Sáng 10.2, các học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại các huyện, thị xã của Hà Nội đã đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh.

Hà Nội: Học sinh trở lại trường học trực tiếp, phụ huynh ủng hộ dù vẫn lo lắng

Dạ Thảo | 10/02/2022, 14:21

Sáng 10.2, các học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại các huyện, thị xã của Hà Nội đã đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh.

Có mặt tại trường tiểu học Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội nhiều phụ huynh cảm thấy khá lo lắng khi lần đầu tiên đưa các con đến trường sau một khoảng thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh.

Chị Cẩm Liên (huyện Thanh Trì) cho biết, đây là lần đầu tiên con gái chị được khoác ba lô tới trường nhận lớp với thầy cô giáo mới. "Mặc dù các con đã biết mặt thầy cô giáo qua việc học trực tuyến trên zoom nhưng hôm nay là lần đầu tiên các con đến trường cũng khó tránh khỏi bỡ ngỡ và lo lắng. Lo vì hiện nay các con vẫn chưa tiêm phòng COVID-19, mặc dù nhà trường cũng đã có nhắn tin hỏi, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định không cho con tiêm ở thời điểm này, tuy nhiên tôi lại ủng hộ việc cho các con đi học trực tiếp. Vì nếu đi học thì dặn con đeo khẩu trang; gia đình cũng đã chuẩn bị sẵn bình nước riêng cho con, tránh tiếp xúc hoặc vui chơi khi ở giữa giờ. Đến bữa trưa thì đón con về nhà, sát khuẩn. Đi học cho con quen trường lớp, chứ cũng xác định không may có lây nhiễm thì cũng đã chuẩn bị sẵn đồ xông và thuốc men cho con" - chị Cẩm Liên cho biết.

di-hoc-tro-lai-tieu-hoc.jpg
Các học sinh tiểu học ngoại thành Hà Nội đã đến trường học trực tiếp vào sáng 10.2

Tại trường Tiểu học Tân Lập B, huyện Đan Phượng, nhà trường quyết định vừa dạy học trực tuyến vừa học trực tiếp. Tại các lớp học có gắn các camera để theo dõi và đánh giá tình hình. Các học sinh đang trong diện F0, F1 đang cách ly sẽ theo dõi bài giảng trực tuyến. Do chỉ học 1 buổi/ngày nên nhà trường chia ca học sinh lớp 1 và 2 học buổi chiều, còn lại học sinh khối 3-4-5 học buổi sáng. Nhà trường đã cho dọn dẹp lại trường học, phân công giáo viên đứng ở cổng trường hỗ trợ học sinh vào lớp, cũng như sát khuẩn, đo thân nhiệt. Trường học căng rào chắn thành 2 khu riêng để học sinh đứng cách xa nhau khi vào lớp. Các em học sinh sẽ bắt đầu tiết học sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ, không tổ chức ăn bán trú. Học sinh ra chơi trong khu vực lớp học, có sự giám sát của các giáo viên.

Còn tại huyện Ba Vì, Hà Nội tới chiều 9.2 thông tin đã quyết định lùi ngày cho học sinh trở lại trường. Đại diện phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Ba Vì cho biết các học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 sẽ đến trường sau ngày 10.2 vì tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn rất phức tạp. Chỉ tính riêng ngày 8.2, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn lên đến 115 và F0 rải đều ở tất cả xã, thị trấn của huyện. Do đó, việc lùi thời gian cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 đến trường ít ngày nhằm có thêm thời gian để nhà trường chuẩn bị các điều kiện, hướng dẫn phụ huynh, học sinh kỹ hơn để họ yên tâm hơn.

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, ngay khi nhận được chỉ đạo về việc đón học sinh các cấp trở lại học tập trực tiếp, phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức phối hợp với chính quyền, các trường, đảm bảo mọi điều kiện an toàn khi đón học sinh tới trường. Các trường đã hoàn tất chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn trước khi học sinh đến trường. Phòng GD-ĐT cũng tổ chức diễn tập thực tế các tình huống có thể xảy ra khi đón học sinh tới trường. Chủ động tập huấn cho các giáo viên, tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19. Chuẩn bị sẵn các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học.

Trao đổi về việc đón học sinh lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học trực tiếp, ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cho biết, toàn huyện có 28 trường tiểu học, 23 trường THCS. Qua rà soát, các nhà trường đều chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch sẵn sàng đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học trực tiếp. Ghi nhận chung, phụ huynh học sinh đều bày tỏ sự đồng thuận cao với việc đưa con trở lại trường học trực tiếp.

di-hoc-tro-lai-tieu-hoc-2.png
Nhiều phụ huynh lo lắng khi các con vẫn chưa tiêm phòng 

Theo dự tính của Sở GD-ĐT Hà Nội, sau khi các khối từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện và thị xã đi học trở lại, Sở sẽ rà soát, đánh giá và nếu tình hình dịch được kiểm soát và sẽ đề xuất UBND thành phố xem xét cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành đi học từ ngày 21.2. Trước đó, ngày 8.2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn thành phố đã trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng vì dịch bệnh.

Trước đó, chia sẻ về quan điểm cho học sinh đến trường trong thời điểm dịch bệnh và các em vẫn chưa tiêm phòng COVID-19 một cách đầy đủ. TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) – cho rằng: Chúng ta phải chấp nhận sống chung với COVID-19 và phải thích ứng an toàn với dịch bệnh. Do đó, khi mở cửa trường học, các địa phương cần có biện pháp để thích ứng an toàn; trong đó chú trọng giải pháp 5K và vắc xin. Cả Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cần trao đổi để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Ngoài ra, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể cho cơ sở giáo dục về việc mở cửa trường học và cùng chung tay với nhà trường trong việc thực hiện giải pháp mở cửa trường học an toàn. Chắc chắn việc đi học trở lại ở thời điểm hiện tại sẽ không giống như như trước đây. Có thể trường học sẽ chỉ mở cửa một thời gian, sau đó lại đóng cửa tạm thời theo quyết định của chính quyền địa phương tùy vào bối cảnh cụ thể. Trước tình hình diễn biến khó lường, các chính quyền sẽ cần linh hoạt và sẵn sàng thích ứng để đảm bảo an toàn cho mọi trẻ em.

Về vấn đề bảo đảm phòng dịch khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh chỉ đạo sở Y tế tiếp tục phối hợp với sở GD-ĐT xây dựng các kịch bản phòng chống dịch từ gia đình, trên đường đi và ở trường học, khi sinh hoạt ngoài cộng đồng, phù hợp với tình hình dịch của các địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học cho các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh, tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo phòng dịch và tinh thần, tư tưởng sống bình tĩnh khi không may phát hiện có ca lây nhiễm. Sự hiểu biết của cha mẹ học sinh, giáo viên là yếu tố then chốt đưa học sinh trở lại trường học một cách an toàn, bình thường nhất".

Bài liên quan
Mưa lớn khiến nhiều nơi trong TP.Huế bị ngập sâu, học sinh nghỉ học
Trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có mưa lớn. Từ sáng sớm nay (25.11), nước sông Hương dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi trong TP.Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Học sinh trở lại trường học trực tiếp, phụ huynh ủng hộ dù vẫn lo lắng