Chiều ngang thửa đất khi mua là 10 m, nhưng khi đo đạc lại chỉ còn 9,9 m, bà Trương Thị Niềm đã làm đơn khiếu kiện để đòi lại phần đất bị mất nhưng bị tòa bác đơn.

Hai năm khiếu kiện đòi 10 cm đất

Nguyên Việt | 28/03/2022, 18:48

Chiều ngang thửa đất khi mua là 10 m, nhưng khi đo đạc lại chỉ còn 9,9 m, bà Trương Thị Niềm đã làm đơn khiếu kiện để đòi lại phần đất bị mất nhưng bị tòa bác đơn.

Những thửa đất bị “phình”

TAND quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ vừa bác đơn của bà Trương Thị Niềm (40 tuổi, ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt) trong vụ kiện dân sự tranh chấp ranh giới giữa các bất động sản liền kề. Bà Niềm là nguyên đơn trong vụ kiện đòi lại 10 cm chiều ngang phần đất mà gia đình bà sở hữu. Bị đơn là vợ chồng ông Ngô Phước Nam và bà Võ Lê Thanh Trúc, sở hữu các thửa đất giáp ranh.

Theo nội dung bản án sơ thẩm ban hành ngày 3.3.2022, bà Niềm trình bày, mẹ của bà là Bùi Thị Huệ, chủ sở hữu của 3 thửa đất 512, 2268, 2013 với tổng diện tích 512 m2. Nguồn gốc đất này do bà Huệ nhận chuyển nhượng của các chủ đất cũ vào năm 2005 và được cấp giấy cho đến nay. Các thửa đất trên giáp ranh với 2 thửa đất 2014 và 2269 của ông Nam và bà Trúc.

Theo bà Niềm, năm 2010, ông Nam và bà Trúc xây nhà lấn chiếm qua các thửa đất nhưng do diện tích nhỏ nên gia đình bà không phát hiện. Đến năm 2020, khi gia đình bà Niềm có nhu cầu đo đạc để bán đất thì mới phát hiện bị lấn. Vụ việc này đã được UBND phường Thuận An hòa giải không thành nên bà Niềm khởi kiện đến tòa giải quyết.

phan-dat-bi-lan.jpg
Phần tường gạch xây nhô về phía đất của bà Niềm dễ dàng nhận thấy - Ảnh: Nguyên Việt

Kết quả đo đạc thực tế cho thấy các thửa đất của gia đình bà Niềm có tổng diện tích là 513,7 m2, tăng 1,7 m2. Nhưng kích thước chiều ngang phía sau giáp lối đi công cộng của thửa đất 2268 là 10 m, khi đo chỉ còn 9,9 m, thiếu so với giấy được cấp là 0,1 m. Trong khi đó, thửa đất 2269 của bị đơn có chiều ngang 5 m, qua đo đạc là 5,93 m (chưa tính phần tranh chấp là 0,17 m), thừa so với giấy được cấp. Bà Niềm yêu cầu bị đơn tháo dỡ tài sản trên đất để giao trả phần đất là 5,4 m2 thuộc 3 thửa đất của mình.

Lý giải cho phần đất bỗng nhiên “phình” ra 39 m2, người đại diện của ông Nam, bà Trúc cho rằng do toàn bộ phần đất của bị đơn, nguyên đơn có nguồn gốc từ gia đình của bị đơn chuyển nhượng cho người mua, sau đó những người mua chuyển nhượng lại cho gia đình nguyên đơn, giấy đất tuy thể hiện kích thước nhưng thực tế không đo đạc cụ thể và khi bán giao theo hiện trạng sử dụng không đo đạc lại. Người đại diện này cho rằng phần đất của bà Niềm bị thiếu 0,1 m là do thửa đất giáp ranh phía bên kia gây nên. Do đó, bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn.

TAND quận Thốt Nốt sau đó đã tổ chức đo đạc, thẩm định phần đất tranh chấp có diện tích 5,4 m2 trên. Kết quả đo đạc cho thấy trên phần đất tranh chấp này có 1 phần nhà, dãy trọ, gác lửng của bị đơn.

Ngày 25.3.2021, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường TP.Cần Thơ có công văn phúc đáp đến TAND quận Thốt Nốt về vấn đề trên như sau: Do hiện trạng sử dụng đất trên thực địa không còn ranh giới của từng thửa đất (đã được nguyên đơn, bị đơn gộp chung thành một phần đất) nên không thể xác định ranh giới riêng biệt của từng thửa đất tranh chấp. Việc xác định tọa độ vị trí thửa đất và tọa độ vị trí của các ranh thửa đất tranh chấp thì không quy định trên bản đồ địa chính phải thể hiện tọa độ vị trí thửa đất và tọa độ các góc ranh thửa đất nên không thể cung cấp được.

"0,1 m đất của tôi đi đâu?"

Từ những cơ sở trên, TAND quận Thốt Nốt cho rằng kết quả đo đạc thực tế đất của nguyên đơn và bị đơn diện tích đều tăng so với giấy được cấp. Lý giải nguyên nhân thì các cơ quan nhà nước không có ý kiến, tuy nhiên qua xem xét quá trình cấp giấy đất thì thời điểm cấp cho các đương sự, việc đo đạc được thực hiện bằng phương pháp thủ công, đơn giản. Nay Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường TP.Cần Thơ đo đạc bằng máy móc hiện đại, việc đo đạc theo xác định ranh giới của các đương sự và tứ cận liền kề của thửa đất nên có sự chênh lệch về kích thước và các cạnh tăng hoặc giảm, dẫn đến diện tích các thửa đất thay đổi so với giấy được cấp là sự thật.

Tòa nhận định bà Niềm căn cứ kích thước chiều ngang mặt sau thửa đất 2268 bị thiếu 0,1 m, trong khi đó chiều ngang của mặt trước thửa đất này dư 0,15 m là không phù hợp. Hơn nữa, thời điểm nhận đất, phía nguyên đơn không kiểm tra thực tế và khi bị đơn tiến hành xây cất nhà kiên cố vào năm 2010 cho đến nay, phía nguyên đơn có biết nhưng không tranh chấp khiếu nại nên có cơ sở xác định mốc giới giữa các thửa đất theo hiện trạng các bên đang sử dụng là phù hợp. Từ đó, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Niềm.

khu-dat-cua-ba-niem.jpg
Khu đất của bà Niềm hiện đang bị bỏ hoang, chưa thể sử dụng - Ảnh: Nguyên Việt

Hiện bà Niềm đã kháng cáo vụ việc lên tòa phúc thẩm. Sau phiên tòa sơ thẩm, bà cho biết, ngày trước gia đình bà mua phần đất có chiều ngang là 10 m, bây giờ chỉ còn 9,9 m đó là thực tế đã qua đo đạc của ngành chức năng.

“Vậy 0,1 m đất đó của tôi đi đâu? Không thể vì phần đất của gia đình tôi và bị đơn đều tăng so với giấy mà kết luận rằng đất tôi không bị lấn được. Trong khi đó, phần tường nhà của ông Nam bà Trúc xây lấn ra bất thường là rất rõ ràng”, bà Niềm cho biết.

Bà Niềm cũng nói thêm rằng, thực chất, năm 2000, gia đình bà mua đến 4 thửa đất, trong đó có đất của ông Võ Văn Phú với tổng diện tích là 612 m2. Trong phần đất này, có 100 m2 dự kiến làm đường giao thông nên đã cắt trên giấy tờ, gia đình bà Niềm chưa nhận bồi thường.

Sau đó, quy hoạch lại đường dời ra phía khác, đất được phục hồi nhưng gia đình bà Niềm chưa điều chỉnh lại trong quyền sử dụng đất. Bà Niềm cho biết, ông Phú lúc bấy giờ lãnh đạo ở xã, sau này công tác tại Quận ủy Thốt Nốt và hiện đã về hưu.

“Gia đình tôi mua đất của ông Phú nên rất yên tâm, nghĩ không có vấn đề gì phát sinh sau này. Ông Phú chính là cha của bà Trúc, phần đất của bà Trúc đang tranh chấp với gia đình tôi là do ông Phú tặng, tôi không nghĩ vấn đề đến mức ra tòa như thế này”.

Bà Niềm còn bức xúc trình bày, gia đình bà có đơn khởi kiện vụ việc trên từ tháng 2.2020 nhưng đến 2 năm sau vụ việc mới được đưa ra xét xử. “Tôi đã cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng vụ việc mới được đưa ra xét xử. Hoàn cảnh của tôi bây giờ rất khó khăn, tài sản đã dồn hết vào những thửa đất trên, không biết phải xoay sở thế nào”, bà Niềm nói và mong muốn rằng sự việc được giải quyết đúng pháp luật để bà có quyền quyết định với tài sản, trở lại với cuộc sống bình thường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai năm khiếu kiện đòi 10 cm đất