Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 ở Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch

Tuyết Nhung | 01/11/2022, 06:00

Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 ở Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch bệnh chiều 31.10, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30.10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021. Số ca mắc năm 2022 tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.

image_gallery.jpg
Phó chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng - Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP chủ trì hội nghị

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%; nội thành chiếm 41,9%. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511). Tuýp vi rút Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4.

Theo ông Cương, bệnh sốt xuất huyết Dengue trên bình diện chung cả nước số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Nhận định về tình hình dịch COVID-19, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dịch COVID-19 trên địa bàn TP hiện đang được kiểm soát tốt, toàn TP đã bước sang trạng thái bình thường mới. Một số quận, huyện ghi nhận số mắc cao như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thạch Thất. Hiện nay, tại Hà Nội lưu hành chủ yếu của biến chủng Omicron.

Từ ngày 21-27.10, trên địa bàn TP ghi nhận 590 ca, trong đó 1 ca tử vong (tại Đông Anh). Số ca mắc giảm 31% so với tuần trước (855 ca mắc), trung bình 84 ca/ngày. Bệnh nhân ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã (quận Ba Đình, huyện Phú Xuyên và Mỹ Đức không ghi nhận ca bệnh).

Về bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 17 trường hợp, số mắc giảm so với tuần trước (23 ca). Lũy tích năm 2022 ghi nhận 1.561 trường hợp, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế, trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp bệnh nhưng ít nguy cơ gây dịch lớn. Đối với các dịch bệnh khác, trong tuần không ghi nhận số mắc bất thường, tương đương hoặc giảm nhiều so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, TP đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết, từ đó có những chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng người dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh.

Bà Hà đề nghị các địa phương căn cứ thực tế địa bàn để có phương án phòng chống dịch phù hợp, đặc biệt lưu ý tại các cơ sở chăn nuôi, công trình xây dựng, nhà hàng... Đối với những ổ dịch đang kéo dài, cần xác định rõ quy mô, áp dụng các biện pháp quyết liệt như tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành... để giải quyết dứt điểm ổ dịch.

Với bệnh sốt xuất huyết, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về phòng chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, đúng địa chỉ, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao.

Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm. Đồng thời tiếp tục duy trì và kiện toàn thường xuyên tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Với phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu phải tăng cường giám sát từ sân bay Nội Bài đối với người nhập cảnh, người từ nước ngoài về, phải tiến hành thực chất, giám sát từ sớm. Với các dịch bệnh khác, các địa phương tiếp tục lưu ý, đảm bảo không chủ quan với mỗi loại dịch bệnh.

"Các sở ngành, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung, không để do chủ quan mà dịch bệnh bùng phát trên địa bàn", ông Dũng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nhập khẩu được 1.500 túi dịch truyền Dextran giải 'cơn khát' thiếu thuốc điều trị sốc sốt xuất huyết
Trước tình trạng các cơ sở y tế thiếu trầm trọng dung dịch cao phân tử điều trị sốc sốt xuất huyết, Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 đã nhập khẩu được 1.500 túi dịch truyền Dextran và đang tiếp tục nhập khẩu thêm nhằm cung ứng cho nhu cầu điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch