Cớ sao bộ phim "Call me by your name" thơ đến thế? Bởi nguyên tác của nó đã quá đỗi nên thơ, nên thơ như một bài sonnet dài của Shakespeare bất tử.

‘Gọi em bằng tên anh’: Tạm biệt giấc mộng đêm hè

Chí Thiện | 27/12/2017, 16:23

Cớ sao bộ phim "Call me by your name" thơ đến thế? Bởi nguyên tác của nó đã quá đỗi nên thơ, nên thơ như một bài sonnet dài của Shakespeare bất tử.

Nước Ý những năm 1980. Oliver, một chàng sinh viên 24 tuổi mặc áo sơ mi màu xanh nhạt, cổ áo phanh rộng, tay áo sắn cao, đeo kính râm, đội nón rơm, bước vào mùa hè của cậu thiếu niên Elio 17 tuổi, rồi khi mùa hè đi qua, chàng sinh viên ấy cũng bước ra.

Mùa hè tươi đẹp

Khỏi phải nói, mùa hè ấy, họ yêu nhau. Yêu nhau theo cái cách thi sĩ Xuân Diệu từng giục giã: "Mau với chứ vội vàng lên với chứ / Em, em ơi tình non đã già rồi… gấp đi em anh rất sợ ngày mai". Họ sốt sắng lao vào nhau vì chao ôi, mùa hè quá đỗi ngắn ngủi. Không hiểu vì sao, dù mùa hè cũng dài như mùa đông, nhưng người ta luôn nghĩ, mùa đông thì dài, mùa hè thì ngắn. Những cuộc tình mùa hè vì thế cũng chỉ như những đoản khúc chông chênh.

Bìa sách Gọi em bằng tên anh

Mùa hè quá ngắn để cậu thiếu niên 17 tuổi và chàng sinh viên 24 tuổi có thể làm gì nhiều hơn ngoài việc ngồi bên nhau nơi một chiếc bàn gỗ, dưới chiếc ô nghiêng không đủ che cái nắng chói chang của miền Nam Âu, uống những ly nước chanh mát rượi, và cùng đi câu cá, cùng đạp xe, cùng tranh luận về những nhà soạn nhạc, vồn vã hôn nhau, vồn vã làm tình, rồi những buổi chiều cùng nằm trên giường trong bộ dạng khỏa thân, nhìn ra triền đồi ngập hướng dương cùng những giàn nho trĩu quả, mở toang cửa sổ tràn ánh sáng, bởi vì "...đó là một tội ác khi ngăn ánh sáng chiếu vào (...) nhất là khi em không thể có nó suốt đời".

Không thể có nó suốt đời, cho nên hai chàng trai ấy vội vàng ngấu nghiến nắng, ngấu nghiến mùa hè, và ngấu nghiến tình yêu. "Hãy để mùa hè đừng bao giờ kết thúc, hãy để anh ấy đừng bao giờ ra đi, hãy để tiếng nhạc cứ vang lên mãi mãi", Elio thầm cầu nguyện, nhưng mùa hè sẽ kết thúc, Oliver sẽ ra đi, để rồi ‘những hẹn hò từ nay khép lại’, và nơi Elio ngẩng lên để thấy anh ấy lúc này, một ngày kia, cậu sẽ ngẩng lên và anh không còn ở đó. Tất cả hóa ra cũng chỉ là một giấc mộng đêm hè.

Tạm biệt, giấc mộng đêm hè

Một cảnh phim Call me by your name chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên

“- Khoảnh khắc đẹp nhất của em?

- Đêm đầu tiên là thứ em nhớ nhất, […] Và cả Rome.”

- Khoảnh khắc đẹp nhất của em?

- Đêm đầu tiên là thứ em nhớ nhất, […] Và cả Rome.

Đó là đoạn hội thoại gần cuối tác phẩm của cặp tình nhân mùa hè năm nào, sau hai mươi năm xa cách. Hai mươi năm.

Gọi em bằng tên anh là một tổ khúc mà khúc thứ nhất là cảm thức mùa hè nước Ý như một lễ hội yêu đương mà Cesare Pavese đã viết trong La bella estate (Mùa hè tươi đẹp).

Khúc thứ hai là sự si mê say đắm theo lối Shakespeare nơi những bài sonnet ông viết cho chàng thiếu niên Fair Youth. Khúc thứ ba thấm đượm nỗi ám ảnh đầy ảo giác của Thomas Mann trong Chết ở Venice. Khúc thứ tư thấp thoáng cái khát khao phóng túng lộ liễu của những thị dân Italia thời trung cổ mà Boccacio, tác giả của Decameron, từng mô tả.

Khúc cuối cùng, khúc quan trọng nhất, là cái chuỗi ký ức dài dằng dặc theo kiểu Proust. Và xét cho cùng, Gọi em bằng tên anh là một dạng tiểu thuyết Proustian, một cuốn tiểu thuyết đậm chất Proust và Đi tìm thời gian đã mất.

Cũng như với Đi tìm thời gian đã mất của Proust, hãy đừng chỉ đọc Gọi em bằng tên anh bằng mắt, sẽ phí hoài lắm đấy! Thi thoảng, hãy dừng lại, hay đọc thật to thành tiếng những câu văn trùng trùng điệp điệp, vần như thơ, để cho những sợi dây hồi niệm trải dài ra vô cực.

Trong một bài viết của mình, chính André Aciman, tác giả cuốn sách này, từng khẳng định: "Có hai loại tiểu thuyết gia: loại giống con sên và loại giống con én". Aciman tự nhận cùng một giuộc với Proust, cùng giống con sên. Họ cứ bò chậm chạp về hướng của ký ức, không phải họ không hành động, họ có hành động, nhưng tất cả những hành động của họ đều nằm ở thì quá khứ, còn ở hiện tại, họ chỉ nhắm mắt lại, và hoài niệm. Còn khi mở mắt, mọi cái hiện hữu trước mắt họ đơn giản là di tích của quá khứ đã làm nên họ.

Trên dòng sông hồi tưởng của Elio, những totem ký ức trôi dạt lềnh bềnh: chiếc áo sơ mi xanh, một tấm bưu thiệp in hình cái gò mà Monet từng ký họa, chiếc giường nơi thấm dẫm mùi mồ hôi của cả hai người, rồi cái sân quần, cái bể bơi, căn nhà, khu vườn, tất cả, cả cái thành phố Rome nơi họ đã có ba ngày cho mãi mãi, cả nó nữa cũng là một totem ký ức.

Mỗi lần trở lại thành Rome, Elio lại tới nơi mà nhiều năm về trước, khi anh là một cậu thiếu niên 17 tuổi, nôn thốc nôn tháo vì uống say, và rồi người anh yêu sẽ ghì lấy anh, hôn lên môi anh, một chân anh quấn lấy chân người ấy, buông trôi tất cả, và anh nghĩ mình có thể dành cả đời mình chỉ đứng yên trong tư thế đó.

Thì cứ khép lại giấc mộng tình nho nhỏ, nhưng tình nhỏ đâu có nghĩa là tình dễ quên?

Tình nhỏ đâu dễ quên

Trên mặt sau của tấm bưu thiếp in hình cái gò nơi Monet ký họa, cũng là nơi họ trao nhau chiếc hôn đầu, Oliver viết: Cor Cordium.

Cor Cordium là một cụm từ tiếng Latin, dịch ra nghĩa là “trái tim của những trái tim”. Một điều tác giả không nói ra, nhưng những người yêu văn chương Anh thời trung đại đều biết, Cor Cordium là những chữ được khắc trên bia mộ của thi sĩ Percy Shelley, một trong những tượng đài của phong trào Lãng Mạn châu Âu. Nhưng không chỉ vậy, khi Shelley qua đời, toàn bộ cơ thể ông được hỏa thiêu, trừ trái tim của ông, và đó là thứ duy nhất còn nguyên vẹn.

Mối tình mùa hè đã bị hỏa thiêu, nhưng trái tim mùa hè vẫn đập, vẫn đập gấp gáp như những ngày hai đôi chân dạo bước khắp thành Rome, nhập bọn với một ban nhạc rong, nghêu ngao hát hết ca khúc này đến ca khúc kia không nghỉ, hát cho đến khi bình minh tới.

Bìa cuốn Call me by your name nguyên tác tiếng Anh

Oliver, sau hai mươi năm, sau khi đã trở thành người mà anh muốn trở thành, cuối cùng vẫn nói với Elio rằng, mọi chuyện, anh vẫn còn nhớ hết. Cuộc đời con người giống như một bầu trời, tình lớn như những vì sao vĩnh hằng, tình nhỏ chỉ là một cơn mưa sao băng thoáng chốc, ngày nào người ta cũng ngắm sao, nhưng cơn mưa sao băng luôn là phong cảnh đẹp nhất trong ký ức.

Nhớ đến Núi Brokeback, Ennis và Jack cũng làm gì có nhiều hơn một mùa hè để chăn cừu, để say sưa ăn bữa tối bên đống lửa và huyên thuyên về tấn trò đời, một mùa hè duy nhất, không hơn. Nhớ đến Chết ở Venice, giữa một thành phố Venice rực rỡ đê mê, người văn sĩ nổi tiếng cũng đột ngột bị hớp hồn bởi một thiếu niên Ba Lan xinh đẹp.

Và như Oscar Wilde từng viết: “Điểm khác nhau duy nhất giữa một niềm đam mê nhất thời và một niềm đam mê suốt đời, đó là niềm đam mê nhất thời bao giờ cũng kéo dài lâu hơn.”.

Mùa hè đã qua, Elio và Oliver đã đi ra khỏi cuộc đời nhau, đã ra khỏi căn nhà của nhau, nhưng trong trái tim vẫn còn nán lại. Mà trái tim sẽ không bao giờ bị hỏa thiêu trên giàn lửa.

Cho nên thiên thu đôi khi chỉ nằm trong một khắc.

Gọi em bằng tên anh (Call me by your name) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Mỹ André Aciman. Câu chuyện về mối tình đồng tính nên thơ đã được chuyển thể thành phim cùng tên năm 2017 và trở thành một trong những bộ phim được dự đoán sẽ thắng lớn tại Oscar năm nay

Theo Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Gọi em bằng tên anh’: Tạm biệt giấc mộng đêm hè