Nên thay thế loa phường bằng hình thức truyền tải thông tin khác, còn nếu giữ loa phường, cấp thiết phải nghiên cứu địa điểm đặt loa sao cho phù hợp, chú trọng vào nội dung tin bài… Đó là góp ý của chính những người đang trực tiếp phụ trách mảng văn hóa-xã hội tại các phường trên địa bàn Hà Nội.
Qua cuộc khảo sát trước đó của báo điện tử Một Thế Giới với những người dân, theo nhiều người, hiện nay nếu loa phường không còn tác dụng trong việc truyền tải thông tin, gây nhiều bất cập trong đời sống dân cư thì cũng đến lúc nên loại bỏ.Tuy nhiên cũng nên cân nhắc việc“xóa sổ” loa phường ở những khu vực, địa điểm nào cho hợp lý và nếu giữ lại, nhất thiết phải có sự đổi mới.
Không chỉ trong người dân, ngay cả ý kiến, quan điểm của những người trực tiếp phụ trách mảng văn hóa -xã hội các phường trên địa bàn Hà Nội cũng có sự trái chiều.
Về mặt tích cực, các lãnh đạo phường đều không phủ nhận rằng nhiều năm trước đâyhệ thống loa phát thanh phường đã phát huy được những mặt mạnh, những điểm đáng ghi nhận. Hệ thống loa phường được trang bị nhằm phục vụ cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các cấp, đặc biệt là triển khai các kế hoạch, thông báo của địa phương.
Chỉ phù hợp với vùng quê
Trao đổi với PVbáo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Vũ Đại – Phó chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin được phổ cập rộng rãi giúp người dân có thể cập nhật nhanh, mọi lúc mọi nơi, nên trong thời điểm hiện tạitôi cho rằng hệ thống loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử của nó và cầnthay thế bằng một hình thức truyền tải thông tin khác tới người dân. Còn hệ thống loa phát thanh như hiện nay chỉ phù hợp với các vùng quê, vùng sâu vùng xa với mật độ dân cư thưa”.
Giải thích thêm vềđiều này, ông Đại cho rằng với các phương tiện giao thông phát triển như hiện nay, những tiếng động cơ xe, tiếng còi xe… cũng phần nào gây ảnh hưởng tới hệ thống âm thanh mà loa phường phát ra. Hay như các phường liền kề nhau, có những hệ thống loa đặt gần nhau khiến cho người dân không nghe rõ, âm thanh nọ “đá” âm thanh kia, nội dung phát ra bị chồng chéo…
Cần nghiên cứu tổng thể nếu giữ loa phường
Trao đổi cùng ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó chủ tịch UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội), ông Phương cho biết nếu giữ lại loa truyền thanh cấp phường, nhất thiết cần phải nâng cao chất lượng tin bài, chất lượng thiết bị và xem xét, bố trí lại các vị trí đặt loa sao cho phù hợp hơn.
Về chất lượng tin bài, được biếtthông tin, tin bài của phường Trung Tự doBan Văn hóa-Thông tin của phường phụ trách, trong đó có sự góp sức của các cán bộ trong Ban Tuyên giáo Đảng ủy phường, các ban ngành, đoàn thể. Đặc biệt có cán bộ văn hóa thông tin trực tiếp soạn tin bài, sự kiểm duyệt của lãnh đạo vềthông tin được phát trên loa.
Vị trí đặt loa cũng là điều khiến ông Phương suy nghĩ khi địa bàn phường chật hẹp nên các vị trí đặt loa còn nhiều bất cập. Có những loa đặt ở ngay đầu nhà dân khiến một số hộ dân cảm thấy bức xúc, khó chịu vì những âm thanh “dội” thẳng vào tai. Nếu nghiên cứu lại, nên tập trung đặt loa tại các địa điểm thoáng, rộng, nơi công cộng như khu sân chơi để phục vụ cho đại đa số,vừa phù hợp vừa khoa học.
Trước câu hỏi có nên xóa bỏ loa phường và thay thế bằng phương thức truyền tin khác, ông Phương nói: “Trong trường hợp nếu xóa bỏ loa phường, chúng ta cũng rất cần những biện pháp thay thế. Bản thân UBND phường Trung Tự cũng đề xuất những phương án như thiết lập cổng thông tin của phường để người dân tiện truy cập, hoặc tăng cường công tác tuyên truyền qua các hội nghị, qua cán bộ cơ sở, qua bản tin tại các khu chung cư…”.
Đồng quan điểm với ông Phương, Phó chủ tịch UBND phường Phương Liên cũng cho biết ngoài phát thông báo trên hệ thống loa, phường còn thực hiện phương thức truyền tải thông tin tới người dân bằng văn bản thông qua đội cán bộ cơ sở, đội ngũ tổ trưởng tổ dân phố để người dân triển khai việc thực hiện thông tin đã đề ra.
Thu Anh