cụ thể. Do vậy, nhiều điều luật ghi "Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều luật này", nghĩa là chúng ta cần có những văn bản dưới luật như nghị định, thông tư cụ thể hóa để luật đi vào cuộc sống.

Thời gian còn lại thì ngắn, chúng ta chỉ còn chưa đến 10 tháng để có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện Luật Khám chữa bệnh này. Tôi rất mong có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản, nghị định, thông tư để từ 1.1.2024, luật sẽ đi vào cuộc sống. Từ đó, giúp các thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở y tế trong toàn quốc có hành lang pháp lý chuẩn mực để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình”, ông Giang nêu.

Ông Đào Xuân Cơ cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng “bên cạnh việc cung cấp nguồn ngân sách thì cái chính là cơ chế. Chúng ta vướng cơ chế và vướng các văn bản pháp quy. Chúng tôi cũng mong rằng các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp cho ngành y tế, các bệnh viện có các văn bản pháp quy hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để chúng tôi tự tin khám chữa bệnh cho người bệnh”, ông Cơ nói.

Bài liên quan
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phát triển dược liệu đang nhận được rất nhiều sự quan tâm
Phát triển dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc BV Bạch Mai 'than' khó trăm bề, mong có pháp lý chuẩn để nhân viên y tế tự tin chữa bệnh