Theo ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, tỉnh đang gặp hai cái khó trong tiêu thụ vải thiều: phương tiện vận chuyển và việc lưu thông qua các chốt trạm kiểm dịch.
Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về vấn đề tiêu thụ vải thiều, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, năm 2021, Bắc Giang có vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích hơn 28.000ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn.
Bắc Giang đã xây dựng được vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 15.000ha; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 82ha; có vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc...
Đặc biệt, ngày 12.3.2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Đến nay, tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 17.000 tấn vải thiều tươi; trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc và nội địa; giá bán bình quân dao động từ 20.000 - 32.000 đồng/kg; giá thấp nhất là 12.000 đồng/kg, giá cao nhất là 55.000 đồng/kg.
Tỉnh cũng đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được 40 tấn vải thiều. Dự kiến từ nay đến cuối vụ, sẽ xuất khẩu được từ 300 - 400 tấn vải thiều sang Nhật.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết tỉnh đang lo nhất vấn đề tiêu thụ vải thiều, đề nghị các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ tỉnh.
Theo ông Thái, Bắc Giang đang vào đầu vụ thu hoạch vải thiều, 20.000 tấn trong tổng số 40.000 tấn vải sớm đã được tiêu thụ. Hiện việc tiêu thụ vải tương đối thuận lợi vì sản lượng còn ít, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cơ bản thuận lợi.
Tại các cửa khẩu đều có khu kiểm soát dịch bệnh, vải thiều được ưu tiên luồng xanh làm thủ tục thông quan. Tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động thành lập 2 tổ công tác lên Lào Cai, Lạng Sơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu vải thiều.
Ông Thái cho hay, từ ngày 10.6, vải thiều sẽ vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lên đến 140.000 tấn. Ông Thái ước tính, mỗi ngày có đến 10.000 - 20.000 tấn vải thiều cần được tiêu thụ ra khỏi tỉnh vào thời điểm thu hoạch rộ.
"Vải chất lượng rất tốt, xuất khẩu sang Nhật Bản tiêu thụ nhanh, giá tốt, lên đến 350.000 - 400.000 đồng/kg. Đầu vụ, việc xuất khẩu vẫn thuận lợi nhưng khi thu hoạch rộ, chúng tôi tính đến phương án tiêu thụ nội địa 70%, xuất khẩu 30%.
Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ, các cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền để mở rộng thị trường nội địa cho trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía nam, tạo nền tảng bền vững cho những năm tiếp theo", ông Thái nói.
Theo ông Thái, tỉnh Bắc Giang đang gặp hai cái khó. Một là phương tiện vận chuyển, nếu vận chuyển vào thị trường phía nam phải có container, bảo quản lạnh nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vận tải e ngại. UBND tỉnh đã mời hiệp hội vận tải vào cuộc, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ Bắc Giang vận chuyển tiêu thụ vải thiều.
Cái khó thứ hai là việc lưu thông qua các chốt trạm kiểm dịch của các tỉnh. Mỗi lần xe của tỉnh Bắc Giang qua, các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh COVID-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi, nếu qua mấy chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.
Ông Thái kiến nghị việc bố trí phương tiện tỉnh có thể lo được nhưng Bắc Giang đề nghị các tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương qua trạm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu.
Ông Thái cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp đưa vải thiều của tỉnh vào các kênh phân phối lớn, các cơ quan truyền thông quan tâm hỗ trợ tuyên truyền, khẳng định chất lượng vải Bắc Giang an toàn, không dịch bệnh.
"Hiện vùng Lục Ngạn vẫn rất an toàn, Bắc Giang cũng không phát hiện các ca mắc trong cộng đồng, các ca nhiễm COVID-19 chỉ nằm trong khu công nghiệp và đã được phong tỏa", ông Thái khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cùng xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách chính quy hơn, vừa tiêu thụ được nông sản, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng an toàn trong dịch bệnh.
Bộ NN-PTNT cũng hy vọng từ mô hình phối hợp giữa ba đơn vị sẽ nhanh chóng phát triển thành hệ thống từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng sẽ bàn bạc với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam để kết nối cung cầu, làm sao thông tin về sản lượng tiêu thụ nông sản phải thông suốt.
"Thị trường phần lớn do doanh nghiệp điều tiết, làm sao kết nối thông tin đến những doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho Bắc Giang, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, nhất là trong giai đoạn thu hoạch rộ sắp tới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ NN-PTNT cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với bưu điện, Grab để kết nối đưa vải thiều đến tận tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử.
Trong dài hạn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, trong đó thí điểm ưu tiên cho các hợp tác xã ở Bắc Giang để nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ để xây dựng các hợp tác xã mạnh, nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, năng lực logistics của hợp tác xã, từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ nông sản trong bất kỳ tình huống nào.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh việc yêu cầu địa phương, doanh nghiệp, người dân phải chủ động cung cấp thông tin thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ nông sản.