Giám đốc Sở TN-MT Bùi Duy Cường đề nghị xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng, nếu cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi.
Tập trung xử lý các dự án chậm triển khai
Ngày 8.4, tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bùi Duy Cường đã trình bày tờ trình về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư có mục đích phục vụ nhu cầu dân sinh và các dự án kêu gọi đầu tư của thành phố.
Đồng thời cần xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; với các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi; tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai khác.
Tại kỳ họp, UBND đã trình HĐND thành phố 14 giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Trong đó, giải pháp quan trọng được đề xuất là phân loại, rà soát các dự án đã có quyết định, chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư) đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Song song với đó, kiên quyết thu hồi dự án đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai; tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm tiến độ đầu tư, định kỳ đánh giá đầu tư đảm bảo quản lý chặt chẽ; kết nối liên thông, cập nhật, quản lý và khai thác dữ liệu về các dự án đầu tư của các cấp các ngành thành phố.
Ông Cường cũng cho biết sẽ thực hiện kiểm tra, phân loại, xử lý đối với từng dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa giải phóng mặt bằng (để kéo dài nhiều năm hoặc chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) để thu hồi, hủy bỏ các quyết định, và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, phải rà soát, đôn đốc các dự án đã giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đôn đốc, giám sát đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, cam kết thực hiện để sớm đưa dự án vào sử dụng theo tiến độ và quy định của pháp luật đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng công trình hoặc đã xây dựng một phần dự án nhưng đến nay đang ngừng thực hiện.
“Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với từng dự án theo quy định của pháp luật; xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất đã giao theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp chây ì, tiếp tục vi phạm”, ông Cường nêu.
Một giải pháp nữa là đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và yêu cầu chủ đầu tư phối hợp thực hiện để sớm đưa đất vào sử dụng. Trường hợp chủ đầu tư chậm, không phối hợp thực hiện thì tổ chức kiểm tra, xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án…
Đề nghị phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư 44 dự án đầu tư công
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Anh Tuấn trình bày tờ trình về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 44 dự án đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021-2025, của TP.Hà Nội.
Theo tờ trình, UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố cho ý kiến điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trung ương của dự án (nhóm A): Cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai từ 1.600 tỉ đồng lên 2.106 tỉ đồng.
Phê duyệt chủ trương đầu tư 36 dự án (trong đó, 30 dự án nhóm B, 6 dự án nhóm C) được UBND thành phố chỉ đạo, giao các đơn vị thực hiện lập, thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Trong số 36 dự án, có 9 dự án sử dụng 100% ngân sách cấp huyện (thuộc các quận Tây Hồ, Long Biên và các huyện Thường Tín, Thanh Trì) và 2 dự án sử dụng ngân sách quận (Bắc Từ Liêm) và ngân sách thành phố.
Tổng mức đầu tư dự kiến 10.420 tỉ đồng, trong đó, ngân sách thành phố 7.210 tỉ đồng và ngân sách huyện là 3.210 tỉ đồng.
Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, ngân sách cấp thành phố gồm 7.210 tỉ đồng, dự kiến sử dụng trong giai đoạn 2021-2025 là 5.768 tỉ đồng (chiếm khoảng 80% tổng mức đầu tư), đảm bảo không vượt khả năng cân đối ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025.
Các dự án này đã có trong danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đề nghị bổ sung kế hoạch trung hạn 3 dự án: Xây dựng tuyến đường từ đường Tây Thăng Long đến đường từ Đại học Mỏ địa chất đi đường Phạm Văn Đồng; Bảo tồn, tôn tạo di tích đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; Bảo tồn, tôn tạo di tích cụm di tích Đền An Dương Vương tại khu di tích thành Cổ Loa).
“Các dự án trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư là các dự án quan trọng thuộc đối tượng ưu tiên của các lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư và các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội thủ đô trong giai đoạn 2021-2025”, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga nhấn mạnh.
UBND thành phố cũng đề nghị HĐND thành phố xem xét thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư 7 dự án (trong đó 3 dự án nhóm B, 4 dự án nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của thành phố và cấp huyện, tổng mức đầu tư dự kiến 2.347 tỉ đồng.