Các cơ quan, ban ngành cần phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, như có chính sách ưu đãi, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ.
Sáng 28.9 tại Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (VST) tổ chức hội nghị thường niên và hội thảo “Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.
Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận về giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh rằng hiện nay khoa học công nghệ đã trở thành lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Các thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn đạt những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo động lực thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển vượt bậc mang lại những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để các doanh nghiệp công nghệ thực sự “cất cánh”.
Tiềm năng nhưng vẫn khó phát triển
Theo con số thống kê được đưa ra tại hội nghị, tính đến hết năm 2022, cả nước có 712 doanh nghiệp khoa học công nghệ được công nhận trên tổng số 3.000 doanh nghiệp tiềm năng.
Đa số các doanh nghiệp đang hoạt động phát triển sản xuất tốt, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong Top 500 có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao vai trò của hiệp hội trong thời gian qua đã tập hợp, huy động được nhiều doanh nghiệp tiêu biểu tham gia, trong đó có những doanh nghiệp “đầu đàn” trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Theo Chủ tịch VST, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, những thành tựu nói trên ghi nhận sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học công nghệ với tỷ lệ đầu tư và năng suất hoạt động khoa học công nghệ khá cao.
Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường của nhiều doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn hạn chế dẫn đến không đạt hiệu quả trong kinh doanh cao và việc tái đầu tư theo yêu cầu.
Mặt khác, việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến việc phát triển khoa học công nghệ còn khiêm tốn, các doanh nghiệp chưa xem trọng khoa học công nghệ là nền tảng cốt lõi trong kinh doanh. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa có hướng đi đúng đắn.
Nhấn mạnh đến Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ, ông Hoàng Đức Thảo cho rằng sự ra đời của nghị định là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa học công nghệ với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng...
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nghị định này, kết quả mang lại cho các doanh nghiệp còn rất hạn chế cũng như nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo phản ánh các doanh nghiệp VST, hiện chưa có cơ chế thiết thực để bảo hộ thị trường, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới. Cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ban hành chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời.
Cơ chế nào thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ
Trước thực trạng này, ông Hoàng Đức Thảo kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo.
Các tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ tăng cường phối hợp với các sở địa phương tổ chức, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13, bảo đảm các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ nghị định này.
Bộ Khoa học - Công nghệ cũng xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước.
Bộ cần tạo điều kiện cho VST được hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực khoa học công nghệ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam.
Theo ThS Phan Thị Mỹ Yến - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VST, hiệp hội rất mong các cơ quan ban ngành phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam; trong đó có chính sách ưu đãi, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, cơ chế xét duyệt cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, từ đó khích lệ các doanh nghiệp xem khoa học công nghệ tích cực đầu tư, nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm, công nghệ đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Hiệp hội cũng kỳ vọng các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nêu ý kiến, quan điểm, "gõ cửa" các bộ ngành nhằm kêu gọi sự hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến đầu tư nghiên cứu, chính sách phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo ông Trần Xuân Đích - Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ), thời gian qua Nhà nước đã ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm khoa học công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước…
Về kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ năm 2023-2025, ông Đích cho biết hiện Bộ Khoa học - Công nghệ đang lập đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Khoa học công nghệ.
Bộ sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ một cách cụ thể và rõ ràng kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ đồng thời hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Mặt khác, cơ quan này cũng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.