"Những người muốn khởi nghiệp phải được trang bị tinh thần làm đến cùng. Công việc họ làm phải có đích thì mới có giá trị. Những sự cố gắng nửa vời thường chẳng giải quyết được việc gì" - GS Võ Tòng Xuân.

GS Võ Tòng Xuân: 'Tôi rất mong Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên sẽ đi thêm bước nữa'

trungnguyen | 15/10/2019, 12:02

"Những người muốn khởi nghiệp phải được trang bị tinh thần làm đến cùng. Công việc họ làm phải có đích thì mới có giá trị. Những sự cố gắng nửa vời thường chẳng giải quyết được việc gì" - GS Võ Tòng Xuân.

GS Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa - sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước. Cả đời GS Võ Tòng Xuân dành rất nhiều tâm huyết với nhiều nghiên cứu chuyên sâu và cả những phát ngôn rất thẳng thắn, táo bạo để bảo vệ lợi ích của người dân vùng sông nước Cửu Long.

Theo chân Hành trình Từ Trái Tim đến với Cần Thơ, tôi may mắn có dịp được trò chuyện với GS Võ Tòng Xuân, xoay quanh một câu chuyện có lẽ đang rất "thời sự" nơi đây: KHỞI NGHIỆP. Bởi, sau khi đi qua tất cả tỉnh ĐBSCL, giao lưu gặp gỡ từ các cấp lãnh đạo chính quyền, trường học đến học sinh, sinh viên, đoàn Hành trình Từ Trái Tim vô cùng ấn tượng về tinh thần khởi nghiệp kiến quốc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay miền Tây vẫn còn rất nghèo - như lời thừa nhận của chính những đại diện mà tôi đã gặp và giao lưu.

* Đọc lại bài 1:

GS Võ Tòng Xuân: Những điều Đặng Lê Nguyên Vũ làm rất cao cả; giáo dục VN đang quá yếu kém!

4 sự hụt hẫng của thanh niên Việt Nam và bài học từ Israel, Nhật Bản

Trương Thu Hường: Người ta thường nói, đất nước muốn thành công, kiến tạo giá trị tốt đẹp, thì phải dựa trên nền tảng dân trí vững chắc. Nhưng nền giáo dục Việt Nam, như ông nói ở trên, lại tạo ra đầy rẫy sự hụt hẫng cho giới trẻ bởi chỉ chăm chăm phục vụ, hướng vào các kỳ thi. Về vấn đề này, ông có thể phân tích kỹ hơn và qua đó, người Việt cần học hỏi điều gì ở các nước phát triển?

GS Võ Tòng Xuân: Sự hụt hẫng đầu tiên là nền giáo dục hiện nay bị ràng buộc bởi quá nhiều quy chế, trong khi nội dung kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp lại quá hời hợt, nên phần đông sinh viên Việt Nam nói riêng và giới trẻ nước ta nói chung không có khả năng nhạy bén về nhu cầu của xã hội, của các tầng lớp nhân dân - mà đông nhất là tầng lớp nông dân.

Đại đa số dân mình còn là nông dân, nên nhu cầu về sản xuất nguyên liệu an toàn vệ sinh, nhu cầu chế biến hàng tiêu dùng, nhu cầu xuất khẩu, phân phối bán hàng khắp nơi trong nước... rất lớn. Thế nhưng, thanh niên Việt nhìn chung còn chậm bắt nhịp với những nhu cầu này.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, thanh niên Việt đang có nhiều sự hụt hẫng, nhất là về tri thức

Muốn giải quyết vấn đề này, thanh niên Việt Nam cần phải có tri thức, khoa học kỹ thuật được học hành, đào tạo rất bài bản, từ trường Trung học, CĐ dạy nghề cho tới các trường ĐH. Nhưng nhiều nhà trường không trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, hệ thống chuyên gia, giảng viên, giáo trình chất lượng. Học sinh chỉ được dạy cho nhớ để đi thi chứ không biết ứng dụng kiến thức vào thực tế như thế nào.

Trong khi đó, ví dụ ở Israel - một quốc gia chỉ có 9 triệu dân sinh sống trên diện tích 2 triệu hecta mà 1,6 triệu hecta là sa mac - chương trình về khởi nghiệp được họ ươm mầm bắt đầu từ những năm học THPT chứ không chờ lên đến ĐH. Từ rất sớm, họ đã dạy cho người trẻ hiểu rằng, muốn khởi nghiệp hiệu quả thì dự án viết ra phải xuất phát từ nhu cầu của đất nước, phải có cách tiếp cận, giải quyết triệt để nhu cầu. Muốn nhận diện vấn đề để xây dựng dự án cần phải học thật tốt để có kiến thức và kỹ năng KHCN.

Sự hụt hẫng thứ hai là thanh niên Việt trình độ ngoại ngữ còn kém, giao tiếp không đạt yêu cầu, nói chi dùng để tra cứu thông tin KHCN trên mạng Internet. Các trang web, các trang MXH, đặc biệt như Facebook do người Việt viết ra đa số toàn những chuyện hoặc thông tin thứ cấp. Nó không đi tới ánh sáng tri thức để giải quyết tận gốc các vấn đề khó khăn của xã hội mình. Cứ nhìn vào trang Facebook, mỗi ngày mở lên chúng ta thấy rất nhiều thông tin tiêu cực.

Quốc gia khởi nghiệp - một trong 5 đầu sách đang được Hành tình Từ Trái Tim trao tặng chưa đựng rất nhiều câu chuyện đáng nể về dân tộc vong quốc vươn mình thành cường quốc - Israel.

Sự hụt hẫng tiếp theo của thanh niên Việt là họ chưa có một cơ quan nhà nước hoặc tư nhân nào làm ra các nguồn thông tin chính thức cung cấp các tư liệu, cố vấn cho thanh niên muốn xây dựng dự án khởi nghiệp.

So với phong trào khởi nghiệp Israel, thanh niên được chuẩn bị kiến thức từ khi còn ngồi trong trường trung học, và lớn lên được tiếp cận với căn cứ dữ liệu từ trang web https://www.startupnationcentral.org/ với đủ loại thông tin để xây dựng dự án khởi nghiệp.

Hiện nay Israel đã có 12 nhà khoa học đoạt giải Nobel trong dân số 9 triệu, một tỉ lệ khá cao trong thế giới. Sở dĩ họ làm được như vậy vì có những nhà khoa học rất tâm huyết. Ví dụ như ông Daniel Shechtman (giải Nobel Hóa học 2011) - một người tôi từng có duyên nói chuyện, ngay trước khi ông đạt giải Nobel, ông đã tìm hiểu các giải Nobel trước đó rất kỹ. Mỗi năm khi người ta công bố giải Nobel, ông lại xin tài liệu về các đề tài đạt giải. Ông nghiên cứu và dịch ra tiếng Herbrew, in ra và gửi xuống tất cả các trường trung học. Học sinh trung học có khiếu về Hóa học, Vật lý, Sinh học, Y học, Văn học sẽ đọc các bài nghiên cứu thuộc ngành mình để có khái niệm ứng dụng vào thực tế như thế nào.

Cứ như thế, học sinh được ươm mầm rất tốt nhờ hệ thống giáo dục. Rồi chính phủ cũng lập ra một trang web chuyên phục vụ cho các startup như nói bên trên. Trên web đó có danh sách và thông tin về lịch sử các doanh nghiệp, ghi lại quá trình một doanh nghiệp hình thành ra sao, thất bại thế nào và tại sao lại thất bại, tại sao thành công. Các vấn đề về khoa học kỹ thuật, công nghệ cũng được cung cấp cho thanh niên tham khảo.

Người Israel từ khi còn rất trẻ đã được đào tạo rất cơ bản qua hệ thống trường lớp và được tiếp cận với hệ thống thông tin nền tảng rộng lớn, chuyên sâu về khoa học kỹ thuật, tư vấn. Họ sớm nhận được ánh sáng tri thức nên khi tốt nghiệp ĐH, người Israel đã đứng trên một vạch xuất phát rất khác so với người Việt Nam cùng trình độ.

Những cuốn sách mà Hành trình Từ Trái Tim gửi trao được các bạn học sinh, sinh viên miền Tây hào hứng đón nhận

Điều đáng quý ở Israel là đất nước đó luôn bị đẩy vào nghịch cảnh có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào. Thế nên ở xứ Do Thái này, tâm niệm của từng người dân là phải học thật giỏi. Họ hiểu rằng không thể chiến thắng kẻ thù nếu chỉ biết đấu tay đôi. Thay vào đó, phải có vũ khí, phải thắng đối thù về khoa học kỹ thuật. Muốn bảo vệ đất nước, họ buộc phải chiến thắng nhờ những sáng tạo và phát minh vượt bậc. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng khiến Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp kiểu mẫu về công nghệ.

Bây giờ so lại với Việt Nam, nhiều người không có tài năng nhưng lại lo ăn nhậu, hưởng thụ và tìm cách trèo cao. Và rồi những đứa con của những người ấy, khi nhìn thấy cha mẹ kiếm tiền dễ, càng không có tư tưởng cố gắng.

Sự hụt hẫng thứ tư là trong suy nghĩ của người Việt, chúng ta đã in hằn câu nói: Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu, nên không có tư tưởng tiết kiệm. Những nỗi khổ của người nông dân ít được phơi bày. Chính những người thanh niên thành phố không đi tới vùng nghèo khó cũng không biết hết sự thật về đất nước mình. Vì thế, họ dễ sa vào cuộc sống hưởng thụ. Cuối cùng tạo ra một nền văn hóa chậm tiến.

Nhìn lại Nhật Bản, người học sinh tiểu học bên đó cũng đã được dạy là đất nước mình phần lớn là núi rừng, thảm họa thiên tai xảy ra nhiều... Học sinh chỉ còn con đường phải học giỏi. Và người Nhật luôn có tinh thần nỗ lực vươn lên, sống tối giải, cần cù, tiết kiệm dù ngày nay, đất nước của họ đã vào bậc hùng cường.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nền tảng tri thức quốc gia là nhân tố có khả năng quyết định thành bại của đất nước

Bạn nói rất đúng rằng tri thức là nền tảng quan trọng quyết định đất nước đó đứng ở tầm cao nào trên thế giới. Tôi rất mong anh Vũ cùng Trung Nguyên sẽ đi thêm bước nữa, thiết lập kho tàng về các nguồn tri thức liên quan đến khoa học kỹ thuật, cung cấp các tài nguyên thông tin mà người thực sự muốn khởi nghiệp có thể tham khảo.

Điều này trong khi nhà nước còn chưa làm được nhưng Trung Nguyên có khả năng làm được nhờ tiềm lực tài chính và tâm trí, khát vọng đủ lớn để nhận được sự đồng hành của những người giỏi, có tri thức và sức ảnh hưởng xã hội.

Sự thành công cá ba sa Việt và bài học: tất cả sự cố gắng nửa vời đều không thể đem lại kết quả!

Trương Thu Hường: Từ TP.HCM đi qua tất cả các tỉnh ĐBSCL, tôi luôn phải bất ngờ vì phong trào khởi nghiệp rất sôi động. Chẳng hạn các ý tưởng làm tinh dầu khử mùi xe hơi bằng lá dứa, sản xuất mứt xoài, rượu vang trái giác... Nhưng theo GS vì sao, nhiều ý tưởng sáng tạo vẫn chưa đi vào đời sống và người dân miền Tây vẫn còn nghèo?

GS Võ Tòng Xuân: Điều này có thể giải thích một phần do họ còn chưa làm sản phẩm theo chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị này nếu bị tách khúc ra thì nhiều khi ráp lại cũng không được.

Chẳng hạn, nguyên liệu nếu không đồng nhất thì sản phẩm cũng không thể đồng nhất. Nếu sản phẩm đồng nhất rồi nhưng khâu đưa ra thị trường không tốt thì chuỗi giá trị cũng không ổn. Cho nên, chúng ta dễ thất bại.

Ví dụ, nông dân mình cũng biết sử dụng giống lúa mới và các chế phẩm sinh học làm tăng năng suất nhưng đầu ra lại giao cho tiểu thương làm chủ. Nông dân không chịu hợp tác với nhau và không hợp tác với doanh nghiệp. Chẳng hạn nhiều doanh nghiệp có đầu ra tốt nhưng tiềm lực tài chính kém, chậm thanh toán nên nông dân lại không chơi với doanh nghiệp mà vẫn làm bạn với thương lái dù rất nhiều lần đã điêu đưng vì thương lái.

Các startup khi làm được một sản phẩm, khi nghiên cứu, xây dựng đề án thì phải nghiên cứu luôn việc sản phẩm sẽ đến thị trường như thế nào. Một dự án không thể chỉ tính lời lãi trên lý thuyết mà cần phải căn cứ vào thực tế. Phải nghĩ cách làm sao cho người ta biết, chú ý và hiểu được giá trị sản phẩm của mình và ai sẽ bán, mình bán hay thông qua một kênh khác?

GS Võ Tòng Xuân hướng dẫn người nông dân trồng lúa.

Chẳng hạn như câu chuyện khởi nghiệp với cá ba sa của anh Ngô Húa - Việt kiều ở Mỹ, chuyên làm thủy sản ở California.

Trong lần qua An Giang tham quan năm 2008, anh Húa dừng ăn trưa tại Châu Đốc và rất tâm đắc với món cá ba sa. Anh đưa cá ba sa qua Mỹ đúng lúc có hội chợ thủy sản ở Boston. Anh Húa đã mời một đầu bếp rất nổi tiếng Gary Puetz chuyên nấu các món cá với giá 5.000 USD/ngày để đứng ở gian hàng, nấu cá ba sa trực tiếp cho khách thưởng thức.

Nhiều đại gia nếm thử đã rất thích và đặt hàng ngay. Đây là một chiêu marketing rất hiệu quả và gây tiếng vang. Nhận thấy sức ảnh hưởng của cá da trơn Việt với cá catfish của Mỹ, chính phủ Mỹ ngay từ khi thấy mầm mống đã tìm cách triệt hạ, khởi kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, hành động ấy đã khiến cá ba sa trở nên nổi tiếng toàn cầu. Châu Âu lập tức nhảy vào cuộc.

Chỉ vài tháng sau, khách hàng châu Âu ùn ùn kéo qua Việt Nam. Từ năm 2003 cho đến 2008, chỉ 5 năm, sản lượng cá xuất đi châu Âu đã chiếm gần một nửa tổng giá trị cá tra, ba sa xuất khẩu của Việt Nam, tức gần 50% trong số 1,4 tỷ USD năm 2008, nghĩa là thị phần tăng từ 0% lên 50% chỉ sau 5 năm.

Đó là tinh thần đi đến cùng, dám đương đầu với thách thức của những người mong muốn đưa con cá Việt Nam đến thị trường quốc tế. Ngay từ khâu marketing ban đầu, chúng ta đã thấy anh Húa không ngại đánh cược lớn vào ván cờ mà mình thấy là có tiềm năng thắng cuộc.

Những hình ảnh của Hành trình Từ Trái Tim tại vùng ĐBSCL.

Những người muốn khởi nghiệp phải được trang bị tinh thần như thế. Họ phải hiểu sâu sắc rằng, sản phẩm phải bán được, công việc họ làm phải có đích đến thì nó mới là cái gì đó có giá trị. Những sự cố gắng nửa vời thường không đi đến đâu và chẳng giải quyết được việc gì và tất nhiên, không thể trở thành động lực giúp xã hội phát triển.

Cũng như các nhà khoa học tìm ra phương pháp nào đó thì đừng nghĩ chỉ nộp đăng báo để lấy tiếng mà hãy nên trở về, tới những nơi mà cái vấn đề khó khăn đã phát sinh ra đề tài đó để dẫn người dân áp dụng thì mới có ý nghĩa hướng.

Trương Thu Hường: Xin cảm ơn GS về buổi trò chuyện ý nghĩa này. Kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GS Võ Tòng Xuân: 'Tôi rất mong Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên sẽ đi thêm bước nữa'