Trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng, về hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác bauxit ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có câu trả lời rõ nét về tình hình 2 dự án trên hiện nay.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dự án Alumin Tân Rai bắt đầu được đầu tư xây dựng từ năm 2006 và dự án Alumin Nhân Cơ được đầu tư xây dựng từ năm 2007, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Đến nay, Alumin Tân Rai đã vận hành thương mại từ tháng 10.2013, hiện đã sản xuất ổn định, năm 2017 là 636,7 ngàn tấn alumin đạt công suất vận hành theo cam kết của nhà thầu (630.000 tấn/năm), năm 2018 dự kiến đạt sản lượng 650.000 tấn alumin (đạt công suất thiết kế).
Alumin Nhân Cơ vào ngày 16.12.2016 đã có sản phẩm alumin đầu tiên và ngày 1.7.2017 nhà máy chính thức vận hành thương mại, năm 2017 đạt 501.000 tấn alumin (đạt 77% công suất thiết kế), theo kế hoạch năm 2018 sản lượng đạt 580.000 tấn alumin; năm 2019 sẽ đạt công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin.
Mặc dù thời gian các dự án đi vào hoạt động chưa dài (Tân Rai 5 năm và Nhân Cơ gần 2 năm), song Bộ trưởng cho biết quá trình vận hành sản xuất thời gian qua cho thấy việc vận hành các nhà máy ổn định, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đã đạt được theo thiết kế, một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với thiết kế. Các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến công tác xử lý bùn đỏ, bảo vệ môi trường. Các vấn đề về môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng... theo mục tiêu đề ra được bảo đảm.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua 2 dự án trên gặp thuận lợi về thị trường. Cụ thể là giá bán alumin trên thị trường khả quan: giá trung bình năm 2017 là 344 USD/tấn (FOB), bình quân 8 tháng đầu năm 2018 là 480 USD/tấn, có thời điểm tháng 4 năm 2018 giá alumin lên đến 672 USD/tấn. Đây là mức giá tốt so với phương án tính toán ban đầu để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án (với mức tính toán giá bán alumin trên 300 USD/tấn thì dự án bắt đầu có hiệu quả kinh tế).
Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 dự án tới thời điểm này khá thuận lợi và ổn định, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng và thị trường tiêu thụ chấp nhận tốt (sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó, thậm chí chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng). Đến nay TKV đã cấp alumin/hydrat đến các thị trường Trung Đông (U.A.E), Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan...
Bên cạnh đó, hsi dự án trên đã nhanh chóng làm chủ được công nghệ, chủ đầu tư đã có và tiếp tục các giải pháp cải tiến kỹ thuật công nghệ, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất, nhờ đó giá thành sản phẩm alumin giảm đáng kể giá thành sản xuất năm sau thấp hơn năm trước.
Về vấn đề đánh giá việc thí điểm khai thác bauxit ở Tây Nguyên, ông Trần Tuấn Anh cho hay: Đây là 2 dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa và tác động nhiều mặt, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường, xã hội... tác động tới phát triển của khu vực Tây Nguyên nói riêng và rộng hơn là kinh tế đất nước.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành, với UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông, TKV và các cơ quan khác có liên quan rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai thực hiện các dự án này, báo cáo với cấp thẩm quyền.
Dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng do TKV làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành từ tháng 9.2013 với công suất 650.000 tấn alumin/năm (tăng 50.000 tấn so với thiết kế). Dự án gồm 3 hợp phần là khai thác mỏ bauxite, nhà máy tuyển quặng bauxite và nhà máy Alumina.
Dự án có tổng số vốn đầu tư ban đầu dự kiến gần 7.800 tỉ đồng, sau đó được tăng vốn lên gấp đôi tới 15.414 tỉ đồng. Tuy nhiên sau 3 năm chạy máy, dự án này đã lỗ tới 3.700 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm gần 70%, khoảng 2.520 tỉ đồng; lỗ do chênh lệch tỷ giá 1.176 tỉ đồng và phần còn lại do vượt lỗ lũy kế theo kế hoạch 1.660 tỉ đồng.
Tổ hợp bauxite - Nhôm Lâm Đồng từng khiến dư luận hoang mang khi để xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước dư từ hồ bùn đỏ về nhà máy tuyển quặng hay sự cố rò rỉ ống khói... gây ảnh hưởng tới môi trường.
Tại dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, vốn đầu tư cũng tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, tổng vốn đầu tư ban đầu năm 2007 là 3.285 tỉ đồng, sau được điều chỉnh cao hơn 5 lần lên tới 16.821 tỉ đồng. Trong quá trình đầu tư, dự án này cũng gây ra một số sự cố ảnh hưởng tới môi trường như sự cố vỡ đường ống dẫn xút của nhà máy Alumin Nhân Cơ vào ngày 23.7.2016 tại Đắk Nông.
Tuyết Nhung