Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng và Sở Y tế đã triển khai quy trình báo động đỏ.
Dịch sốt xuất huyết còn phức tạp
Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng ở mức cao do đang trong giai đoạn cao điểm mùa dịch. Dự báo, thời gian tới, tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong hơn 1 tuần qua thành phố ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết mới tại 30 quận, huyện thị xã.
Cộng dồn trong năm 2022, Hà Nội đã có 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (2.091 ca, không có trường hợp tử vong). Trước tình hình đó, ngành y tế thành phố đang phải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vệ sinh môi trường.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhận định, tình hình bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp. Các năm trước thành phố chỉ ghi nhận 2 tuýp vi rút D1, D2 gây sốt xuất huyết, năm nay xuất hiện thêm cả tuýp D3, D4. Với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, trong những tuần tới số ca sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhất là khi sinh viên quay trở lại học.
Ở người khỏe mạnh số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450 G/L. Với bệnh nhân sốt xuất huyết, nếu tiểu cầu dưới 50 G/L cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Hoặc trường hợp bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan… cũng cần đi khám ngay. Đặc biệt, những ngày gần đây đã ghi nhận trường hợp giảm tiểu cầu về 0 G/L, 5 G/L là mức rất nghiêm trọng, hy hữu xảy ra.
Tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng tiểu cầu còn dưới 150 G/L bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).
Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy… Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi.
"Trong những ngày đầu sốt xuất huyết, bệnh nhân thường sốt cao. Với những trẻ bị sốt xuất huyết mà có tiền căn co giật, nên đi khám để được chỉ định thuốc phòng, chống co giật phù hợp. Khi trẻ sốt, nên nằm phòng thoáng mát, mặc quần áo mỏng, có thể chườm mát bằng nước ấm khoảng 35 độ, uống hạ sốt theo chỉ dẫn của thầy thuốc", bác sĩ Cấp chia sẻ.
Những sai lầm tự điều trị theo nguồn không chính thống
Với dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Hà Nội cũng đã thành lập hơn 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy tại các tổ dân phố và hơn 4.600 tổ giám sát. Các cơ quan truyền thông đại chúng, báo đài trung ương và địa phương cũng đã chung tay với Hà Nội tích cực truyền thông vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch. Bất kỳ ai đang sống trong vùng có sốt xuất huyết và bị sốt cao, đau đầu, đau mỏi người nhiều, nên đi khám và xét nghiệm để xác định bệnh, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Tuyệt đối tránh tự ý điều trị theo những hướng dẫn không chính thống trên mạng xã hội. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường mệt, một số trường hợp có biểu hiện buồn nôn. Người bệnh nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu, sao cho cảm thấy ngon miệng là được, không cần kiêng khem gì. Tránh thực phẩm quá cứng gây xước niêm mạc miệng, có thể khiến máu chảy nhiều hơn bình thường.
Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.
Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.
Đáng lưu ý khi trẻ em bị sốt xuất huyết, cha mẹ cần phải theo dõi kỹ nhiệt độ trước và sau khi cho con uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, nếu nhận thấy các biểu hiện như: Trẻ vật vã, lừ đừ, đau bụng ngày càng nặng, xuất huyết dưới da nhưng tứ chi lạnh. Trẻ nôn ói liên tục, xuất huyết tiêu hóa đột ngột… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám và điều trị.