Thời điểm này, nhiều nơi ở Hà Nội đang tưng bừng khai hội, thu hút hàng vạn lượt khách du xuân, chiêm bái.
Văn hóa

Hà Nội: Độc đáo tục 'rước vua giả', thi giã bánh giầy đầu năm

Tuyết Nhung 10/02/2025 16:30

Thời điểm này, nhiều nơi ở Hà Nội đang tưng bừng khai hội, thu hút hàng vạn lượt khách du xuân, chiêm bái.

Thời tiết thuận lợi cùng công tác quản lý và tổ chức lễ hội đi vào nền nếp hứa hẹn mang lại một mùa lễ hội xuân tươi vui, an toàn và nhiều ý nghĩa.

Độc đáo tục "rước vua giả" tại Lễ hội đền Sái

Trong đó, thu hút nhiều du khách đến xem nhất là tục "rước vua giả" tại Lễ hội đền Sái, huyện Đông Anh.

anh-082-12-1739026911193277822332.jpg
UBND huyện Đông Anh tổ chức Lễ hội đền Sái với tục “rước vua giả” độc đáo - Ảnh: UBND-TP.Hà Nội

Theo truyền thuyết xưa, vào khoảng năm 258 trước Công nguyên, nhà Thục đại thắng nhà Tần. An Dương Vương lên ngôi Hoàng Đế đóng đô ở Cổ Loa, đặt tên nước là Âu Lạc.

Để trị quốc an dân nhà vua cho xây thành đắp lũy, thành xây xong lại đổ, lũy đào xong lại đầy, nhà vua cho lập đàn cầu tế thiên địa và được Thanh Giang sứ (tức rùa vàng) ứng báo tại ngọn núi Thất Diệu Sơn (tức núi Sái ngày nay) có con Bạch Kê Tinh ẩn náu và phá phách việc xây thành của nhà vua.

anh-082-9-1739026911265670398852.jpg

Nhà vua cùng đoàn tùy tùng gồm chúa và các quan lại thần trong triều đến Thất Diệu Sơn hành lễ, sau đó một thời gian thành được xây xong, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho đất nước Âu Lạc thời kỳ đó.

Hằng năm, vào mùa xuân, vua chúa cùng các quan lại đích thân về đây bái yết. Về sau do thấy việc đi lại tốn hao tiền của, công sức của nhân dân nên vua ban cho dân làng Thuỵ Lôi - xã Thuỵ Lâm được thực hành nghi lễ thiên tử, xưng quan tước, bái yết ngài.

Từ đó, lễ hội rước vua dần được hình thành và trở thành một lễ hội, một hoạt động văn hoá độc đáo của vùng quê Bắc Bộ.

Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, Lễ hội đền Sái Xuân Ất Tỵ 2025 có nhiều điểm mới. Năm nay, huyện góp sức cùng Thủ đô Hà Nội thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy thủ đô và hành động Hà Nội, tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới.

anh-082-4-17390269113932062747426.jpg

Lễ hội đền Sái với nghi thức rước vua độc đáo thể hiện tính đoàn kết cộng đồng; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Lễ hội đền Sái được tổ chức hằng năm từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng, trong đó đặc sắc là lễ hội rước vua giả vào ngày 11 tháng Giêng.

Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 28.1 đến 12.2 (tức từ 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Khu di tích lịch sử đền Sái. Các hoạt động của lễ hội gồm: Dâng hương, tế lễ, hội rước vua giả, văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao.

Đặc sắc Hội thi giã bánh giầy truyền thống tại thôn Lý Nhân sau 23 năm gián đoạn

Nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội truyền thống thôn Lý Nhân (thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội), sáng 8.2 (tức 11.1 âm lịch), Hội thi giã bánh giầy truyền thống thôn Lý Nhân Xuân Ất Tỵ năm 2025 đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tới xem.

anh-53-17390242614301620079150.jpg
Hội thi giã bánh giầy trong Lễ hội truyền thống của thôn Lý Nhân được tổ chức với mong muốn gìn giữ và nổi tiếp vốn di sản văn hóa quý báu của cha ông - Ảnh: UBND TP.Hà Nội

Hội thi có sự góp mặt của 13 đội đến từ các dòng họ trong thôn Lý Nhân, mỗi đội gồm 5 thành viên. Thời gian thi là 90 phút tính từ lúc bắt đầu nổi lửa nấu xôi cho đến khi cho ra sản phẩm là những chiếc bành giầy tròn, trắng mịn.

Vật dụng dùng cho mỗi đội thi để làm bánh gồm: Cối đá, chõ đồ xôi, chày bằng tre, rổ, rá, mẹt, mâm, củi... Đặc biệt là không thể thiếu các nguyên liệu để làm ra những chiếc bánh giầy đẹp mắt, đồng đều là nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, đường, mỡ lợn (heo)...

83-17390247043442026089039.jpg

Các đội thi lần lượt trải qua các quy trình làm bánh như nổi lửa đồ xôi, giã bánh, nặn thành 6 chiếc bánh sao cho nhanh, đẹp và đồng đều. Trong đó có 1 chiếc bánh chay, trọng lượng 3kg và 5 chiếc bánh giày có nhân.

51-17390242616441579367224.jpg

Sau 90 phút, các thành viên trong 13 đội thi đã khéo léo hoàn thành quy trình và tạo ra những chiếc bánh giầy đúng thời gian quy định, bảo đảm thẩm mỹ, dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, tạo không khí vui tươi, sôi nổi.

Theo ông Nguyễn Tiến Lực, Trưởng thôn Lý Nhân, Hội giã bánh giầy Lý Nhân còn được người dân gọi là "Hội Ba chạp". Từ xa xưa, bánh chưng, bánh giầy là biểu tượng của trời và đất, trở thành điều thiêng liêng trong tâm thức người dân Việt. Đối với người dân Lý Nhân, bánh giầy cùng với chè lam, oản thờ là biểu hiện cho lòng tri ân thành hoàng, là văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc địa phương.

6-1739024515628703117917.jpg

Trước kia, Hội giã bánh giầy được tổ chức linh đình trong 3 ngày, từ ngày 30 tháng 11, nổi sang ngày hôm sau là mồng 1 và mồng 2 tháng Chạp, do đó gọi là Ba Chạp.

Trải qua bao năm tháng chiến tranh và thiên tai, hội giã bánh giầy không có điều kiện tổ chức trong Ngày hội của thôn song "linh hồn" của nó vẫn tồn tại ở mỗi nhà dân trong thôn. Cứ đến ngày này, người ta thi nhau chọn gạo ngon, đỗ tốt để làm bánh giầy mời khách, nếp sống này đã trở thành truyền thống, thành chất xúc tác gắn kết bền chặt cộng đồng làng xã.

"Đầu xuân năm 2002, thôn Lý Nhân được Sở Văn hoá Thông tin (nay là Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) cho phép phục hồi Hội giã bánh giầy. Và mùa xuân năm nay, sau gần 23 năm bị gián đoạn, được sự ủng hộ của người dân và các cấp chính quyền địa phương, Hội thi giã bánh giầy trong Lễ hội truyền thống của thôn Lý Nhân được tổ chức với mong muốn gìn giữ và nổi tiếp vốn di sản văn hóa quý báu của cha ông", ông Nguyễn Tiến Lực chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh, việc tổ chức Hội thi giã bánh giầy trong Lễ hội truyền thống thôn Lý Nhân, xã Dục Tú nhằm gắn kết nhân dân trên địa bàn, cũng như bảo tồn, gìn giữ những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc của quê hương Đông Anh.

"Đây cũng là dịp để những dòng họ trong Lý Nhân tôn vinh, giới thiệu đối với du khách thập phương một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thúc đẩy ngành du lịch cộng đồng địa phương phát triển", bà Linh nói.

Cùng với Hội thi giã bánh giầy, trong Lễ hội truyền thống thôn Lý Nhân còn diễn ra hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc cùng các trò chơi dân gian hấp dẫn như vật cổ truyền, bịt mắt đập niêu... thu hút đông đảo sự tham gia của người dân trên địa bàn cũng như du khách gần xa tới tham quan, trải nghiệm.

Lý Nhân là một làng cổ thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Đình Lý Nhân thờ phụng Ả Lã Nương Đế phu nhân chi thần, ngài linh ứng lừng lẫy, có công lao to lớn trong viện hộ quốc, an dân, phù trợ Hai Bà Trưng dẹp giặc ngoại xâm… Hằng năm, vào ngày 30.11 âm lịch, dân làng Lý Nhân mở hội, có thi giã bánh giầy.

Bài liên quan
Đồng Nai: Khai mạc Lễ hội Hương bưởi Tân Triều năm 2025
Tối 16.1, tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Tân Bình, UBND huyện Vĩnh Cửu tổ chức khai mạc Lễ hội Hương bưởi Tân Triều năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp Quốc hội bất thường quyết định nhiều vấn đề cấp bách về tinh gọn bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp bất thường lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Độc đáo tục 'rước vua giả', thi giã bánh giầy đầu năm