Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip hai chàng trai trẻ tổ chức lễ cưới với sự chứng kiến của hai bên gia đình. Bất ngờ hơn, hai chàng trai cho biết phải vượt qua nhiều sóng gió, họ mới có được ngày chung đôi hạnh phúc.

Hai chàng trai sống ở Bình Dương làm 'đám cưới', cha mẹ mong con hạnh phúc

Theo TNO | 28/03/2018, 21:52

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip hai chàng trai trẻ tổ chức lễ cưới với sự chứng kiến của hai bên gia đình. Bất ngờ hơn, hai chàng trai cho biết phải vượt qua nhiều sóng gió, họ mới có được ngày chung đôi hạnh phúc.

Theo tìm hiểu, hai chàng trai trong clip là Nhật Thuận (25 tuổi) và Minh Phúc (28 tuổi). Đám cưới được tổ chức ở nhà của "cô dâu" Nhật Thuận tại Tây Ninh với sự chứng kiến của hai bên gia đình, họ hàng và 170 khách mời.

Đến hiện tại, đoạn clip về đám cưới của hai chàng trai trẻ đã nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận. Ít ai biết rằng, để có được một đám cưới trọn vẹn như vậy, Thuận và Phúc đã phải vượt qua không ít khó khăn và trắc trở.

Nên duyên từ... giao nhận hàng

Ba ngày sau đám cưới đơn giản ở quê nhà nhưng lại “rình rang” trên mạng xã hội, "cô dâu" Nhật Thuận cho biết hai vợ chồng đang có ngày nghỉ cuối ở bên gia đình trước khi quay trở lại với công việc.

Hình ảnh hạnh phúc trong đám cưới được tổ chức ngày 25.3 của đôi bạn trẻ

Nói về chuyện tình của mình, Nhật Thuận kể, Phúc và Thuận gặp nhau vào giữa năm 2015, khi đó Thuận đặt mua hàng online và Phúc đến giao hàng.

“Lúc gặp nhau đó, Thuận không có ấn tượng gì hết trơn và cũng không quan tâm vì mình đang có người yêu. Mà nhận hàng xong thì lát sau thấy Phúc nhắn tin cho mình bảo Thấy em manly và dễ thương quá trời, Thuận chỉ gửi lại cái icon mặt cười cho có rồi thôi”, Thuận nhớ lại.

Theo lời Thuận kể, tới đầu năm 2016, Thuận chia tay người yêu nên thường lên zalo viết những dòng trạng thái buồn bã. Khi đó, zalo của Phúc cũng toàn những dòng tâm sự buồn. Hai người động viên qua lại rồi bắt đầu nói chuyện.

“Gần tết 2016, Phúc nhắn tin nói ở Sài Gòn buồn quá, có thể về quê Thuận ở Tây Ninh chơi được không. Mình nghĩ là anh này nói chơi thôi nên ok. Ai ngờ Phúc về thiệt, về từ 27 đến 30 tết thì Phúc về lại Sài Gòn. Tới mùng 5 tết, Phúc quay lại Tây Ninh chơi thêm 1 - 2 ngày nữa thì hai đứa nhận ra có tình cảm với nhau”, Thuận chia sẻ.

Sau một năm thuyết phục hai bên gia đình, cả hai đã được tổ chức đám cưới

Sau tết, Thuận lên Bình Dương mở shop mỹ phẩm và làm nghề trang điểm, Phúc thì làm kỹ thuật trong ngành sắt ở Sài Gòn nên cứ 2 ngày lại chạy về Bình Dương thăm người yêu một lần.

“Vài ngày sau tới Valentine, Phúc tặng cho mình một hộp quà công phu lắm, bên trong có hộp đồng hồ hiệu và một cặp nhẫn. Phúc bảo anh không đẹp trai nhưng sẽ không bao giờ để vợ anh khổ, em làm vợ anh nha. Thuận bất ngờ nhưng cũng đồng ý luôn để quen rồi tìm hiểu tiếp”, Thuận hạnh phúc kể lại cột mốc quan trọng trong tình yêu của mình.

Mất 1 năm thuyết phục gia đình

Thuận nhận ra giới tính của mình từ nhỏ và được gia đình chấp nhận. Còn Phúc khi vừa lớn, trải qua mối tình với một cô gái rồi mới nhận ra mình không thể “rung động” với phụ nữ nên đã nói với gia đình vào năm 20 tuổi. Ban đầu, gia đình khá sốc nhưng sau đó cũng chấp nhận.

Cũng như nhiều cặp đôi khác, phải qua nhiều trắc trở họ mới có thể đến được với nhau

Theo lời Thuận kể, trước khi yêu Thuận thì Phúc đã công khai với gia đình mối tình với một người nam suốt 2 năm nhưng sau đó tan vỡ vì có quá nhiều trắc trở và đau khổ. Do vậy, khi biết Phúc và Thuận có ý định kết hôn, gia đình đã kịch liệt phản đối.

Phúc tâm sự: “Lúc quen thì gia đình không ai nói gì, ai cũng vui vẻ nhưng khi mình nói sẽ kết hôn thì gia đình 10 người hết 9 người phản đối. Bởi vì trong nhà ba mình là cháu đích tôn 3 đời nên ba nói quen thôi được rồi, chứ cưới họ hàng biết thì ba biết nói làm sao. Nhưng mình yêu nhau và không thể sống thiếu nhau nên đã áp dụng cách "mưa dầm thấm lâu", mỗi tháng mình đưa Thuận về quê một lần, Thuận nấu ăn ngon, lễ phép, hòa đồng nên cả gia đình mình ai cũng thích. Sau đó, cả gia đình đồng ý để hai đứa kết hôn”.

Về phần Thuận thì cho biết bản thân đã rất buồn khi ba mẹ bạn trai phản đối quyết liệt như vậy, nhưng vì tình yêu nên hai bạn luôn cố gắng chứng minh cho gia đình hai bên thấy rằng cả hai không thể sống thiếu nhau.

Thuận xúc động chia sẻ: “Đến một ngày, mẹ mình bảo con dù sao cũng là con của mẹ, nếu con muốn kết hôn thì mẹ sẽ tổ chức cưới hỏi đàng hoàng để ra mắt tổ tiên, họ hàng. Vậy là nhà Phúc mang đến 4 mâm quả xin cưới, clip được quay lại và đăng lên mạng xã hội để kỷ niệm như mọi người thấy”.

Niềm vui sau đám cưới vơi đi một nửa vì… mạng xã hội

Nhật Thuận cho biết trước và sau đám cưới, cả hai vẫn xưng hô rất dễ thương là “ông - tui”, “bà - tui”, chỉ khi nào Thuận giận chồng quá mới nói “anh thích làm gì thì làm”. Nhưng đặc biệt cả hai không bao giờ giận nhau quá 2 ngày.

Cha mẹ hai bên đều ủng hộ và mong con sẽ có cuộc hôn nhân viên mãn

Minh Phúc thì bày tỏ: “Mình cảm thấy không thể sống thiếu Thuận vì tính cách của Thuận dễ thương lắm, nóng nảy, hay quạu nhưng rất tình cảm và nhạy cảm”.

Ngày cưới, thấy tấm hình đặt ở cổng hoa là hai chàng trai, hàng xóm rủ nhau chạy tới xem rất đông, ai cũng lấy điện thoại ra chụp hình, quay phim lại vì thấy… lạ.

Sau đám cưới, clip được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, đôi bạn trẻ nhận được nhiều lời chúc phúc nhưng cũng không ít lời khó nghe.

Thuận nghẹn ngào tâm sự: “Nhiều người họ không chúc phúc thì thôi, họ còn chửi rủa, miệt thị mình và cả gia đình. Có những người nhắn tin thẳng vào điện thoại nói Thuận “Đẹp trai mà pê đê uổng quá” hay “Biết vậy kêu cha mẹ bóp mũi tụi mày cho chết đi từ nhỏ” khiến mình cảm thấy bị xúc phạm. Mình cũng là con người, mình cũng có quyền sống và được yêu thương mà. Niềm vui sau đám cưới của mình bị giảm đi một nửa”.

Sau 3 năm yêu nhau với nhiều lần từng muốn bỏ cuộc vì mệt mỏi và nhiều trắc trở. Tới khi tổ chức đám cưới, clip lưu giữ lại kỷ niệm lại khiến cả hai khá mệt mỏi vì những lời miệt thị của người xa lạ. Vậy nhưng đôi bạn trẻ vẫn an ủi và động viên nhau vì “dù ai nói gì thì nói, mình cảm thấy hạnh phúc, gia đình mình ủng hộ vậy là đủ”.

Trước đây, nếu theo Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì việc kết hôn giữa những người đồng giới bị cấm.

Từ 1.1.2015, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 có hiệu lực Quốc hội đã bỏ điều cấm này và thay bằng điều 8, khoản 2 là: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Theo TNO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai chàng trai sống ở Bình Dương làm 'đám cưới', cha mẹ mong con hạnh phúc