Ngày 5.7, Giáo hoàng Francis đã lên tiếng chỉ trích các nước cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho các bên tham chiến tại Syria, gây ra cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua.
Trong video được gửi đến hội nghị của một nhóm từ thiện ở Syria vào ngày 5.7 (theo giờ địa phương), Giáo hoàng Francis đã chỉ trích những nước cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho các bên trong cuộc xung đột tại Syria. Trong khi quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad nhận nhiều sự hỗ trợ khác nhau từ Nga và Iran, lực lượng nổi dậy cũng có sự ủng hộ từ các nước trong khu vực và phương Tây.
“Trong khi người dân Syria đang chịu nhiều ảnh hưởng do cuộc xung đột gây ra, các nước hiện dùng một lượng lớn tiền để cung cấp vũ khí cho những nhóm vũ trang thay vì cải thiện cuộc sống cho người dân. Một số nước vẫn thường lên tiếng kêu gọi tái lập hòa bình tại quốc gia Trung Đông này, nhưng lại hành động ngược với những tuyên bố”, Giáo hoàng nhấn mạnh.
Giáo hoàng Francis nói thêm rằng: “Làm sao chúng ta có thể tin tưởng một ai đó giúp đỡ mình bằng tay phải nhưng lại tấn công bằng tay trái?”.
Trong một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) được công bố vào ngày 5.7, nhóm nhân quyền có trụ sở tại London đã lên án các bên trong cuộc xung đột của Syria và cho rằng một số nhóm vũ trang nổi dậy đã vi phạm tội ác chiến tranh. Trong đó bao gồm 5 nhóm phiến quân đang hoạt động tại miền bắc Syria làlực lượng Al-Qaeda Al-Nusra Front, Ahrar al-Sham, Nureddin Zinki, Levant Front và Divison 16.
Các nhóm vũ trang đã tiến hành các cuộc bắt cóc và tra tấn những luật sư, nhà báo hay trẻ em lên tiếng chỉ trích hoạt động của nhóm. Philip Luther, người đứng đầu hoạt động của AI tại Trung Đông và Bắc Phicho biết: “Nhiều người dân đang sống trong sự lo sợ khi họ chỉ trích các hoạt động hay không tuân thủ những quy định mà các nhóm vũ trangáp đặt trong khu vực nằm dưới kiểm soát của lực lượng nổi dậy”.
Theo báo cáo của AI, có ít nhất 24 vụ bắt cóc do các nhóm vũ trang chống chính phủ gây ra từ năm 2012-2016 và 5 vụ tra tấn các nạn nhân. Tại thành phố Aleppo, phiến quân Nureddin Zinki đã bắt giữ Halim, một nhân viên cứu trợ nhân đạo, và tra tấn cho đến khi người này thú nhận một tội ác không có thật.
“Khi tôi từ chối ký vào giấy xác nhận tội trạng, một số người đã ra lệnh tra tấn tôi. Sau đó các tay súng bắt đầu đánh tôi bằng dây cáp, khiến tôi phải đồng ý thừa nhận tội trạng của mình vì quá đau đớn”, ông Halim kể lại với hãng tin Haaretz.
Hàn Giang