Hiện nay, thu ngân sách nhà nước (NSNN) Việt Nam còn phụ thuộc ở mức độ nhất định vào các khoản thu không bền vững như dầu thô. Bên cạnh đó, việc tăng thu nội địa chủ yếu đến từ các khoản thu có tính bền vững không cao như thu từ nhà, đất...

'Gánh nặng thuế phí của người dân Việt Nam chưa cao'

29/10/2018, 14:48

Hiện nay, thu ngân sách nhà nước (NSNN) Việt Nam còn phụ thuộc ở mức độ nhất định vào các khoản thu không bền vững như dầu thô. Bên cạnh đó, việc tăng thu nội địa chủ yếu đến từ các khoản thu có tính bền vững không cao như thu từ nhà, đất...

Nguồn thu từ thuế phí đang có xu hướng giảm - Ảnh: Internet

Liên quan đến Dự toán NSNN năm 2019, vấn đề mất cân bằng thu chi ngân sách tiếp tục là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới chuyên gia.

Trên cơ sở đánh giá thu NSNN năm 2018, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411.300 tỉ đồng, tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20% GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.173.500 tỉ đồng, chiếm 83,2% tổng dự toán thu NSNN, không kể các khoản thu không ổn định và không phải đặc trưng của sản xuất - kinh doanh trong nước (thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu từ bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước), thì dự kiến khoảng 945.000 tỉ đồng, tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2018.

Dự toán thu từ dầu thô là 44.600 tỉ đồng, chiếm 3,2% tổng dự toán thu NSNN, trên cơ sở sản lượng dầu khai thác là 10,43 triệu tấn, giá dự toán 65 USD/thùng. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 189.200 tỉ đồng, chiếm 13,4% tổng dự toán thu NSNN.

Nhìn nhận bức tranh thu ngân sách của Việt Nam qua các năm cũng như dự toán năm 2019 tại Toạ đàm "Góc nhìn chuyên gia về dự thảo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019" ngày 29.10, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - chuyên gia kinh tế tài chính và chính sách công cho biết tỷ trọng thu ngân sách của Việt Nam không cao, tỷ lệ huy động vào NSNN qua các năm từ 23-24%, trong đó từ thuế phí dao động trong ngưỡng 18-20%, chưa đạt chiến lược thu từ ngành thuế.

Giới chuyên gia góp mặt tại Toạ đàm - Ảnh: Tuyết Nhung

Chuyên gia Vũ Sỹ Cường cho rằng gánh nặng thuế phí của người dân Việt Nam chưa cao. Ông lo ngại trong dự toán ngân sách 3 năm gần đây, số thu từ thuế phí có xu hướng giảm xuống, trong khi chiến lược của ngành thuế là tăng lên.

Theo số liệu ông Cường tính toán, số thu từ thuế và lệ phí trong GDP năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19%, năm 2019 giảm xuống 18,7%. Thuế phí là nguồn thu quan trọng nhất nhưng xu hướng đang giảm rõ rệt. Đây là một rủi ro rất lớn về dài hạn cho ngân sách. Trong khi đó, ngân sách lại đang được bù đắp bằng những nguồn thu không bền vững như đất đai, tài nguyên, bán tài sản doanh nghiệp...

"Về dài hạn, tỷ lệ thu thuế, phí vào ngân sách mà giảm thì ngân sách đó sẽ không bền vững, tôi chắc chắn là như vậy. Trong khi chúng ta luôn trì hoãn việc xây dựng các loại thuế phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng không có bữa trưa nào miễn phí, nhưng tại sao người dân lại phản ứng mạnh việc tăng thuế phí như vậy? Phải chăng lòng tin của họ vào việc tiêu dùng ngân sách chưa cao", ông Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh chỉ ra một thực tế là Việt Nam đang hội nhập, tham gia các FTA rất sâu rộng. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu thuế nhập khẩu đang giảm mạnh. Nguồn thu lại đang dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (khoảng 72%), trong khi giá trị gia tăng thu về lại rất hạn chế. Có thể sản lượng xuất khẩu cao làm tăng GDP nhưng chưa chắc ngân sách đã tăng được tương ứng.

Trong khi đó, thu từ dầu thô lại không bền vững, sản lượng dầu thô đang có xu hướng giảm do tìm mỏ mới rất khó khăn nên vẫn phải khai thác các mỏ cũ. Do đó, tình hình thu ngân sách từ nguồn này cũng đang có biến động, cần phải thích nghi.

Ông Doanh đề xuất thêm cần xem xét lại khoản thu thuế từ các hộ kinh tế gia đình, vì khoản thu này hiện chưa bình đẳng, tương xứng, trong khi đó tỷ lệ chiếm khá lớn trong GDP. Bên cạnh những biện pháp tăng thu, cần phải giảm chi để không tạo áp lực quá lớn đến ngân sách, trong đó phải giảm chi thường xuyên.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp trong tháng 5
Tại chỉ thị mới, Thủ tướng yêu cầu tháng 5.2024 Bộ Công Thương phải trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Gánh nặng thuế phí của người dân Việt Nam chưa cao'